Startup Việt với cơ hội trong thị trường 200 tỷ USD

Hữu Tuấn - 14/09/2018 13:43 (GMT+7)

Các doanh nghiệp khởi nghiệp của Việt Nam đang đứng trước cơ hội để phát triển trong cuộc cách mạng 4.0, khi quy mô thị trường kinh tế kỹ thuật số khu vực ASEAN lên đến 200 tỷ USD.

VNF
Khu vực ASEAN đang trở thành “thung lũng Silicon thứ 2 của thế giới” với hàng loạt startup Kỳ lân trị giá tỷ USD.

Cơ hội rộng mở

“Làm thế nào để các doanh nghiệp khởi nghiệp có thể tranh thủ cơ hội trong cuộc cách mạng 4.0” vừa là chủ đề chính, vừa là câu hỏi đặt ra của diễn đàn mở với chủ đề “ASEAN 4.0 cho tất cả” tại Hội nghị WEF ASEAN 2018.

GS. Klaus Schwab, Chủ tịch điều hành WEF đã nhận xét: “Cuộc cách mạng 4.0 làm thay đổi mạnh mẽ các mô hình kinh doanh, sự cạnh tranh của các doanh nghiệp trên toàn thế giới, các nền kinh tế và các xã hội. Trong tương lai, các quốc gia thành công là các quốc gia có thể nắm bắt cơ hội, ưu thế mà cuộc cách mạng 4.0 đem lại”.

Có thể thấy rằng, cuộc cách mạng 4.0 sẽ mang đến cơ hội cho tất cả, từ các tập đoàn lớn đến doanh nghiệp vừa và nhỏ, lẫn các cá nhân. Trong đó, Internet sẽ là một thị trường rộng mở, mang lại cơ hội lớn trong vòng 5 - 10 năm tới cho giới khởi nghiệp, đặc biệt là trong các lĩnh vực đang phát triển rất nhanh như thương mại điện tử, giao thông thông minh, thanh toán điện tử.

ASEAN đang dần trở thành thung lũng Silicon thứ hai của thế giới, với 7,86 tỷ USD đầu tư vào startup khu vực này trong năm 2017, trong đó nổi bật 3 lĩnh vực là fintech, thương mại điện tử và sản xuất trò chơi. Báo cáo của Google cho thấy, nền kinh tế kỹ thuật số của Đông Nam Á đã đạt giá trị 50 tỷ USD trong năm 2017 và dự báo sẽ tăng lên 200 tỷ USD vào năm 2025.

Bà Yasmin Mahmood, CEO MBIC cho rằng, cuộc cách mạng 4.0 đang diễn ra rất nhanh chóng. Nếu như trước đây, phải mất 25 năm để điện thoại đạt được con số 100 triệu người sử dụng thì điện thoại thông minh chỉ mất có 16 năm để đạt được con số này. Trò game Angry Birds chỉ mất có 35 ngày để đạt được con số 50 triệu người dùng.

“Tốc độ phát triển công nghệ hiện nay đang diễn ra rất nhanh, vấn đề đặt ra là làm thế nào các quốc gia có thể sử dụng các yếu tố nội tại để trở thành người chiến thắng trong cuộc cạnh tranh này?”, bà Yasmin Mahmood đặt câu hỏi.

Startup nên làm gì?

Là một trong 3 startup của Việt Nam trong số 80 startup của thế giới được lựa chọn từ hơn 300 startup đăng ký tham dự WEF ASEAN 2018, ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc VNG chia sẻ: “Đừng làm những điều bình thường, mà hãy làm những điều khác biệt. Tương lai của nhân loại sẽ phụ thuộc vào những điều mà hiện nay mọi người cho rằng không thể tưởng tượng nổi. Nếu muốn xây dựng những doanh nghiệp tỷ USD tiếp theo của Việt Nam và châu Á, hãy lựa chọn những ý tưởng không tưởng đối với hiện tại".

Ông Minh cũng lưu ý rằng, các bạn trẻ, các startup ngoài việc nhanh nhạy nắm bắt xu hướng mới của công nghệ thì sự sáng tạo cũng rất quan trọng.

"Trong kinh doanh, phương thức thông thường là nghiên cứu những mô hình thành công. Nhưng tôi cho rằng, chúng ta cần phải sáng tạo chứ không phải là sao chép nguyên bản. Khi tôi đến Thung lũng Silicon tại Mỹ, tôi nghĩ có thể đặt một văn phòng ở đó chứ không phải sao chép nó tại Việt Nam. Tôi nghĩ cần phải sáng tạo trong một môi trường phù hợp khi thế giới đang hình thành những trung tâm sáng tạo", ông Minh bày tỏ quan điểm.

Bộ trưởng Bộ Thể thao và Thanh niên Malaysia, ông Syed Saddiq cũng khuyên rằng, cần thay đổi tư duy của mình, làm những việc vượt ra ngoài khuôn khổ, giới hạn của bản thân.

“Khi xác định được cảm hứng, tham vọng của mình thì hãy suy nghĩ trước một bước xem thế hệ của chúng ta sẽ cần gì trong 10 năm tới. Các bạn hãy tìm ra biện pháp khác thường để đạt được kết quả khác thường. Nếu mỗi người trẻ biết cách khai thác tiềm năng của mình thì sẽ tạo ra điều kỳ diệu”, ông Syed Saddiq khẳng định.

Khu vực ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng, đang trở thành “thung lũng Silicon thứ 2 của thế giới” với hàng loạt startup Kỳ lân trị giá tỷ USD như Grab, Go-Jek, Traveloka, Tokopedia, Lazada, VNG… với tổng giá trị các startup lên đến 86,5 tỷ USD. Với dân số hơn 650 triệu người, ASEAN là khu vực có lực lượng lao động lớn thứ 3 thế giới (sau Trung Quốc và Ấn Độ) và cũng là một trong những thị trường tiêu dùng tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Mỗi ngày có thêm 125.000 người dùng Internet mới, nền kinh tế kỹ thuật số của ASEAN được dự báo sẽ giúp GDP của khu vực tăng thêm 1.000 tỷ USD trong 10 năm tới.

Đó là cơ hội, là thị trường rộng lớn của các startup ASEAN nói chung và startup Việt Nam nói riêng trong cuộc cách mạng 4.0.

Xem thêm >> Chủ tịch VCCI nói về 'nối vòng tay lớn' trong thời đại hội nhập mới

Theo Đầu tư
Cùng chuyên mục
Tin khác