Bất động sản

Tập đoàn Cienco 4 và Công ty Thuận An trúng gói thầu XL2 xây dựng cầu Cửa Hội

(VNF) - Ngày 4/1, Ban QLDA6 và liên danh Tập đoàn Cienco4 - Công ty CP Phát triển xây dựng và thương mại Thuận An đã ký hợp đồng gói thầu xây lắp XL.02 xây dựng cầu Cửa Hội bắc qua sông Lam. Đây là gói thầu chính có giá trị lớn lên tới 341,57 tỷ đồng.

Tập đoàn Cienco 4 và Công ty Thuận An trúng gói thầu XL2 xây dựng cầu Cửa Hội

Cầu Cửa Hội thay đổi hình thức từ BOT sang hình thức đầu tư công

Theo hợp đồng, liên danh Cienco 4 và Công ty Thuận An sẽ thi công xây dựng cầu dẫn (từ trụ T14 đến mố M2 và kết cấu phần trên nhịp N14), đường đầu cầu phía Hà Tĩnh thuộc dự án đầu tư xây dựng cầu Cửa Hội bắc qua sông Lam trên địa bàn hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Hình thức hợp đồng theo đơn giá có điều chỉnh, thời gian thực hiện hợp đồng 530 ngày kể từ ngày thông báo thực hiện.

Ông Nguyễn Hữu Long, Giám đốc Ban QLDA6 cho biết, để đảm bảo tiến độ dự án, ngay sau khi ký hợp đồng, liên danh nhà thầu phải tập trung các nguồn lực, huy động máy móc, thiết bị, nhân lực để thi công đảm bảo tiến độ, chất lượng và tính thẩm mỹ của công trình.

Về phía liên danh nhà thầu, ông Nguyễn Tuấn Huỳnh, Tổng giám đốc Tập đoàn Cienco4 cam kết sẽ đảm bảo thi công gói thầu với tinh thần: “Nhanh, đẹp, an toàn”, vượt các chỉ tiêu đề ra, đáp ứng yêu cầu về thẩm mỹ tại dự án.

“Với kinh nghiệm thi công nhiều dự án lớn trên cả nước nói chung và tại địa bàn tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh nói riêng, liên danh nhà thầu sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan ban ngành và nhân dân địa phương để hoàn thành tốt nhiệm vụ tại dự án”, ông Huỳnh nói.

Trước đó, vào tháng 3/2018, Bộ giao thông vận tải (GTVT) đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ dừng thi công Dự án cầu Cửa Hội theo hình thức đầu tư BOT để chuyển sang đầu tư công.

Lý do Bộ GTVT đưa ra đó là nếu làm BOT dự án cầu Cửa Hội khoảng 1.050 tỷ đồng là không hợp lý, nảy sinh bất cập có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân và có khả năng không nhận được sự đồng thuận cao.

Cụ thể, hiện nay tại khu vực đã có 2 trạm BOT là Bến Thủy 1 và Bến Thủy 2. Nếu như cầu Cửa Hội lại tiếp tục đầu tư theo hình thức BOT thì sẽ xuất hiện thêm một trạm BOT nữa. Bên cạnh đó, thời gian gần đây việc thu phí dịch vụ BOT đường bộ đã gây bức xúc tại nhiều địa phương khi mà phí quá cao, đặt trạm nhiều, không phù hợp vị trí.

Ngoài ra, hiện nay tuyến đường ven biển chưa được nối thông nên hầu hết người dân địa phương sẽ lưu thông qua cầu Cửa Hội khi dự án này hoàn thành. Trong khi phần lớn là những người thuộc diện được miễn, giảm giá vé.

 Điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng hoàn vốn và phương án tài chính của dự án. Chính vì những lý do trên, Bộ GTVT đã thống nhất với 2 địa phương kiến nghị Thủ tướng cho dừng triển khai dự án cầu Cửa Hội theo hình thức BOT để chuyển sang hình thức đầu tư công.

Đến tháng 8/2018, Thủ tướng Chính phủ đồng ý điều chỉnh tên Dự án cầu Cửa Hội trên quốc lộ 8B, tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh trong danh mục kèm theo Quyết định số 1978/QĐ-TTg ngày 14/10/2016 về việc giao danh mục và mức kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ tiếp tục còn dư giai đoạn 2014-2016 của các dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên thành Dự án đầu tư xây dựng cầu Cửa Hội bắc qua sông Lam, tỉnh Nghệ An và tỉnh Hà Tĩnh.

Đến tháng 1/2019, Dự án tiếp tục được khởi động lại và chọn liên danh các nhà thầu uy tín để tiếp tục thi công dự án. Trước đó, dự án đã được khởi công từ tháng 8/2017.

Tin mới lên