Phó thủ tướng Vũ Đức Đam gợi mở 3 vấn đề cần giải quyết của ngành công nghệ

Ngọc Lưu - 08/12/2022 16:05 (GMT+7)

(VNF) - Nhấn mạnh đến vai trò của ngành công nghệ thông tin, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng công nghệ thông tin là một trong những lực lượng đặc biệt quyết định đến sự thành bại của cuộc chiến chống nghèo đói.

VNF
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam. (Ảnh: Minh Sơn)

Phát biểu tại diễn ra diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam 2022 (VFTE 2022), tổ chức ngày 8/12, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết Việt Nam đã trải qua chặng đường dài kể từ những ngày công nghệ thông tin mới còn sơ khởi và có thể tự tin hơn để bước những bước tiếp theo.

Theo Phó thủ tướng, tại Đại đại hội XIII của Đảng cách đây vài ngày, Ban bí thư Trung ương Đảng đã tổ chức hội nghị trực tuyến, hơn 1 triệu đảng viên tham dự, Phó thủ tướng được phân công định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia đến 2045, trong đó nhấn mạnh việc đặt ra từ 2020 đến 2030 phải tăng trưởng GDP 7,5%/năm, 2031 trở đi cũng phải hơn 6% một năm.

"Để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình phải như vậy, nhưng không đơn giản, nên phải có những giải pháp đặc biệt và khát vọng mãnh liệt", Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Để làm được điều đó, Phó thủ tướng đưa ra 3 vấn đề mà ngành công nghệ cần giải quyết. Đầu tiên là phải thay đổi thể chế, bởi thực tế hiện tại sau bao nhiêu lần làm nghị định mà chúng ta vẫn chưa làm được dự án công nghệ thông tin nào.

Vấn đề thứ hai theo Phó thủ tướng là phải tập trung hơn vào nhân lực, câu chuyện trong làng công nghệ thông tin đã nói nhiều, nhưng nếu vẫn duy trì những quy định đào tạo như trước đây, chúng ta sẽ không thể đào tạo ra một triệu nhân lực công nghệ thông tin.

"Với mục tiêu 1 triệu nhân lực công nghệ thông tin, phải có những giải pháp đặc biệt và đột phá mới trong đào tạo, nếu không thì không thể thực hiện được. Chẳng hạn, đại học số là giải pháp quan trọng nhưng cần lưu ý, không thể duy trì các quy định đào tạo như trước đây", Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Vấn đề thứ ba theo Phó thủ tướng là phải tìm ra cái mới, còn dư địa tăng trưởng. "Hiện mọi người kỳ vọng vào chuyển đổi số, công nghệ thông tin, vì nếu cứ phát triển công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ mà không đi vào những mũi nhọn mới của thế giới trong đó có công nghệ thông tin thì làm sao chúng ta có thể đạt 7% một năm", Phó thủ tướng nói.

Phó thủ tướng cũng cho rằng doanh nghiệp Việt cần thiết lập đội quân có người dẫn dắt, đoàn kết thành sức mạnh của một nước đông, mạnh dạn hơn, bước ra nước ngoài với tinh thần tự tin.

"Thị trường trong nước vẫn còn mênh mông, thị trường nước ngoài càng vô tận. Chúng ta cần làm cùng nhau, đặt ra bài toán thật cụ thể, làm đến cùng, làm xong thì đừng để người dùng bận tâm và nghi ngờ. Các hiệp hội cần phát triển, thể hiện đúng vai trò. Ngành công nghệ thông tin phải được giao sứ mệnh mở đường trong thời đại mới", lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh.

Phó thủ tướng cũng lưu ý cần xác định là dư địa thị trường trong nước vẫn còn rất lớn. Với thị trường trong nước cần phải đặt ra các bài toán thật cụ thể và làm đến cùng, hoàn thiện sản phẩm để người dùng không phải bận tâm và nghi ngờ.

Đáp lại những mong mỏi của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long cho biết Bộ Thông tin và Truyền thông cam kết xây dựng chương trình hoạt động cụ thể để phát triển các cộng đồng doanh nghiệp số.

Để làm được điều này, Thứ trưởng Phạm Đức Long cho rằng cần thực hiện 5 nhiệm vụ. Đầu tiên, các doanh nghiệp cần có khát vọng lớn, tiên phong nhận nhiệm này để đưa Việt Nam trở thành nước phát triển vào năm 2045. Vấn đề thay đổi thể chế sẽ được Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét thay đổi để phù hợp, giúp các doanh nghiệp số phát triển.

Vấn đề thứ hai, lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định sẽ đồng hành cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo để phát triển nguồn nhân lực, trở thành lòng cốt cho quá trình chuyển đổi số quốc gia.

Vấn đề thứ ba, Bộ Thông tin và Truyền thông cam kết đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, đúng như ghi nhận của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam rằng, lực lượng công nghệ số là lực lượng quan trọng để đạt mục tiêu để phát triển.

Vấn đề thứ tư là cần tiếp tục khai phá thị trường trong nước, đổi mới cách làm, lấy thị trường trong nước làm bàn đạp ra nước ngoài. Vấn đề cuối cùng là mạnh dạn ra nước ngoài, hình thành động ngũ đông đảo, có doanh nghiệp lớn dẫn dắt.

Cùng chuyên mục
Tin khác