Tài chính quốc tế

Suy giảm bất động sản Trung Quốc 'phủ bóng đen' lên tăng trưởng châu Á

(VNF) - Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng năm 2023 và 2024 của Trung Quốc, cho rằng sự yếu kém trong lĩnh vực bất động sản của nước này có thể "phủ bóng đen" lên tốc độ tăng trưởng của toàn châu Á.

Suy giảm bất động sản Trung Quốc 'phủ bóng đen' lên tăng trưởng châu Á

Ảnh minh họa.

Trong báo cáo triển vọng kinh tế khu vực công bố hôm 18/10, IMF cho biết nền kinh tế lớn thứ hai thế giới dự kiến ​​sẽ tăng trưởng 5% trong năm nay và 4,2% trong năm 2024, giảm so với mức 5,2% và 4,5% trong dự báo tháng 4 của IMF.

Báo cáo cho biết: “Tại Trung Quốc, quá trình phục hồi đang mất dần động lực, với các chỉ số quản lý mua hàng sản xuất giảm dần từ tháng 4 đến tháng 8 và các điều kiện trong lĩnh vực bất động sản ngày càng suy yếu”.

Báo cáo dự đoán rằng việc điều chỉnh thị trường nhà đất kéo dài ở Trung Quốc trong thời gian tới sẽ “gây ra căng thẳng tài chính lớn hơn cho các nhà phát triển bất động sản và chất lượng tài sản suy giảm nghiêm trọng hơn”.

Tác động của điều đó có thể khiến tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc giảm tới 1,6% so với mức cơ sở vào năm 2025, trong khi GDP thế giới sẽ giảm 0,6% so với mức cơ sở.

Triển vọng năm 2023 của IMF đối với châu Á và Thái Bình Dương sáng sủa hơn, IMF gọi đây là "khu vực năng động nhất trong năm nay".

Cơ quan này duy trì dự báo tăng trưởng trước đó cho khu vực ở mức 4,6% vào năm 2023 và cho biết hoạt động kinh tế trong khu vực đang trên đà đóng góp khoảng 2/3 tăng trưởng toàn cầu trong năm nay.

Tuy nhiên, tăng trưởng ở châu Á và Thái Bình Dương dự kiến ​​sẽ giảm xuống còn 4,2% trong năm 2024. 

IMF kỳ vọng tỷ lệ này sẽ tiếp tục giảm xuống còn 3,9% trong trung hạn - mức thấp nhất trong hai thập kỷ qua ngoại trừ năm 2020 - khi lĩnh vực bất động sản yếu kém của Trung Quốc và tăng trưởng năng suất yếu hơn ở nhiều nền kinh tế khác đè nặng lên tăng trưởng khu vực.

Giảm phát là một điểm sáng ở châu Á (ngoại trừ Nhật Bản), khi lạm phát dự kiến sẽ quay trở về đúng mục tiêu của các ngân hàng trung ương vào cuối năm tới.

“Điều này đưa châu Á vượt lên trên phần còn lại của thế giới, nơi mà nhìn chung lạm phát sẽ không quay trở lại mức mục tiêu cho đến ít nhất là năm 2025”, tổ chức này cho biết.

Tuy nhiên, IMF cho biết thêm, các ngân hàng trung ương trong khu vực nên đề phòng việc nới lỏng chính sách tiền tệ quá sớm.

"Các ngân hàng trung ương nên thực hiện các chính sách để đảm bảo lạm phát ở mức phù hợp một cách lâu dài. Vì điều kiện tiền tệ thắt chặt có thể gây căng thẳng cho sự ổn định tài chính, việc tăng cường giám sát tài chính, giám sát thận trọng các rủi ro hệ thống và hiện đại hóa các khuôn khổ xử lý là rất quan trọng", IMF nhận định.

Xem thêm >> IMF: GDP 2023 của Việt Nam chỉ tăng 4,7%

Tin mới lên