Tài chính

Tăng hoàn thuế kích thích du khách mua sắm

Quy trình hoàn thuế phức tạp và chưa đồng bộ, trong khi các doanh nghiệp bán hàng hoàn thuế thiếu thiện chí khiến số thuế giá trị gia tăng (VAT) du khách được hoàn chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ.

Tăng hoàn thuế kích thích du khách mua sắm

Tăng hoàn thuế kích thích du khách mua sắm. (Ảnh minh họa)

Cứng nhắc và thiếu hợp tác

Khi Thông tư 72/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định về việc hoàn thuế VAT đối với hàng hóa của người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mang theo khi xuất cảnh được ban hành, nhiều ý kiến cho rằng việc hoàn thuế cho du khách nước ngoài và Việt kiều sẽ diễn ra thuận lợi hơn và góp phần kích cầu phát triển du lịch.

Thậm chí để việc triển khai chương trình hoàn thuế VAT được thuận lợi, Tổng cục Hải quan đã xây dựng quy trình thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa của người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mang theo khi xuất cảnh và xây dựng “Hệ thống quản lý thông tin hoàn thuế VAT đối với hàng hóa của người nước ngoài mua tại Việt Nam mang theo khi xuất cảnh - VAT-RAS”. Tuy nhiên, sau hơn 4 năm đi vào thực tiễn cho thấy doanh thu bán hàng hoàn thuế và số thuế du khách được hoàn đều chiếm tỷ lệ không đáng kể.

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy tính đến hết năm 2017, cả nước mới chỉ có 8 cửa khẩu thực hiện việc hoàn thuế VAT cho du khách với khoảng 67 doanh nghiệp tham gia nghiệp vụ bán hàng hoàn thuế. Trong 6 tháng đầu năm 2018, mặc dù là nơi tập trung nhiều nhất các điểm bán hàng hoàn thuế, nhưng số thuế VAT các cửa hàng trên địa bàn TP. HCM hoàn lại cho du khách nước ngoài chỉ đạt khoảng trên 15 tỷ đồng. Tương tự số thuế được hoàn ở Đà Nẵng, Khánh Hòa, chỉ vào khoảng 50-100 triệu đồng.

TS. Đinh Thế Hiển – một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính cho rằng sở dĩ doanh thu bán hàng hoàn thuế và số thuế được hoàn đều thấp trong những năm vừa qua là vì quy trình hoàn thuế còn quá phức tạp. Để được hoàn thuế đối với hàng hóa mua sắm tại các cửa khẩu, du khách phải có hóa đơn kiêm tờ khai hải quan do doanh nghiệp bán hàng cung cấp.

Theo quy định tại Thông tư 72, hóa đơn này phải được lập trên phần mềm điện tử và thể hiện đầy đủ các thông tin chi tiết chứng minh doanh nghiệp có quyền bán hàng hoàn thuế và mã hàng hóa phù hợp với danh mục hàng hóa miễn thuế.

Tuy nhiên, hiện nay nhiều doanh nghiệp bán hàng hoàn thuế chưa tham gia vào hệ thống hoàn thuế điện tử nên các công chức hải quan phải thực hiện các bước nhập chứng từ, mã hàng… bằng phương pháp thủ công gây mất thời gian và dễ dẫn đến sai sót. Bên cạnh đó, cách ghi mã hàng trên hóa đơn VAT để hoàn thuế chưa thống nhất, mỗi doanh nghiệp ghi mỗi cách khác nhau nên cùng một sản phẩm có du khách được hoàn thuế, có du khách không được hoàn, gây bức xúc và tranh chấp không đáng có.

Ngoài ra, các doanh nghiệp bán hàng hoàn thuế hiện nay cũng chưa có quy định bắt buộc phải tham gia vào hệ thống quản lý thông tin hoàn thuế VAT (hệ thống VAT-RAS) nên cả cơ quan hải quan và thanh toán chi trả tiền hoàn thuế VAT đều không có thông tin cụ thể, chính xác về doanh nghiệp và chất lượng hàng hóa hoàn thuế. Kẽ hở pháp lý này tạo ra cơ hội cho các trường hợp gian lận thương mại, bán hàng giả, hàng kém chất lượng cho du khách hoặc du khách nước ngoài móc nối với doanh nghiệp trong nước để đưa hàng về Việt Nam hưởng hoàn thuế.

Cụ thể hóa các hợp tác liên bộ

Theo ông Phạm Trung Lương - Hiệp hội Đào tạo Du lịch Việt Nam (VITEA), mặc dù những hạn chế trong hoạt động hoàn thuế VAT cho du khách diễn ra từ nhiều năm nay và các đơn vị hải quan thuộc các cửa khẩu lớn tại TP. HCM, Hà Nội, Đà Nẵng đều đã có những kiến nghị sửa đổi về mặt pháp lý và đưa ra các cơ chế hợp tác phù hợp nhằm tăng nhu cầu mua sắm của du khách. Tuy nhiên việc hướng dẫn các thủ tục hoàn thuế cho các doanh nghiệp vẫn chưa được quan tâm đúng mức và những phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan còn thiếu cụ thể và chưa được triển khai hiệu quả.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy mức chi tiêu bình quân của một khách du lịch tại Việt Nam trong vòng 10 năm gần đây không có sự tăng trưởng, thậm chí còn có sự sụt giảm. Bình quân chi tiêu của mỗi khách du lịch năm 2004 ở mức 1.283 USD cho một chuyến đi, nhưng đến năm 2014 mức chi tiêu mỗi du khách giảm còn 1.114 USD. Đến năm 2017, con số này chỉ “nhúc nhích” một chút lên 1.171 USD, song vẫn thấp hơn so với thời điểm năm 2004 và thấp hơn nhiều so với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á như Singapore và Thái Lan, khi mức chi tiêu của mỗi du khách cho một chuyến du lịch đã đạt con số 5.000-6.000 USD.

Bởi vậy, việc gỡ bỏ những điều kiện hoàn thuế VAT là cần thiết để kích thích nhu cầu mua sắm của du khách, giữa tháng 11/2018 Bộ Tài chính và Bộ Giao thông - Vận tải đều có văn bản chỉ đạo các đơn vị vận tải và các chi cục hải quan cửa khẩu phối hợp thực hiện các nghiệp vụ hoàn thuế cho du khách.

Theo đó phía Bộ Giao thông - Vận tải yêu cầu các cảng hàng không bố trí địa điểm, quầy hoàn thuế cho du khách ở các vị trí dễ quan sát, dễ nhận biết, đồng thời thông tin chính sách hoàn thuế cho khách du lịch nước ngoài trên các chuyến bay. Bên cạnh đó Tổng cục Hải quan chỉ đạo các đơn vị hải quan cửa khẩu phối hợp với các ngân hàng thương mại thực hiện đơn giản hóa các thủ tục hoàn thuế cho du khách đảm bảo không trễ giờ bay của hành khách.

Theo phân tích của TS. Bùi Quang Tín - Đại học Ngân hàng TP. HCM, để những chỉ đạo này được thực thi một cách cụ thể và hiệu quả thì trước hết cần phải minh bạch hóa hoạt động kinh doanh hàng hoàn thuế. Trong bối cảnh nhiều địa phương đẩy mạnh phát triển du lịch, Bộ Tài chính và Bộ Công thương nên phối hợp, nghiên cứu mở rộng thêm các trường hợp bán hàng hoàn thuế VAT cho cả hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh.

Trong khi đó, cơ quan thuế là đơn vị trực tiếp quản lý hoạt động này cần chủ động cập nhật doanh sách doanh nghiệp, cửa hàng đăng ký bán hàng hoàn thuế VAT và đưa ra các biện pháp chế tài cụ thể để xử lý những vi phạm gian lận trong quá trình kinh doanh các mặt hàng miễn thuế.

Các doanh nghiệp bán hàng hoàn thuế hiện nay cũng chưa có quy định bắt buộc phải tham gia vào hệ thống quản lý thông tin hoàn thuế VAT (hệ thống VAT-RAS) nên cả cơ quan hải quan và thanh toán chi trả tiền hoàn thuế VAT đều không có thông tin cụ thể, chính xác về doanh nghiệp và chất lượng hàng hóa hoàn thuế.

Kẽ hở pháp lý này tạo ra cơ hội cho các trường hợp gian lận thương mại, bán hàng giả, hàng kém chất lượng cho du khách hoặc du khách nước ngoài móc nối với doanh nghiệp trong nước để đưa hàng về Việt Nam hưởng hoàn thuế.

Tin mới lên