Tài chính

PVS: ‘Bước ra biển lớn’ nhờ mảng M&C, lãi ròng về mốc nghìn tỷ trong năm 2024

(VNF) - Theo MBS, mảng M&C sẽ là động lực tăng trưởng trong trung hạn của PVS. Cơ sở vật chất hỗ trợ tốt và năng lực sẵn có từ mảng M&C công trình dầu khí sẽ sớm giúp PVS có nhiều cơ hội trúng thầu các dự án EPC điện gió ngoài khơi, đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động và tăng biên lợi nhuận gộp mảng này.

PVS: ‘Bước ra biển lớn’ nhờ mảng M&C, lãi ròng về mốc nghìn tỷ trong năm 2024

PVS: ‘Bước ra biển lớn’ nhờ mảng M&C, lãi ròng về mốc nghìn tỷ trong năm 2024

Khép lại năm 2023, Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (HNX: PVS) ghi nhận tổng doanh thu đạt 19.349 tỷ đồng, tăng 18,2% so với mức thực hiện năm 2022. Lợi nhuận ròng đạt 866 tỷ đồng, giảm nhẹ 2%.

Theo Công ty Chứng khoán MB (MBS), đây là kết quả chưa thực sự khả quan so với kỳ vọng của thị trường vào PVS, chủ yếu do dự án Lô B chưa nhận quyết định đầu tư cuối cùng (FID) trong năm 2023.

MBS cho rằng triển vọng cho giai đoạn 2024-2025 của PVS sẽ đến từ vị thế vững chắc trong mảng M&C (xây lắp cơ khí, công trình biển) các công trình dầu khí và điện gió ngoài khơi. Theo đó, PVS hiện là chủ lực mảng M&C các dự án dầu khí trọng điểm nước. Năm 2024, MBS kỳ vọng một số dự án dầu khí lớn trong nước như Lạc Đà Vàng, Sư Tử Trắng giai đoạn 2b, Nam Du – U Minh và đặc biệt là Lô B – Ô Môn sẽ được triển khai vào nửa cuối năm, mang lại cơ hội rất lớn cho PVS.

Cùng với đó, MBS cho rằng PVS cũng đang “bước ra biển lớn” với hoạt động M&C chân đế và trạm biến áp cho các công trình điện gió ngoài khơi trên thị trường quốc tế (Hai Long, Greater Changhua 2b&4, Baltica 2 và Fengmiao). Cơ sở vật chất hỗ trợ tốt và năng lực sẵn có từ mảng M&C công trình dầu khí sẽ sớm giúp PVS có nhiều cơ hội trúng thầu các dự án EPC điện gió ngoài khơi khác, đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động và tăng biên lợi nhuận gộp mảng này.

Theo MBS, điện gió ngoài khơi sẽ tiếp tục là động lực để PVS phát triển trong dài hạn, nhất là trong bối cảnh thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang nỗ lực chuyển dịch sang năng lượng tái tạo nhằm đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050. MBS dự phóng doanh thu mảng M&C sẽ tăng trưởng lần lượt 61% và 27% trong giai đoạn 2024-2025, đóng góp khoảng 70% vào tổng doanh thu trong 2 năm này.

Tuy nhiên, MBS cũng lưu ý rằng biên lợi nhuận từ mảng M&C giai đoạn đầu của các dự án điện gió ngoài khơi khá không ổn định. Công ty chứng khoán này kỳ vọng biên lợi nhuận gộp của PVS sẽ tăng nhẹ từ năm 2024 khi doanh nghiệp đã có kinh nghiệm để hoạt động hiệu quả hơn.

Bên cạnh mảng M&C, MBS cho rằng mảng căn cứ cảng và FSO/FPSO cũng sẽ góp phần tạo động lực tăng trưởng cho PVS giai đoạn 2024-2025. Các hợp đồng cung cấp dịch vụ kho nổi FSO/FPSO được ký với thời gian dài và giá thuê ổn định nếu không có biến động lớn về giá dầu, do đó MBS kỳ vọng doanh thu và lợi nhuận gộp mảng này duy trì ổn định trong dài hạn. Đồng thời, việc liên doanh, liên kết với các đối tác trong mảng này cũng sẽ giúp PVS ghi nhận lợi nhuận từ công ty liên doanh, liên kết tốt và đóng góp tỷ trọng lớn vào lợi nhuận của doanh nghiệp.

Mảng căn cứ cảng của PVS có biên lợi nhuận ở mức tương đối cao nhờ lợi thế về mức phí cầu cảng. PVS hiện đang vận hành 8 căn cứ cảng dịch vụ dầu khí trên khắp cả nước với chiều dài cầu bến khoảng 2.700m và khả năng tiếp cận tàu khá đa dạng. Các cảng này góp phần hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất phục vụ công tác xây lắp mảng M&C của PVS.

MBS kỳ vọng mảng căn cứ cảng dịch vụ sẽ tiếp tục là bộ đệm lợi nhuận cho PVS trong thời gian tới, dự phóng doanh thu ghi nhận trong giai đoạn 2024-2025 sẽ tăng trưởng lần lượt 6,5% và 5,3%.

Tựu chung, MBS dự phóng doanh thu thuần của PVS trong năm 2024 đạt 26.301 tỷ đồng, tăng gần 36% so với mức thực hiện năm 2023. Lợi nhuận ròng dự phóng đạt 1.142 tỷ đồng, tương đương tăng trưởng ở mức 31,9%.

Công ty Chứng khoán Vietcap cũng có cái nhìn khả quan về tình hình của PVS. Theo đó, Vietcap cho rằng PVS có lợi thế cạnh tranh mạnh mẽ với tư cách là “nhà thầu dầu khí ngoài khơi nổi tiếng ở châu Á” với danh mục dịch vụ toàn diện. PVS có thể tận dụng xu hướng điện gió ngoài khơi toàn cầu, đặc biệt là ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nơi có tiềm năng tăng trưởng cao nhất.

Theo McKinsey, công suất điện gió ngoài khơi toàn cầu sẽ tăng 16 lần từ 40GW năm 2020 lên 630GW vào năm 2050. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ chiếm 65% công suất này, với mức tăng 37 lần từ 11GW năm 2020 lên 410GW vào năm 2050. Ngoài ra, Quy hoạch điện VIII (QHĐ VIII) đã được phê duyệt kế hoạch công suất điện gió ngoài khơi của Việt Nam tăng lên 6.000MW vào năm 2030, ước tính khoảng 12 tỷ USD (so với mức 0 hiện nay).

Vietcap cho rằng chu kỳ hồi phục của PVS được hỗ trợ bởi backlog M&C cao dự kiến 5,9 tỷ USD cho giai đoạn 2024-2028, bao gồm các dự án khí trung bình như Gallaf (80 triệu USD), Sư Tử Trắng – giai đoạn 2 (250 triệu USD), các dự án khí khổng lồ bao gồm Lô B (1,5 tỷ USD), Cá Voi Xanh 830 triệu USD), kho cảng LNG: Thị Vải – giai đoạn 2 & 3 và Sơn Mỹ (mỗi dự án 300 triệu USD), và các dự án điện gió ngoài khơi trong nước và khu vực (mỗi dự án 1 tỷ USD).

Vietcap dự báo doanh thu thuần năm 2024 của PVS sẽ tăng 45% so với mức thực hiện năm 2023, đạt 28.084 tỷ đồng nhờ sự phục hồi của hoạt động thăm dò và sản xuất (E&P) trong nước, đóng góp từ các dự án điện gió mới ngoài khơi. Lợi nhuận ròng dự phóng tăng 27%, đạt 1.098 tỷ đồng.

Tin mới lên