Tài chính quốc tế

Rót hàng chục tỷ USD vào lĩnh vực 'tăng trưởng nóng', Trung Quốc xích lại gần ASEAN

(VNF) - Với lợi thế về nguồn năng lượng tái tạo dồi dào cùng với xu hướng công nghệ xanh bùng nổ đã khiến Đông Nam Á lọt vào “mắt xanh” của các nhà đầu tư Trung Quốc.

Kinh tế xanh, công nghệ xanh đang là mục tiêu quan trọng của nhiều quốc gia Đông Nam Á trong những năm qua. Bốn quốc gia Đông Nam Á gồm Indonesia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam đã cam kết thực hiện các mục tiêu giảm phát thải vào năm 2030 trong khi có 8/10 quốc gia trong khu vực đặt mục tiêu trung hòa carbon. Ngoài ra, trong số đó, có tới 7 quốc gia đang xem xét hoặc đã thực hiện các cơ chế định giá carbon.

Theo báo cáo “Nền kinh tế xanh năm 2023 tại Đông Nam Á” mới được công bố bởi Bain & Company, GenZero và Amazon Web Service (AWS), nền kinh tế xanh ở Đông Nam Á có thể tạo ra 5 – 6 triệu việc làm xanh vào năm 2030. Chưa kể, nền kinh tế xanh của khu vực dự kiến mang lại cơ hội kinh tế lên tới 1.000 tỷ USD/năm.

Các ngành công nghiệp xanh đang kéo Trung Quốc và ASEAN lại gần nhau.

Tuy nhiên, việc đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ xanh trong khu vực phần lớn lại đến từ dòng vốn đầu tư nước ngoài. Trong đó, sự góp mặt ngày càng nhiều của Trung Quốc tại các lĩnh vực công nghệ xanh ở Đông Nam Á đang kéo các quốc gia trong khu vực và Trung Quốc lại gần nhau hơn bao giờ hết, Nikkei Asia nhận định.

Các công ty Trung Quốc đang ngày càng hoạt động trong những ngành công nghiệp carbon thấp mới nổi ở Đông Nam Á, từ khai thác đất hiếm ở Myanmar, chế biến pin ô tô điện ở Indonesia đến sản xuất tấm pin mặt trời ở Malaysia hay sản xuất xe điện ở Thái Lan.

Gã khổng lồ xe điện BYD, nhà sản xuất tấm pin Contemporary Amperex Technology (CATL), nhà sản xuất tấm pin mặt trời JinkoSolar và nhà sản xuất tuabin gió Goldwind đã và đang mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình tại Đông Nam Á.

Thị trường xe điện đang là một trong những mối quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp Trung Quốc khi đầu tư vào Đông Nam Á. BYD, một trong những nhà đầu tư Trung Quốc lớn nhất ở Đông Nam Á, đang xây dựng một nhà máy sản xuất ở tỉnh Rayong, Thái Lan và đang lên kế hoạch sản xuất xe điện tại Việt Nam.

Nhiều công ty Trung Quốc đầu tư vào khai thác đất hiếm, chế tạo pin ở Đông Nam Á.

Đồng thời, BYD còn công bố khoản đầu tư 106 triệu USD để mở rộng các showroom của hãng ở Malaysia cũng như đang thỏa thuận với Indonesia về khoản đầu tư tiềm năng trong thời gian tới.

Không riêng BYD, các nhà sản xuất xe điện khác của Trung Quốc như Changan Automobile, Great Wall Motor, Geely, Chery… cũng đã đổ hàng chục tỷ USD để phát triển xe điện tại thị trường Thái Lan, Malaysia.

Cụ thể, hãng Geely đã công bố kế hoạch đầu tư 10 tỷ USD vào Thung lũng công nghệ cao ô tô của Malaysia trong khi Changan Automobile dự kiến đầu tư 279 triệu USD vào một nhà máy xe điện ở Thái Lan.

Các công ty sản xuất pin Trung Quốc cũng đang đặt cược vào thị trường Đông Nam Á với hàng loạt dự án tầm cỡ. Ông lớn CATL của Trung Quốc từng công bố kế hoạch đầu tư trị giá 5,97 tỷ USD nhằm phát triển chuỗi cung ứng toàn diện cho pin lithium-ion ở Indonesia, từ khai thác đến chế tạo và tái chế pin.

Các nhà sản xuất pin khác như CNGR Advanced Material, Zhejiang Huayou Cobalt và Ningbo Lygend Mining lại xây dựng nhà máy luyện kim ở miền đông Indonesia với mục đích chế biến quặng nickel thành nguyên liệu sản xuất ra pin xe điện.

Năng lượng mặt trời cũng là lĩnh vực được quan tâm tại Đông Nam Á.

Malaysia cũng thu hút nhiều công ty pin của Trung Quốc nhờ trữ lượng đất hiếm dồi dào. Vào cuối năm 2022, EVE Energy đã đầu tư 422,3 triệu USD vào cơ sở sản xuất pin hình trụ ở bang Kedal và dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2025. Senior Technology Material cũng tiết lộ kế hoạch đầu tư 685,9 triệu USD để xây dựng nhà máy tách pin lithium-ion ở Penang, Malaysia.

Bên cạnh xe điện và pin lithium-ion, lĩnh vực sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời tại Đông Nam Á cũng đã nhận được hàng chục tỷ USD từ các nhà đầu tư Trung Quốc. JinkoSolar và Trina Solar, các nhà sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời của Trung Quốc, đã đầu tư và hợp tác với các công ty Malaysia để xây dựng trang trại năng lượng mặt trời ở bán đảo Malaysia.

Vào tháng 1/2023, các công ty năng lượng Trung Quốc cam kết chi 13,35 tỷ USD để phát triển ngành năng lượng tái tạo của Philippines. Hai quốc gia Đông Nam Á khác là Thái Lan và Việt Nam cũng được các công ty sản xuất tuabin gió tại Trung Quốc để mắt tới.

Tin mới lên