Bất động sản

Sai phạm tại 5 dự án hạ tầng giao thông Hà Nội: Hiệu quả thấp, gây lãng phí rất lớn

Những sai phạm tại 5 dự án hạ tầng giao thông Hà Nội sử dụng vốn ngân sách, trong đó nổi cộm là Hợp phần I - Xe buýt nhanh BRT, phải được coi là bài học chung.

Sai phạm tại 5 dự án hạ tầng giao thông Hà Nội: Hiệu quả thấp, gây lãng phí rất lớn

Ngoài việc thường xuyên gây ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm, Thanh tra Chính phủ khẳng định, tuyến BRT01 chưa đạt được hiệu quả như mong đợi, chưa đạt mục tiêu đề ra, dù nhận được đầu tư với số tiền rất lớn. Ảnh: Đức Thanh

Hiệu quả thấp

Sau gần 3 năm kể từ khi ban hành kết luận, cuối tuần trước, Tổng thanh tra Chính phủ đã ký ban hành Thông báo số 1183/TTCP về Kết luận thanh tra số 1468/KL-TTCP thanh tra một số dự án đầu tư xây dựng từ nguồn ngân sách nhà nước, nguồn vốn vay; việc chuyển đổi, chuyển nhượng nhà đất của cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước có vị trí đắc địa sang mục đích khác tại TP. Hà Nội giai đoạn 2003 - 2016 (Kết luận số 1468).

Đây là một trong những kết luận thanh tra có thời gian kể từ khi ban hành đến khi chính thức có thông báo kết quả dài bậc nhất từ trước đến nay. Điều này ít nhiều cho thấy tính chất phức tạp của vụ việc, cũng như khó khăn của các bên liên quan trong việc xử lý những kiến nghị của Thanh tra Chính phủ.

Trước đó, cuối tháng 3/2021, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 689/VPCP-VI thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Trương Hòa Bình về xử lý Kết luận thanh tra số 1468. Tại văn bản này, Phó thủ tướng cơ bản đồng ý kiến nghị của Thanh tra Chính phủ và báo cáo của UBND TP. Hà Nội.

Ngoài những chỉ đạo cụ thể liên quan đến việc xử lý kiến nghị thanh tra đối với 36 dự án chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất có vị trí lợi thế kinh doanh tốt, tập trung chủ yếu ở các quận nội thành như Đống Đa, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Hà Đông, Cầu Giấy, Tây Hồ…, Phó thủ tướng yêu cầu UBND TP. Hà Nội xử lý dứt điểm việc Công ty cổ phần Thiên Thành An hưởng lợi số tiền 42,405 tỷ đồng, nhưng không chứng minh được khối lượng công việc đối với Gói thầu 04/BRT-TB - Hợp phần xe buýt nhanh BRT, không để xảy ra khiếu kiện quốc tế.

“Trường hợp xảy ra khiếu kiện quốc tế, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp UBND TP. Hà Nội và các cơ quan liên quan giải quyết theo quy định”, Công văn số 689 nêu rõ.

Được biết, ngoài 36 dự án bất động sản, có 5 dự án đầu tư xây dựng từ nguồn vốn ngân sách được Thanh tra Chính phủ đề cập tại Kết luận số 1468. Thanh tra Chính phủ phát hiện, chủ đầu tư các dự án này đều đã để xảy ra khá nhiều “hạt sạn”, thậm chí, có công trình còn xuất hiện hàng loạt vi phạm lớn làm giảm hiệu quả đầu tư.

Nổi cộm trong các công trình để xảy ra nhiều sai sót nhất là Hợp  phần I - Xe buýt nhanh BRT thuộc Dự án Phát triển giao thông đô thị Hà Nội, do Sở Giao thông - vận tải (GTVT) Hà Nội làm chủ đầu tư.

Theo ghi nhận của Thanh tra Chính phủ, Hợp phần I, Dự án Phát triển giao thông đô thị Hà Nội có mục tiêu xây dựng tuyến BRT đầu tiên (BRT01) tại Hà Nội có chiều dài 14,7 km, bắt đầu từ bến xe Yên Nghĩa và kết thúc tại bến xe Kim Mã. Tổng mức đầu tư là 53,6 triệu USD từ nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Trong đó, chi phí xây dựng 20,7 triệu USD, chi phí thiết bị hơn 24 triệu USD, còn lại là tư vấn đầu tư xây dựng và tư vấn dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật gần 7 triệu USD.

Mặc dù Dự án có thời gian thực hiện là từ quý IV/2007 đến năm 2010, nhưng trên thực tế, đến năm 2013, Hợp phần BRT mới được Sở GTVT Hà Nội khởi công, chậm 6 năm so với thời gian phê duyệt và đến đầu năm 2017 mới được đưa vào hoạt động. Tổng giá trị nghiệm thu cho Hợp phần BRT được Thanh tra Chính phủ ghi nhận là 706 tỷ đồng, tổng giá trị đã thanh toán 657,5 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Sở GTVT Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2017, lượng khách bình quân trên tuyến BRT01 đạt 39,9 lượt người/chuyến, bằng 44,3% công suất thiết kế, trong khi tuyến được ưu tiên chiếm dụng độc quyền 1/3 mặt cắt ngang của các trục đường khai thác. Ngoài việc thường xuyên gây ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm, Thanh tra Chính phủ khẳng định, Dự án chưa đạt được hiệu quả như mong đợi, chưa đạt mục tiêu đề ra, dù nhận được đầu tư với số tiền rất lớn.

Tại Kết luận số 1468, Thanh tra Chính phủ khẳng định, việc lập và phê duyệt kế hoạch đấu thầu Hợp phần BRT từ năm 2008 đến năm 2014 của chủ đầu tư được thực hiện thiếu đồng bộ, quy mô gói thầu phân chia chưa hợp lý, phải bổ sung điều chỉnh nhiều lần, dẫn đến việc tổ chức đấu thầu bị chậm, không đúng theo kế hoạch được phê duyệt.

Điều đáng nói là, theo thông tin của Trung tâm Điều hành giao thông công cộng Hà Nội, sau gần 5 năm đưa vào vận hành, tổng hành khách vận chuyển năm 2018 của tuyến BRT01 chỉ đạt 5,3 triệu lượt, tăng 6,3% so với năm 2017; năm 2019 đạt 5,5 triệu lượt, tăng 3,7% so với thực hiện năm 2018; năm 2020 đạt 5,356 triệu lượt, giảm 2,6 % do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho rằng, một trong những nguyên nhân quan trọng khiến tuyến BRT01 của Hà Nội thất bại là do tiến trình đầu tư quá chậm. Cụ thể, tuyến BRT01 đáng lý phải đầu tư đưa vào hoạt động từ khoảng năm 2004-2005, nhưng mãi đến năm 2017 mới khai trương dịch vụ. Trong khi đó, tại thời điểm này, mật độ đô thị, nhu cầu đi lại dọc hành lang tuyến đã khác rất xa, thậm chí đòi hỏi phải có đường sắt đô thị.

“Nếu được đầu tư hoàn thành sớm vào thời điểm những năm 2004-2005, thì đến nay, tuyến BRT 01 đã hoàn thành sứ mệnh của mình để chuyển giao sang một loại hình vận tải công cộng khối lượng lớn hơn là đường sắt trên cao, đường sắt đô thị”, ông Hùng cho biết.

Bài học về vượt rào

Được biết, tại Kết luận số 1468, Thanh tra Chính phủ đã dành khá lớn dung lượng “soi” các nội dung khác liên quan đến quá trình triển khai Hợp phần I, Dự án Phát triển giao thông đô thị Hà Nội.

Tại Gói thầu CP4a (xây dựng đường trạm xe buýt từ Bộ Y tế đến Khuất Duy Tiến), Gói thầu CP4b (xây dựng đường trạm xe buýt từ Khuất Duy Tiến - Bến xe Yên Nghĩa), Thanh tra Chính phủ xác định, chủ đầu tư chỉ đạo đơn vị tư vấn khi thiết kế đã cho thay thế mặt đường bê tông nhựa bằng mặt đường bê tông xi măng. Việc thay thế mặt đường bê tông nhựa được đơn vị kiểm định đánh giá “có cường độ mặt đường tốt” này đã gây lãng phí ngân sách nhà nước 15 tỷ đồng.

Trong quá trình triển khai Dự án, UBND TP. Hà Nội đã tổ chức 3 đoàn đi nghiên cứu, khảo sát mô hình hệ thống BRT tại Brasil, Colombia, Ecuador, Indonesia trong các năm 2004, 2009, 2014. Tuy nhiên, sau khi kết thúc khảo sát đến thời điểm kết thúc thanh tra, một đoàn không có báo cáo kết quả; 2 đoàn có báo cáo nhưng không thể hiện nội dung liên quan đến khảo sát.

Không chỉ Dự án Phát triển giao thông đô thị Hà Nội để xảy ra những sai phạm lớn, Thanh tra Chính phủ còn phát hiện một số chủ đầu tư khác trên địa bàn Hà Nội vi phạm các quy định về trình tự, thủ tục đầu tư. Cụ thể, tại Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A đoạn cầu Chui - cầu Đuống (phố Ngô Gia Tự, quận Long Biên) do UBND quận Long Biên làm chủ đầu tư, Thanh tra Chính phủ ghi nhận việc tổng mức đầu tư công trình này đã tăng từ 98,86 tỷ đồng (năm 2003) lên 1.582,9 tỷ đồng (năm 2014) sau 3 lần điều chỉnh.

Trong lần điều chỉnh gần nhất, Giám đốc Ban Quản lý dự án quận Long Biên đã tự phê duyệt bổ sung hạng mục dùng chi phí giải phóng mặt bằng chuyển vào chi phí xây dựng và điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư trái thẩm quyền, vi phạm khoản 2, Điều 7, Nghị định số 112/2009/NĐ - CP về quản lý chi phí xây dựng công trình. Tại dự án này, dù thời gian thực hiện các gói thầu xây lắp đã hết hiệu lực hợp đồng đã ký, nhưng chủ đầu tư không tiến hành gia hạn theo quy định.

Theo PGS-TS. Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), nhiều sai phạm được Thanh tra Chính phủ chỉ ra trong quá trình triển khai 5 dự án hạ tầng sử dụng vốn ngân sách đã được các cơ quản lý nhà nước phát hiện và từng bước khắc phục trong các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.

“Đây là những bài học đắt giá không chỉ cho những người làm công tác quản lý đầu tư tại Hà Nội, mà còn cho các chủ đầu tư trên phạm vi cả nước, đặc biệt là việc chấp hành nghiêm kỷ luật đầu tư, tầm nhìn khi hoạch định các mục tiêu dự án, bởi đối với các công trình hạ tầng đô thị quy mô lớn, chỉ cần sai một ly, thì hậu quả để lại rất nặng nề, rất khó khắc phục, gây lãng phí rất lớn ngân sách nhà nước, mà Hợp phần BRT là ví dụ điển hình”, ông Chủng nêu quan điểm.

Tin mới lên