Taisho toan tính gì khi từng bước thâu tóm Dược Hậu Giang?
Thanh Long -
04/09/2018 11:09 (GMT+7)
(VNF) - Thông qua việc M&A Dược Hậu Giang, Taisho Holdings sẽ hoàn tất việc thâm nhập toàn bộ thị trường ASEAN và Đông Á, giúp thúc đẩy doanh thu và lợi nhuận, bù đắp cho thị trường Nhật Bản đang có mức tăng trưởng chậm.
Tháng 8 vừa qua, Taisho Holdings đã chính thức hoàn tất mua vào 9,2 triệu cổ phiếu DHG của Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang, nâng tỷ lệ sở hữu lên 32%.
Giới đầu tư nhìn nhận, việc Taisho Holdings nâng sở hữu lên mức chi phối (51% trở lên) chỉ còn là vấn đề thời gian. Bản thân Dược Hậu Giang cũng đã “mở đường” bằng việc nới room ngoại lên 100%.
Hiện cổ đông lớn nhất của Dược Hậu Giang là SCIC với tỷ lệ sở hữu trên 43%.
Theo phác họa của Công ty Chứng khoán MB (MBS), Taisho Holdings hiện tại là một trong những công ty có thị phần OTC (bán hàng trực tiếp qua nhà thuốc) khá lớn ở Nhật Bản, chiếm hơn 13,5% thị phần OTC tại “đất nước mặt trời mọc”. Tuy nhiên, công ty này chỉ chiếm khoảng 1% thị phần kênh ETC (bán hàng qua đấu thầu, bán buôn) và xu hướng cả doanh thu lẫn thị phần từ năm 2016 qua năm 2017 đều suy giảm.
Hiện nay, chiến lược của Taisho là đẩy mạnh bán hàng ở các nước quanh khu vực ASEAN cũng như khu vực Đông Á. Hiện tại, Taisho có 9 công ty con và 1 trung tâm phân phối thuốc nằm tại Singapore.
Tuy nhiên xu hướng doanh thu và thị phần của Taisho hiện nay đang suy giảm. Nguyên nhân chủ yếu đến từ mảng thực phẩm chứng năng (TPCN) và thuốc mọc tóc đang suy giảm dần và chịu sự cạnh tranh gay gắt của các nhãn hàng khác.
Đây vốn là hai dòng sản phẩm ra đời từ thập niên 90s, vốn có đã có hiện tượng bão hòa. Nhưng ở thị trường nước ngoài, các dòng sản phẩm này vẫn có nhiều dư địa phát triển, do đó, Taisho rất quyết liệt trong vấn đề mở rộng tầm ảnh hưởng lên các khu vực có mức chi tiêu cho Dược phẩm còn thấp hơn trung bình thế giới như: Việt Nam, Indonesia, Thái Lan, Đài Loan, Trung Quốc hay Malaysia…
Duy nhất Việt Nam là quốc gia Taisho chưa thể chiếm thị phần như các quốc gia khác, do có dự góp mặt của các đối thủ lâu đời như Sanofi, GSK hay Novartis…
Nhìn vào cơ cấu sản phẩm của Taisho, có thể thấy sự tương đồng về cơ cấu sản phẩm giữa Dược Hậu Giang và Taisho. Mảng Analgesics của Taisho chiếm 28% thị phần ở Nhật Bản, còn Dược Hậu Giang với dòng sản phẩm Hapcol cũng chiếm hơn 14% thị phần ở Việt Nam. Đồng thời, mảng kháng sinh Beta-lactam cũng chiếm gần 16% doanh thu tổng của kênh ETC và Dược Hậu Giang đang sở hữu một trong những nhà máy beta-lactam lớn nhất Việt Nam.
Trên lý thuyết, cổ phần của Dược Hậu Giang vẫn có thể chuyển nhượng cho đối tác khác, nhưng theo quan điểm của MBS, Taisho sẽ là công ty chấp nhận trả mức giá cao nhất bởi 4 lý do chính.
Thứ nhất, Taisho sẽ là cổ đông chi phối doanh nghiệp Dược lớn nhất Việt Nam, có hệ thống phân phối rộng khắp cả nước.
Thứ hai, Dược Hậu Giang có cơ sở vật chất và công nghệ phù hợp, tương đồng với các lĩnh vực thế mạnh của Taisho.
Thứ ba, cho đến năm 2020, Dược Hậu Giang vẫn là doanh nghiệp được ưu đãi về thuế. Và hiện tại nhà máy của Dược Hậu Giang mới chỉ hoạt động ở mức 65% công suất thiết kế, vẫn còn nhiều diện tích và tiềm năng để mở rộng và phát triển.
Thứ tư, thị trường hơn 90 triệu dân và mức tăng trưởng trong chi tiêu sử dụng thuốc của Việt Nam tiếp tục duy trì ở mức hai con số trong ít nhất 5 năm tới.
Ngoài ra, MBS nhận định chiến lược của Dược Hậu Giang là tìm kiếm đối tác cùng phát triển, khác với trường hợp bị thâu tóm và trở thành công ty gia công thuốc như trường hợp của Domesco. Điều này phù hợp với cách thức hợp tác của Dược Hậu Giang và Taisho trong suốt thời gian qua.
“Chúng tôi đánh giá Taisho vẫn là đối tác chính trong quá trình thoái vốn của SCIC với Dược Hậu Giang. Qua đó, Dược Hậu Giang sẽ có cơ hội mở rộng thị phần, phát triển mạnh ở mảng Analgesics và TPCN, còn Taisho có cơ hội mở rộng thị trường và giúp Dược Hậu Giang đa dạng hóa danh mục sản phẩm”, MBS cho hay.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.