Rút khỏi Đông Nam Á, Uber thâu tóm startup xe đạp Mỹ
Vi Vũ -
11/04/2018 17:40 (GMT+7)
Bán lại mảng kinh doanh thị trường gọi xe Đông Nam Á cho Grab, Uber lập tức mua lại ứng dụng chia sẻ xe đạp Jump với 200 triệu USD.
CEO Jump - Rzepecki cho biết trong cuộc trao đổi với TechCrunch, quyết định của ông chịu nhiều ảnh hưởng từ CEO Uber: "Tôi gặp mặt và nói chuyện với Khosrowshahi một vài buổi tối về kế hoạch kinh doanh, tầm nhìn cho tương lai và thấy nhiều triển vọng tươi sáng trong quá trình hợp tác".
Số tiền mà Uber phải bỏ ra không được công bố chính thức. Một nguồn tin thân cận cho biết dựa vào doanh số của Jump, thương vụ có giá khoảng 200 triệu USD.
Rzepecki nhấn mạnh dù chứng kiến những khó khăn của Uber trong năm 2017, ông vẫn tin ứng dụng gọi xe nổi tiếng này đang đi đúng đường. CEO Uber cho biết việc sở hữu nền tảng hàng đầu về di chuyển trong đô thị là một phần kế hoạch phát triển của hãng - thêm lựa chọn phương tiện trong thành phố cho người dùng.
Jump Bikes là startup chuyên chia sẻ xe đạp điện của Mỹ, chính thức ra mắt từ năm 2017 sau 3 năm nghiên cứu và phát triển. Ứng dụng xây dựng mạng lưới chia sẻ xe định vị thông qua GPS, có hệ thống thanh toán riêng
Hiện nay, công ty cung cấp khoảng 15.000 chiếc xe đạp điện tại hơn 40 thị trường, phục vụ khoảng 5 triệu lượt xe trong bốn năm vừa qua. Doanh số năm 2017 của startup này ước tính 100 triệu USD dù mới chỉ phủ sóng tại một số thành phố lớn tại Mỹ.
Việc Uber thâu tóm Jump không làm nhiều người ngạc nhiên. Tháng 1/2018, cả hai bắt tay hợp tác để ra mắt Uber Bike, cho phép khách hàng có thể đặt xe đạp của Jump qua ứng dụng Uber.
Động thái của Uber được cho là bước đi cần thiết trong bối cảnh những đối thủ khác trên thế giới cũng đang có những kế hoạch tương tự. Tháng 12/2017, ứng dụng đặt xe của Ấn Độ mở rộng phương tiện sang xe đạp với tên gọi Ola Pedal, bắt đầu xuất hiện trong khuôn viên nhiều trường đại học ở đây. Grab ở Đông Nam Á và Didi của Trung Quốc cũng đầu tư vào các công ty khởi nghiệp chia sẻ xe đạp như Ofo, OBike.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone