Mưa như trút nước, đường phố Đà Nẵng bị ngập sâu
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.
Hơn 1,4 tỷ cổ phiếu HVN của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) vừa chính thức chuyển từ sàn UPCoM lên HoSE. Với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 40.600 đồng/cổ phiếu, biên độ dao động ±20%, giá trị vốn hóa của Vietnam Airlines tại HoSE ước đạt 57.000 tỷ đồng, tương đương 2,5 tỷ USD.
Giá trị vốn hóa này chưa phản ánh đúng giá trị thực của cổ phiếu HVN, bởi thời điểm đầu năm 2018 đã đạt mức 3,5 tỷ USD, nhưng cũng đã cao hơn một số hãng hàng không truyền thống khác trong khu vực như Thai Airways (870 triệu USD), Jet Airway (412 triệu USD), Garuda (946 triệu USD) và tiến gần mức vốn hóa của Korea Air (3 tỷ USD).
Ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, Vietnam Airlines là doanh nghiệp có giá trị vốn hóa lớn nhất niêm yết cổ phiếu trên sàn HoSE từ đầu năm 2019 đến nay, đồng thời, là một trong 2 doanh nghiệp có cổ phiếu niêm yết trên sàn HoSE trong số 19 tập đoàn, tổng công ty do Ủy ban đại diện chủ sở hữu nhà nước.
Tuy nhiên, theo phân tích của ông Trần Thăng Long (Công ty chứng khoán BSC), việc cổ đông nhà nước chiếm 86,19% vốn điều lệ tại Vietnam Airlines sẽ hạn chế đóng góp thanh khoản của cổ phiếu cho thị trường.
“Tầm ảnh hưởng của Vietnam Airlines đối với diễn biến giá và thanh khoản của HoSE là không lớn. Trong bối cảnh thị trường bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài, nhà đầu tư khá thận trọng khi tham gia thị trường, thì hiệu ứng niêm yết HVN cũng khó xảy ra trong ngắn hạn”, ông Long nói.
Xét về quy mô, thanh khoản, tỷ lệ freefloat (cổ phiếu giao dịch tự do) và room cho nhà đầu tư nước ngoài, giới phân tích cho rằng, HVN là “miếng mồi ngon” đối với các bộ chỉ số và danh mục của các quỹ ETF (quỹ hoán đổi danh mục) trong các kỳ rà soát danh mục trong trung hạn.
Đặc biệt, cơ hội cho nhà đầu tư chiến lược cũng rộng mở hơn khi kế hoạch thoái vốn nhà nước tại Vietnam Airlines trong thời gian tới sẽ được thực hiện rốt ráo hơn. Theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg, ngày 17/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017 - 2020, Chính phủ có kế hoạch giảm tỷ lệ sở hữu của Nhà nước tại Vietnam Airlines xuống 51%.
Thực hiện chủ trương này của Chính phủ, Vietnam Airlines đã xây dựng phương án giảm vốn nhà nước tại Tổng công ty theo hình thức kết hợp giữa nhà nước thoái vốn và Vietnam Airlines phát hành thêm cổ phiếu tăng vốn điều lệ. Ông Phạm Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines cho biết, Tổng công ty đã trình phương án lên cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn xem xét, báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Một sự kiện khác cũng đang được giới đầu tư rất quan tâm, đó là Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) đã có văn bản chào mua công khai cổ phiếu của Công ty GTNFoods (mã chứng khoán: GTN) lần thứ 2, sau khi bị các cổ đông GTNFoods từ chối lần 1 mới đây. Lần chào mua này, Vinamilk tăng lên 116,71 triệu cổ phần GTN, tương ứng 46,68% lượng cổ phần đang lưu hành của GTNFoods. Nếu giao dịch diễn ra thành công, Vinamilk sẽ nắm giữ 122,5 triệu cổ phần tại GTNFoods, tương ứng tỷ lệ sở hữu 49%. Cũng như đợt trước, mức giá chào mua của Vinamilk là 13.000 đồng/cổ phiếu, tương đương tổng giá trị chào mua hơn 1.517 tỷ đồng.
GTNFoods đang sở hữu 3 thương hiệu lớn là Mộc Châu Milk, Vinatea, Ladofoods; nắm giữ gần 75% cổ phần Tổng công ty chăn nuôi Việt Nam (Vilico) - đơn vị sở hữu 51% cổ phần của Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu.
Ở mảng bất động sản, tuy vẫn còn khá sớm để bàn về hoạt động M&A tại thị trường này trong 12 tháng tới, nhưng tâm lý của các nhà đầu tư khá lạc quan. Đa phần nhà đầu tư đều tin rằng, thị trường bất động sản đang ở đoạn giữa của chu kỳ tăng trưởng. Thực tế phát triển của thị trường bất động sản đầu năm 2019 càng khẳng định điều này, dẫn đến niềm tin mạnh mẽ về sự phát triển của thị trường trong hai hoặc ba năm tới.
“Rất ít khả năng, các giao dịch M&A bất động sản trở nên kém hấp dẫn. Thị trường bất động sản sẽ tiếp tục sôi động và vượt trội hơn các lĩnh vực khác, dựa trên các giao dịch đã hoàn tất trong thời gian qua”, ông Ben Gray, Giám đốc bộ phận Đầu tư các thị trường vốn Cushman & Wakefield Việt Nam cho biết.
Hiện nay, so với thị trường M&A khu vực châu Á, Việt Nam vẫn là thị trường có giá trị giao dịch công bố khá khiêm tốn và giới phân tích vẫn nhắc đến Singapore hay Thái Lan nhiều hơn.
Báo cáo quý I/2019 của thị trường Đông Nam Á từ Mergermarket, nhà cung cấp dữ liệu và thông tin về thị trường M&A cho thấy, trong 3 tháng đầu năm, quy mô giá trị giao dịch M&A được công khai tại Đông Nam Á đạt 21,2 tỷ USD, trong đó, Việt Nam chỉ đạt 265 triệu USD, với 10 thương vụ, chủ yếu thuộc lĩnh vực dược phẩm, y tế và công nghệ sinh học, nông nghiệp, năng lượng, khai thác và tiện ích, công nghệ. Trong khi cùng kỳ năm ngoái, quy mô giá trị giao dịch M&A tại Việt Nam đạt hơn 1 tỷ USD, với 13 thương vụ.
Trong khi đó, Singapore đứng đầu về giá trị và số lượng giao dịch trong quý I/2019 với 13,2 tỷ USD và 29 giao dịch; tiếp theo là Thái Lan (2,5 tỷ USD, 14 giao dịch); Indonesia (2,4 tỷ USD, 10 giao dịch). Điều này cho thấy, thị trường M&A Việt Nam cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn.
Cũng theo báo cáo của Mergermarket, Nhật Bản tiếp tục là nguồn đầu tư nước ngoài lớn nhất vào khu vực Đông Nam Á với số lượng thương vụ M&A thực hiện nhiều nhất tại khu vực này, chiếm 25,6% tổng giá trị tại các thị trường Đông Nam Á, tăng 31,3% so với quý I/2018.
Đáng chú ý, ngoài việc gia tăng các giao dịch xuyên biên giới, các nhà đầu tư cũng gia tăng mạnh mẽ các giao dịch ngay tại chính thị trường của mình. Cụ thể, trong tổng giá trị giao dịch 21,2 tỷ USD, thì các thương vụ diễn ra trong nước tại thị trường Đông Nam Á chiếm 7,7 tỷ USD, với 40 giao dịch, nhiều hơn gấp đôi giá trị quý I/2018 (3,7 tỷ USD, 46 giao dịch).
Như vậy, có thể thấy, thị trường M&A Việt Nam tuy xác lập kỷ lục giá trị thời gian qua, nhưng vẫn phụ thuộc vào các công ty nước ngoài tìm tới thực hiện các thương vụ, trong khi số lượng doanh nghiệp Việt Nam thực hiện các thương vụ M&A lớn còn rất ít. Doanh nghiệp Việt Nam cũng chưa có nhiều thương vụ M&A đình đám tại nước ngoài mang tính dẫn dắt thị trường và làm hình ảnh cho cả quốc gia. Song, với những tín hiệu khả quan từ thị trường thời gian gần đây, giới đầu tư kỳ vọng, thị trường M&A Việt Nam trong năm 2019 sẽ diễn biến tích cực hơn.
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.