Ngân hàng

Rửa tiền qua tài sản ảo tinh vi, chuyển khoản trên 10 triệu phải xác thực vân tay

(VNF) - Xuất hiện rửa tiền qua tài sản ảo tinh vi và phức tạp tại Việt Nam. Để chống lừa đảo, chuyển khoản trên 10 triệu đồng sẽ phải xác thực sinh trắc học. Đó là những thông tin ngân hàng đáng chú ý tuần qua.

Rửa tiền qua tài sản ảo tinh vi, chuyển khoản trên 10 triệu phải xác thực vân tay

Xuất hiện rửa tiền qua tài sản ảo tinh vi và phức tạp tại Việt Nam

Đây là cảnh báo được các chuyên gia ngân hàng và công nghệ trước thực tế Việt Nam phải đối diện với nhiều hình thức, phương thức, thủ đoạn của tội phạm để thực hiện hành vi rửa tiền ngày càng tinh vi và phức tạp, nhất là đối với lĩnh vực tiền kỹ thuật số, tiền ảo.

Trao đổi tại hội nghị “Quy định về phòng, chống rửa tiền và vai trò của phòng, chống rửa tiền trong giao dịch tiền mã hóa” ngày 20/9, ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng - chia sẻ, trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, cùng với sự bùng nổ công nghệ thông tin, Việt Nam phải đối diện với nhiều hình thức, phương thức, thủ đoạn của tội phạm thực hiện hành vi rửa tiền ngày càng tinh vi và phức tạp, nhất là đối với lĩnh vực tiền kỹ thuật số, tiền ảo (tiền mã hoá) nơi mà hành lang pháp lý chưa hoàn thiện đầy đủ.

"Những năm gần đây, tiền mã hoá được sử dụng để thanh toán song không loại trừ có cả hành vi rửa tiền thông qua giao dịch loại tiền này?", ông Hùng đặt vấn đề.

>> Xem thêm: Xuất hiện rửa tiền qua tài sản ảo tinh vi và phức tạp tại Việt Nam

Chuyển khoản trên 10 triệu sẽ phải xác thực sinh trắc học

Đây là thông tin mới được Phó vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Anh Dũng chia sẻ.

Ông Dũng thông tin, 90% các khoản chuyển tiền liên ngân hàng là dưới 10 triệu, chỉ 10% là chuyển trên 10 triệu đồng. Do vậy, tới đây, sẽ có quy định hạn mức buộc phải xác thực sinh trắc học (bằng vân tay, khuôn mặt) khi chuyển tiền liên ngân hàng, có thể là mức 10 triệu đồng. Qua đó, cũng sẽ vô hiệu hóa luôn nạn mua bán, cho thuê tài khoản ngân hàng đã tồn tại suốt thời gian qua.

Theo thống kê của Vụ Thanh toán, trong tổng số lượng giao dịch trong 6 tháng đầu năm 2023, các giá trị giao dịch từ 10 triệu đồng trở lên chỉ chiếm khoảng 10%, còn từ 20 triệu đồng trở lên chỉ trên dưới 5%. Như vậy, mức độ ảnh hưởng đến trải nghiệm của người dùng là rất ít. Chưa kể khi thực hiện giao dịch chuyển tiền thì chỉ cần đưa khuôn mặt vào và xác thực với khuôn mặt đã được dùng để mở tài khoản; với trình ứng dụng công nghệ hiện nay của các tổ chức tín dụng thì việc này chỉ thực hiện trong khoảng thời gian 3-5 giây.

>> Xem thêm: Chống lừa đảo, chuyển khoản trên 10 triệu sẽ phải xác thực sinh trắc học

Người Việt sử dụng 140 triệu thẻ ngân hàng, tiền mặt ngày càng vắng bóng

Theo thống kê của Vụ Thanh toán, NHNN, tính đến cuối tháng 7/2023, Việt Nam có hơn 103 triệu thẻ nội địa và 36,7 triệu thẻ quốc tế đang được lưu hành.

Cùng với số lượng thẻ ngân hàng tăng, thanh toán không dùng tiền mặt cũng trở nên phổ biến hơn. Chỉ trong 2, 3 năm qua, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt của thị trường Việt đã có những bước tiến rõ rệt, ông Nguyễn Quang Hưng, Chủ tịch HĐQT Napas cho hay. 

Trong khi đó, giao dịch rút tiền mặt qua ATM Quý II.2023 có xu hướng giảm 13,5% về số lượng và 17,8% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ 2022. Qua số liệu cho thấy xu hướng thanh toán điện tử vẫn đang phát triển mạnh mẽ và có sự chuyển dịch thay thế cho tiền mặt trong cuộc sống hàng ngày.

>> Xem thêm: Người Việt sử dụng 140 triệu thẻ ngân hàng, tiền mặt ngày càng vắng bóng

Lãi suất huy động đồng loạt giảm về đáy lịch sử

Toàn bộ nhóm Big4 (VietinBank, Vietcombank, BIDV và Agribank) đều hạ lãi suất huy động cao nhất xuống còn 5,5%/năm - ngang mức thấp lịch sử ghi nhận trong giai đoạn Covid-19. Lãi suất huy động các kỳ hạn của nhiều ngân hàng đã về dưới 6%/năm.

Lãi suất huy động của các ngân hàng đã giảm mạnh thời gian qua do tình trạng dư thừa thanh khoản.

Giới chuyên gia nhận định, việc lãi suất huy động đi xuống sẽ tạo điều kiện giúp cho lãi suất đi vay hạ dần, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng thời gian tới.

>> Xem thêm: Lãi suất huy động đồng loạt giảm về đáy lịch sử

Lãi suất tiền gửi hạ sâu, lãi vay vẫn neo cao

Hiện lãi suất huy động đã giảm xuống ngang giai đoạn thấp kỷ lục vì Covid-19. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 12 tháng trở lên được nhiều nhà băng niêm yết chỉ ở mức 5,5%/năm.

Dù lãi suất huy động đã giảm mạnh nhưng lãi suất cho vay chưa giảm tương ứng. Hiện lãi suất huy động cao nhất tại nhiều ngân hàng đã giảm xuống dưới 6%/năm nhưng lãi suất cho vay vẫn neo ở mức 11-13%, tức gấp đôi lãi suất huy động.

Một số ngân hàng áp dụng nhiều chiêu hấp dẫn để thu hút khách hàng. Các ngân hàng thường đưa ra lãi suất cực mềm trong thời gian ưu đãi, chỉ từ 6-8%/năm. Nhưng sau 3-6 tháng, lãi suất sẽ được thả nổi bằng lãi suất cơ sở cộng với biên độ 3,5%/năm.

>> Xem thêm: Lãi suất tiền gửi hạ sâu, lãi vay vốn vẫn neo cao

'Ngân hàng nên cắt bớt lợi nhuận, giảm lãi suất thêm 1-2% cho doanh nghiệp'

Tính đến ngày 15/9/2023, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 5,56%, đạt gần 12,6 triệu tỷ đồng. Đây là mức thấp so với  tăng trưởng tín dụng năm 2022 đạt tốc độ 14,5%.

Theo ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm chủ lực (HAMI), một trong những nguyên nhân khiến các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, khó tiếp cận với tín dụng ngân hàng là thủ tục rườm rà và thời gian xem xét phê duyệt khoản vay khá dài.

Cụ thể, với khoản vay vốn ngắn hạn, thời gian xem xét phê duyệt sẽ rơi vào khoảng từ 1-3 tháng trong khi các khoản vay trung dài hạn được duyệt trong vòng 3 tháng, thậm chí là 6 tháng hoặc dài hơn.

Ông Sơn cũng đề nghị các ngân hàng cần giảm lãi suất trực tiếp 1-2% từ nguồn lợi nhuận của ngân hàng, áp dụng với tất cả khoản vay cũ và mới phát sinh.

>> Xem thêm: 'Ngân hàng nên cắt bớt lợi nhuận, giảm lãi suất thêm 1 – 2% cho doanh nghiệp'

Lãi suất xuống thấp, tỷ giá có thể sẽ bùng lên: 'Không thể nói giảm là giảm ngay'

Tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội năm Việt Nam 2023 sáng 19/9, Phó Thống đốc  Đào Minh Tú cho hay, tới thời điểm hiện tại dư địa chính sách tiền tệ cho đến nay còn rất ít. Tới nay, NHNN đã 4 lần giảm lãi suất điều hành, đồng thời thông qua những công cụ của mình để tạo dư địa, thanh khoản cho thị trường, để các ngân hàng có vốn rẻ cho vay ra thị trường, nới rất rộng công cụ hạn mức tín dụng trong năm 2023.

Do dư địa không còn nhiều, chính sách lãi suất trong thời gian tới không thể nói là sẽ tiếp tục giảm, bởi lẽ lãi suất có quan hệ biện chứng với tỷ giá. Nếu lãi suất giảm thấp, tỷ giá có khả năng sẽ bùng lên. Bởi vậy, cần phải tìm được điểm cân bằng giữa lãi suất và tỷ giá”.

>> Xem thêm: Lãi suất xuống thấp, tỷ giá có thể sẽ bùng lên: 'Không thể nói giảm là giảm ngay'

'Muốn giảm tiếp lãi suất, NHNN cần các công cụ mạnh mẽ hơn'

TS. Trương Văn Phước, nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, cảnh báo: Áp lực tỷ giá tuy đã giảm trong nửa đầu năm 2023 nhưng luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát khi chênh lệch lãi suất trong và ngoài nước thay đổi. Muốn giảm tiếp lãi suất, cơ quan quản lý nhà nước cần sử dụng các công cụ mạnh mẽ hơn như dự trữ bắt buộc và tái cấp vốn để cung ứng một lượng vốn với lãi suất thấp và có tính ổn định hơn vào hệ thống ngân hàng thương mại.

Ông Phước chỉ rõ 3 trường hợp cụ thể cho các tình huống phối hợp giữa chính sách tiền tệ và ổn định tài chính. Trong trường hợp mức độ rủi ro của hệ thống tài chính ở mức thấp, NHNN có thể chủ động và tập trung vào thắt chặt chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát. Trong trường hợp mức độ rủi ro của hệ thống tài chính ở mức độ trung bình, NHNN sẽ cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước về ổn định tài chính nói riêng và cơ quan quản lý nhà nước đối với các thị trường có tính đầu cơ cao. Trường hợp mức độ rủi ro của hệ thống tài chính ở mức độ cao thì NHNN nên phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước để tập trung vào các giải pháp xử lý khủng hoảng, tạo sự ổn định cho hệ thống tài chính rồi mới sử dụng các công cụ để kiểm soát lạm phát.

>> Xem thêm: 'Muốn giảm tiếp lãi suất, Ngân hàng nhà nước cần các công cụ mạnh mẽ hơn'

Ngân hàng Nhà nước liên tục hút về lượng lớn tiền VND qua tín phiếu

Theo kết quả chào bán tín phiếu được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố, phiên ngày 22/9, cơ quan này tiếp tục chào bán tín phiếu 28 ngày theo cơ chế đấu thầu lãi suất. Có 5 thành viên trúng thầu với tổng khối lượng là 10.000 tỷ đồng, lãi suất 0,5%.

Trong phiên 21/9, NHNN cũng đã chào thầu thành công gần 10.000 tỷ đồng tín phiếu cho 2 thành viên thị trường với kỳ hạn 28 ngày, lãi suất 0,69%; qua đó rút khỏi hệ thống ngân hàng lượng tiền tương ứng.

Như vậy, trong 2 ngày giao dịch vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã hút ròng gần 20.000 tỷ ra khỏi hệ thống ngân hàng thông qua kênh tín phiếu.

Việc NHNH quay trở lại hút tiền khỏi hệ thống được đánh giá là hợp lý, nhằm giảm bớt sự dư thừa thanh khoản và hạ nhiệt vấn đề tỷ giá.

>> Xem thêm: NHNN tiếp tục hút 10.000 tỷ đồng qua kênh tín phiếu

Sếp Agribank được chỉ định làm Chủ tịch SCB

Hôm 22/9, NHNN công bố Quyết định của Thống đốc NHNN về nhân sự tham gia Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).

Theo yêu cầu công tác, NHNN quyết định thôi chỉ định nhân sự tham gia HĐQT SCB đối với ông Vũ Anh Đức và được điều động trở lại để đảm nhiệm vị trí quan trọng tại VietinBank.

NHNN cũng quyết định trưng tập, chỉ định ông Phan Đình Điền thôi đảm nhiệm chức danh Thành viên Hội đồng thành viên Agribank sang nhận nhiệm vụ Chủ tịch HĐQT SCB thay ông Vũ Anh Đức kể từ ngày 22/9/2023.

>> Xem thêm: Sếp Agribank được Ngân hàng Nhà nước chỉ định làm Chủ tịch SCB

Phát triển thẻ tín dụng nội địa ở Việt Nam

Thị trường thẻ tín dụng ở Việt Nam đang tăng trưởng mạnh mẽ. Việt Nam hiện có 39 triệu thẻ tín dụng đang hoạt động.

Theo Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) Phạm Anh Tuấn: "Trong 39 triệu thẻ đang hoạt động, chúng ta có trên 800.000 thẻ nội địa, chiếm 8,7% trong tổng số lượng thẻ. Điều này cho thấy thị trường thẻ tín dụng nội địa của nước ta vẫn còn dư địa để phát triển”.
Dù có nhiều tiềm năng phát triển song việc triển khai thẻ tín dụng nội địa tại nước ta vẫn còn gặp phải nhiều khó khăn. Sử dụng thẻ tín dụng nội địa thông thường phải chịu mức lãi suất cao hơn so với thẻ tín dụng quốc tế khiến tâm lý người dân còn e ngại. Chưa kể, những công nghệ mới, ứng dụng mới cũng có nhiều rủi ro tiềm ẩn và chưa thực sự phổ biến ở thị trường nông thôn.

>> Xem thêm: Khai phá thị trường trăm tỷ USD: Thành công của Ấn Độ và cảm hứng cho Việt Nam

Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ phương án cho Ngân hàng SCB

Nội dung trên được đề cập trong báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện một số nghị quyết giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ.
Chính phủ cho biết, NHNN đã trình cơ quan này xem xét, quyết định chủ trương cơ cấu lại SCB - nhà băng được đặt vào diện kiểm soát đặc biệt từ tháng 10/2022.

Phương án cơ cấu lại SCB được đưa ra trên cơ sở báo cáo đánh giá tổng thể thực trạng, đề xuất của chính ngân hàng và Ban kiểm soát đặc biệt SCB. Như vậy, sau gần một năm được đưa vào diện kiểm soát đặc biệt, phương án tái cơ cấu SCB đã được cơ quan quản lý "chốt".

>> Xem thêm: Cơ cấu lại SCB, phương án xử lý ngân hàng kiểm soát đặc biệt lên bàn lãnh đạo Chính phủ
 

Tin mới lên