Thị trường

'Quảng Nam cần phát triển du lịch gắn với trách nhiệm xã hội lớn hơn'

(VNF) - Ngày 26/3, tại Quảng Nam, Tạp chí Nhà Đầu tư phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức hội thảo "Quảng Nam phát triển Du lịch Xanh – Gìn giữ giá trị bản địa" và "Lễ công bố Bộ tiêu chí du lịch xanh Quảng Nam".

'Quảng Nam cần phát triển du lịch gắn với trách nhiệm xã hội lớn hơn'

TS. Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch.

Phát biểu tại hội thảo, TS. Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho rằng, việc phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh là phương thức dựa trên cơ sở tôn trọng, bảo tồn, phát huy hiệu quả các giá trị tài nguyên.

Cùng với đó, thực hiện các hoạt động quản lý, kinh doanh và tiêu dùng du lịch xanh; tiêu thụ ít năng lượng, phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo; đồng thời, tạo việc làm, cải thiện sinh kế và mang lại hạnh phúc cho người dân, góp phần xây dựng nền kinh tế xanh và thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.

“Trong hơn thập kỷ gần đây, trên thế giới đã có nhiều bài học điển hình về phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh như sự thành công của Quốc đảo Maldives hay bài học từ thất bại của đảo Boracay - Philippines”, TS. Nguyễn Anh Tuấn đưa ra ví dụ.

Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, thời gian qua, nhiều địa phương của Việt Nam cũng đã thành công trong lộ trình phát triển du lịch xanh. Cũng từ đó, địa phương này đã đề ra chủ trương và định hướng là "phát triển đề bảo tồn, bảo tồn để phát triển". 

Việc phát triển du lịch luôn gắn với bảo vệ các giá trị di sản, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ tài nguyên và môi trường sinh thái đã giúp cho địa phương này đạt được thành công trong cả phát triển du lịch lẫn bảo tồn.

Đánh giá về mức độ phát triển du lịch, TS. Nguyễn Anh Tuấn đánh giá, mặc dù là điểm nóng thu hút khách du lịch, nhìn chung, Quảng Nam không bị phá vỡ cảnh quan, môi trường sinh thái và không bị vượt quá sức chứa du lịch. 

Bên cạnh đó, ông Tuấn còn lấy Đà Nẵng làm điển hình, bởi địa phương này cũng đã tiếp cận phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh từ góc độ tổng thể.

Cụ thể, Đà Nẵng đã tích cực triển khai nghiên cứu, ứng dụng công nghệ hiện đại, công nghệ thông minh cho giao thông và đô thị, áp dụng công nghệ xử lý chất thải nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường; phủ xanh thành phố bằng việc tăng cường phát triển cây xanh, hạn chế bê tông hóa; phát triển các tòa nhà …

Ngoài ra, nhiều địa phương khác cũng đang tích cực triển khai thúc đẩy phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh như Lâm Đồng, Quảng Ninh, Ninh Thuận, Lào Cai, Lai Châu, Sơn La, Ninh Bình, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Đồng Tháp,...

Tuy nhiên, quá trình phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh ở Việt Nam thời gian qua đã xuất hiện nhiều vấn đề bất cập. Việc khai thác, sử dụng tài nguyên du lịch ở một số địa phương còn diễn ra tự phát, thiếu hợp lý, gây ảnh hưởng tiêu cực đến tài nguyên và môi trường, thậm chí, nhiều nơi tài nguyên bị xâm hại nghiêm trọng. 

Cùng với đó, sự gia tăng nhanh chóng lượng khách du lịch vượt quá sức chứa của điểm đến, gây ra tình trạng vỡ trận ở nhiều khu du lịch trọng điểm. Các cơ sở kinh doanh du lịch vẫn lệ thuộc và chủ yếu sử dụng năng lượng, nhiên liệu hóa thạch, chưa có biện pháp tích cực để sử dụng các nguồn năng lượng thay thế, nhiên liệu sạch, vật liệu mới. 

Vì thế, TS. Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, ngành du lịch cần tiếp tục lựa chọn và thúc đẩy phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh để hướng tới thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.

“Tôi cho rằng, chúng ta cần phải tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp bảo đảm yêu cầu cả về kinh tế, xã hội, môi trường. Việt Nam cần đặc biệt chú trọng tới các giải pháp hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, quy định quản lý về phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh. Ban hành các văn bản pháp quy cụ thể và hướng dẫn triển khai thực hiện phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh ở cả cấp trung ương và địa phương”, TS. Nguyễn Anh Tuấn đề xuất.

Ngoài ra, địa phương cần xây dựng và ban hành các mô hình, quy chuẩn, tiêu chuẩn, tiêu chí về phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh áp dụng trên phạm vi cấp ngành, vùng, địa phương và cho từng khu, điểm du lịch cụ thể.

Bên cạnh đó, địa phương cũng cần có những cơ chế, chính sách thích hợp giải quyết các vấn đề xã hội và môi trường bền vững trong quá trình phát triển du lịch; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường năng lực cảnh báo sớm và có phương án khắc phục hậu quả nhằm giảm thiểu thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra.

Công tác quy hoạch và quản lý thực hiện quy hoạch phải được thực hiện nghiêm túc, đảm bảo không phá vỡ quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch tùy tiện, vì lợi ích trước mắt mà phá hủy tài nguyên, cảnh quan, môi trường. 

Ngoài ra, địa phương thực hiện nghiêm đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư tại các khu, điểm du lịch và nơi có tài nguyên du lịch trước khi cấp phép hoạt động. Không chỉ vậy, các bộ, ban, ngành, địa phương cần khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh du lịch có trách nhiệm, đầu tư bền vững, đầu tư xanh, tạo ra các sản phẩm, dịch vụ du lịch xanh để thúc đẩy xu hướng tiêu dùng du lịch xanh.

Tin mới lên