Tài chính quốc tế

Pháp tịch thu biệt thự 130 triệu USD của Nga, EU sắp giáng đòn trừng phạt mới

(VNF) - Chính quyền Pháp mới đây đã tịch thu một biệt thự sang trọng ở Cote d'Azur vì nghi ngờ nó thuộc sở hữu của tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga, tờ Le Monde dẫn lời các công tố viên Pháp cho hay.

Theo báo cáo, Villa Maria Irina (trước đây gọi là Villa del Mare) là một trong những dinh thự sang trọng nhất vùng Riviera của Pháp. Ước tính trị giá khoảng 120 triệu euro (130 triệu USD), biệt thự có hồ bơi, sân tennis và sân bay trực thăng.

Villa Maria Irina là một trong những dinh thự sang trọng nhất vùng Riviera của Pháp.

Khu đất rộng 3ha đã chính thức thuộc về Samvel Karapetyan, ông trùm người Nga gốc Armenia, vào năm 2010. Karapetyan là người đứng đầu tập đoàn Tashir, một công ty hàng đầu trong thị trường phát triển bất động sản thương mại ở Nga.

Tuy nhiên, các công tố viên Pháp cho rằng ông Karapetyan đã thay mặt tập đoàn năng lượng nhà nước Gazprom của Nga mua bất động sản này. Theo tài liệu được Le Monde phân tích, doanh nhân này đã mua cổ phần của Maritime Villa Holding SNC, chủ sở hữu khu bất động sản, từ Gazprom Neft, nhờ khoản vay 124 triệu USD do Gazprombank cấp. Tờ báo này cho biết, khoản vay được ngân hàng Nga cấp để đổi lấy biệt thự được cầm cố làm tài sản thế chấp.

“Có bằng chứng cho thấy các kế hoạch mua lại biệt thự liên tiếp được thực hiện dưới danh nghĩa của nhiều công ty khác nhau mà quyền sở hữu gián tiếp của họ sẽ khiến Gazprom trở thành người hưởng lợi thực sự”, văn phòng công tố Paris nêu rõ.

Theo Le Monde, đây là vụ thu giữ lớn nhất của chính quyền Pháp kể từ khi phương Tây bắt đầu áp dụng các biện pháp trừng phạt liên quan đến Ukraine đối với Moscow. Tài sản của những người Nga giàu có, bao gồm hàng chục siêu du thuyền, đã bị tịch thu trên khắp thế giới như một phần của lệnh trừng phạt của phương Tây.

EU sắp tung đòn giáng mới

Theo thông báo của Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo, Chủ tịch luân phiên Hội đồng Liên minh châu Âu (EU), trên mạng xã hội X ngày 22/1, EU đã đồng ý gói trừng phạt thứ 13 chống lại Nga.

Theo đó, gói này sẽ chính thức được phê duyệt vào ngày 24/2, đúng dịp hai năm ngày bắt đầu hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine.

Brussels đã áp đặt 12 đợt hạn chế đối với Nga kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột vào tháng 2/2022. Các biện pháp trừng phạt hiện tại đã nhắm mục tiêu một loạt các lĩnh vực và bao gồm các lệnh cấm vận thương mại, cấm đi lại và các biện pháp trừng phạt cá nhân đối với các doanh nhân và quan chức Nga.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen hoan nghênh thỏa thuận này, và khẳng định: “Chúng ta phải tiếp tục làm suy yếu cỗ máy chiến tranh của Tổng thống Nga Vladimir Putin”.

Gói mới sẽ cấm gần 200 thực thể và cá nhân đến EU, trong khi cả cá nhân và công ty đều phải đối mặt với việc đóng băng tài sản của họ. “Với tổng cộng 2.000 thực thể trong danh sách, chúng tôi luôn gây áp lực lớn lên Điện Kremlin. Chúng tôi cũng đang cắt giảm hơn nữa khả năng tiếp cận máy bay không người lái của Nga”, bà von der Leyen cho hay.

Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cũng ra tín hiệu trong tuần này rằng vòng trừng phạt mới với Nga sẽ ảnh hưởng đến việc cung cấp máy bay không người lái (UAV).

Theo các phương tiện truyền thông trích dẫn các nhà ngoại giao châu Âu, EU lần đầu tiên lên kế hoạch trừng phạt các công ty ở Trung Quốc đại lục và các quốc gia khác bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ và Serbia vì đã giúp Moscow lách các lệnh trừng phạt bằng cách bị cáo buộc cung cấp cho họ các linh kiện có thể tái sử dụng trong máy bay không người lái và các hệ thống vũ khí khác.

Trung Quốc đã phản ứng với các báo cáo rằng các công ty của họ có thể bị đưa vào danh sách đen, nói rằng họ bác bỏ “các biện pháp trừng phạt bất hợp pháp”, đồng thời cam kết bảo vệ lợi ích của các công ty Trung Quốc.

Moscow đã lên án các lệnh trừng phạt của phương Tây và nhiều lần cảnh báo rằng chúng gây tổn hại cho EU nhiều hơn Nga về mặt kinh tế.

Xem thêm >> Lo Mỹ trừng phạt, loạt ngân hàng nhà nước Trung Quốc ‘quay lưng’ với Nga

Tin mới lên