Thị trường

Starbucks: Cuốn sổ 600 ngàn và ‘đế chế cà phê' hàng chục tỷ USD

(VNF) - Những ngày cuối năm 2018, nhiều người săn lùng cuốn sổ tay được bán với giá 600.000 đồng của hãng cà phê Starbuck, mức giá cao gấp hàng chục lần những cuốn sổ thông thường được bán trên thị trường hiện nay.

Starbucks: Cuốn sổ 600 ngàn và ‘đế chế cà phê' hàng chục tỷ USD

Nếu là một quốc gia, Starbucks sẽ là nền kinh tế lớn thứ 104 thế giới

Có điều gì đặc biệt ở cuốn sổ bé nhỏ này? Theo đánh giá của những người mua, cuốn sổ này không chỉ được thiết kế hợp lý cho công việc mà còn đậm chất thẩm mỹ, thậm chí có thể nói là đậm chất nghệ thuật. Và quan trọng nhất, nó được gọi là "cuốn sổ Starbucks".

Giờ đây, khi vào các quán Starbucks, chúng ta không chỉ có cà phê. Ngoài các loại nước uống bán kèm khác, khách hàng có thể mua bánh, những chiếc ly, những chai đựng nước... và sổ tay. 

Từ quán cà phê 10 nhân viên đến “nền kinh tế lớn thứ 104 thế giới”

Năm 1971, Starbucks chỉ là một quán cà phê nhỏ bé và khiêm nhường với chưa tới 10 nhân viên phục vụ. Tuy nhiên, đến năm 2017, theo Business Insider, nếu là một quốc gia, Starbucks sẽ là nền kinh tế lớn thứ 104 thế giới.

Doanh thu năm 2017 của Starbucks đạt 22,386 tỷ USD. Còn trong quý cuối tài khóa 2018 (kết thúc vào ngày 30/9), Starbucks đạt lợi nhuận ròng 755,8 triệu USD trên doanh thu 6,3 tỷ USD.

CEO Starbucks Kevin Johnson cho biết các kết quả trên là minh chứng đáng khích lệ rằng kế hoạch của Starbucks đang có hiệu quả. 

Giám đốc phụ trách mảng hoạt động của Starbucks, Rosalind Brewer, cho biết chuỗi này đang nỗ lực mới nhằm giảm thiểu thời lượng các nhân viên chú trọng vào công việc quản lý để họ có thể dành thêm thời gian chăm sóc khách hàng đang làm tăng sự hài lòng của các “thượng đế” và khuyến khích khách hàng quay lại với cửa hàng.

Số lượng khách hàng Mỹ trung thành của Starbucks tăng 15% trong quý kết thúc vào tháng 9/2018 lên 15,3 triệu người. 

Starbucks đang đẩy mạnh việc mở thêm cửa hàng tại châu Á nhằm cải thiện doanh số bán hàng, và lên kế hoạch mở 2.100 cửa hàng mới trong năm 2019, trong đó hơn một nửa số này là tại châu Á. 

Tại Việt Nam, Starburks xuất hiện năm 2013, sau hơn 5 năm, chuỗi này mở được 40 cửa hàng. Năm 2017, Công ty TNHH Thực phẩm & Nước giải khát Ý tưởng Việt (Coffee Concepts) - đơn vị vận hành hệ thống Starbucks Việt Nam - đạt 449 tỷ đồng doanh thu, tăng gấp rưỡi so với năm 2016 và gấp đôi so với năm 2015. Một kết quả có thể nói là khả quan với tốc độ mở rộng khá chậm của chuỗi cà phê này.

Trong khi Highlands phải mất cả chục năm mới bắt đầu gặt hái lợi nhuận thì Starbucks chỉ chịu lỗ trong 3 năm đầu với tổng mức lỗ chỉ 52 tỷ đồng. Từ năm 2016, công ty bắt đầu có lãi gần 5 tỷ đồng và năm 2017 tăng lên 22 tỷ đồng.

Giờ đây thương hiệu cà phê đến từ Mỹ này đã dẫn đầu phân khúc cao cấp trong thị trường chuỗi quán cà phê tại Việt Nam.

Bán di sản thương hiệu

Vì sao người tiêu dùng sẵn sàng mua với giá cao như vậy? Theo lý giải của ông Nguyễn Đức Sơn, Giám đốc điều hành Công ty tư vấn thương hiệu Richard Moore Associates (Mỹ) thì đó là do yếu tố "chất lượng thương hiệu".

"Đối với tôi, Starbucks đã bán di sản thương hiệu của mình”, ông Nguyễn Đức Sơn nói.

“Nhiều người nhầm tưởng chất lượng của sản phẩm là chất lượng của thương hiệu. Thực tế không phải vậy, đây là hai phạm trù khác nhau dù có ảnh hưởng lẫn nhau. Chất lượng của thương hiệu không chỉ nằm ở bản thân sản phẩm mà còn ở mức độ sẵn sàng trả giá cao hơn, ít bị ảnh hưởng bởi sự co giãn về giá của thương hiệu đó”, ông Sơn phân tích.

Trong cuốn sách nổi tiếng có tên “Định vị - Positioning”, đồng tác giả AI Ries và Jack Trout chỉ ra rằng, trong một thị trường cạnh tranh, dù sản phẩm ưu việt hơn nhưng nếu không biết cách định vị mình sẽ không có nhiều cơ hội chiến thắng. Điều quan trọng mà doanh nghiệp cần làm là phải định vị mình và chiếm lĩnh điểm định vị có giá trị nhất.
 
Từ khi ra đời, Starbucks đã được định vị trong tâm trí của người tiêu dùng là một loại cà phê “đắt nhưng đáng giá”, và là "nơi chốn thứ ba", sau ngôi nhà và chỗ làm việc.

Trong cuốn hồi ký mang tựa đề “Dốc hết trái tim” của mình, cựu CEO Starburks DHoward Schultz chia sẻ: “Có hai nơi con người dành nhiều thời gian sống trong đó nhất, đó là ngôi nhà và nơi làm việc. Starbucks là nơi chốn thứ ba, nơi mọi người đến có thể thư giãn, có thể làm việc một chút, có thể suy tưởng”.

Định vị đó cho đến ngày hôm nay vẫn được Starbucks gia cố vững chắc và là nền tảng để Starbucks thu hút khách hàng, và để bán ra các sản phẩm đi kèm với giá rất đắt nhưng dưới cùng một cái tên Starbucks.

Tin mới lên