Tài chính

Sau Bộ Công Thương, đến lượt Bộ Tài chính vào cuộc điều tra vụ Asanzo

(VNF) - Ngày 25/6, tại Thông báo số 485/TB-BTC, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng - Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, đã có ý kiến chỉ đạo về việc kiểm tra, xác minh thông tin báo chí phản ánh về Công ty Cổ phần Điện tử Asanzo.

Sau Bộ Công Thương, đến lượt Bộ Tài chính vào cuộc điều tra vụ Asanzo

Sau Bộ Công Thương, Bộ Tài chính tiếp tục yêu cầu xác minh về vụ việc Asanzo. (Ảnh minh họa)

Theo đó, Bộ trưởng yêu cầu văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan khẩn trương kiểm tra, xác minh thông tin báo chí phản ánh vụ việc Công ty Cổ phần Điện tử Asanzo nhập khẩu sản phẩm sản xuất tại nước khác gắn nhãn xuất xứ Việt Nam để bán ra thị trường Việt Nam, làm rõ các vi phạm để xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.

Bộ trưởng cũng giao Tổng cục Hải quan chủ trì phối hợp với Tổng cục Thuế và các đơn vị liên quan rà soát việc thực hiện quản lý nhà nước đối với việc nhập khẩu các sản phẩm sản xuất tại nước khác nhưng gắn nhãn xuất xứ Việt Nam để bán ra thị trường Việt Nam.

Cùng với đó, Bộ trưởng Tài chính giao Tổng cục Thuế rà soát báo cáo về công tác quản lý thuế và các nội dung liên quan khác đối với Công ty Cổ phần Điện tử Asanzo gửi Tổng cục Hải quan trước ngày 10/7/2019.

2 Tổng cục gồm: Tổng cục Hải quan và Tổng cục Thuế cũng được yêu cầu phối hợp với các đơn vị liên quan chỉ đạo các Cục Hải quan, Cục Thuế các tỉnh, thành phố rà soát nhằm phát hiện các trường hợp tương tự và đề xuất các biện pháp thanh tra, kiểm tra, chống thất thu, nợ đọng thuế, chống chuyển giá, trốn thuế; đồng thời xem xét trách nhiệm của đơn vị để xảy ra tình trạng trốn thuế, gây thất thu ngân sách nhà nước.

Bộ trưởng cũng đề nghị Tổng cục Hải quan chủ trì tổng hợp chung, trình Bộ báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/7/2019.

Trước đó, qua phản ánh của báo chí, Công ty Cổ phần điện tử Asanzo được cho là đã nhập hàng loạt thiết bị điện tử xuất xứ Trung Quốc như nồi cơm điện, lò nướng, ti vi, máy lạnh, loa… về dán nhãn Việt Nam để bán ra thị trường. Điểm đặc biệt là các sản phẩm đồ gia dụng của Asanzo, theo điều tra của báo Tuổi Trẻ, được nhập nguyên chiếc từ Trung Quốc, Asanzo không hề sản xuất một mẩu linh kiện nào.

Tại buổi làm việc với báo Tuổi Trẻ mới đây, Chủ tịch Asanzo Phạm Văn Tam cho biết tỷ lệ nội địa hóa của tivi Asanzo không phải tính trên từng món linh kiện mà tính trên giá tiền hóa đơn đầu vào - nghĩa là trên giá tiền sản phẩm mua vào để làm ra một cái tivi. Nếu tính trên hóa đơn thì giá trị tỷ lệ linh kiện nhập khẩu từ 60-70%, còn lại khoảng 30-40% là nội địa.

Khi được hỏi tỷ lệ nội địa gồm những gì? Ông Tam cho biết: "Đó là vỏ nhựa, dây nguồn điện, thùng xốp, bao bì giấy, nhân công lắp ráp... Mấy cái này mình được phép cộng vào. Mình tính thế thôi chứ không muốn tính nhiều hơn, rồi công bố là nội địa hóa đến 80-90%".

Trước nghi vấn "hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt", hàng loạt siêu thị điện máy đã tạm thời bỏ sản phẩm của Asanzo khỏi danh mục bán hàng và chờ đợi kết luận chính thức từ cơ quan chức năng.

Liên quan đến vụ việc Asanzo, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh mới đây cũng đã có chỉ đạo yêu cầu các Cục, Vụ, Viện có liên quan như: Cục Xuất nhập khẩu, Cục Công nghiệp, Vụ Khoa học Công nghệ, Vụ Thị trường trong nước, Tổng cục Quản lý thị trường… tiến hành kiểm tra rà soát công tác quản lý nhà nước và chức trách nhiệm vụ được giao trong vụ việc này.

Từ đó, các đơn vị có những biện pháp cụ thể đảm bảo quyền và lợi ích của người tiêu dùng, đồng thời đảm bảo môi trường sản xuất kinh doanh lành mạnh...

Bộ trưởng nhấn mạnh các đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện và báo cáo kết quả trong thời gian sớm nhất.

Tin mới lên