Hai cây cầu trăm tỷ kết nối Bình Dương với TP. HCM và Tây Ninh
Cầu Bình Gởi và Thanh An (Bình Dương) đang khẩn trương thi công cùng hoàn thành vào năm 2025. Trong tương lai, Bình Dương sẽ có thêm 7 cây cầu kết nối TP.HCM và Tây Ninh.
UBND tỉnh Quảng Trị vừa có văn bản gửi Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T về việc chấp thuận nhà đầu tư lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cảng hàng không Quảng Trị.
Theo đó, UBND tỉnh Quảng Trị chấp thuận Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T là nhà đầu tư lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cảng hàng không Quảng Trị.
UBND tỉnh Quảng Trị yêu cầu chậm nhất đến ngày 17/5/2021, Công ty cổ phần Tập đoàn T&T phải nộp báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cảng hàng không Quảng Trị tại Ban quản lý dự án dầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Trị.
UBND tỉnh Quảng Trị cũng yêu cầu Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện và hoàn thành hồ sơ đề xuất dự án đầu tư để trình Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương có liên quan xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư đảm bảo thời gian quy định.
Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Trị mới đây, Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T cũng đã phối hợp với 3 đơn vị tư vấn, gồm: Công ty TNHH Nippon Koei Việt Nam International (NKI), Công ty TNHH MTV Thiết kế và tư vấn xây dựng công trình hàng không (ADCC), Tổng Công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải – CTCP lần lượt trình bày các phương án thiết kế cảng hàng không Quảng Trị.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị đề nghị đơn vị tư vấn tiếp thu ý kiến của các lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở, ban ngành để sớm hoàn thiện đồ án cảng hàng không Quảng Trị và các thủ tục liên quan khác nhằm khởi công dự án vào đầu tháng 9/2021.
Trước đó, hồi đầu tháng 4/2021, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có văn bản đồng ý giao UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, trình cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án sân bay Quảng Trị theo phương thức đối tác công - tư (PPP).
Thủ tướng cũng giao Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các bộ, ngành, địa phương liên quan căn cứ định hướng quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn 2021 - 2030 định hướng đến 2050 để xác định thời điểm đầu tư cảng hàng không Quảng Trị, đảm bảo hiệu quả, khả thi.
Hồi cuối tháng 1/2021, Bộ Giao thông Vận tải quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết cảng hàng không Quảng Trị giai đoạn đến năm 2030 tại xã Gio Quang và xã Gio Mai, huyện Gio Linh.
Theo phê duyệt, cảng hàng không Quảng Trị là cảng nội địa có tính chất sử dụng chung dân sự và quân sự, có tổng diện tích hơn 316ha. Cụ thể, diện tích khu hàng không dân dụng hơn 87ha, diện tích đất quân sự hơn 51ha, diện tích dùng chung hơn 177ha.
Cấp sân bay thuộc loại 4C theo mã tiêu chuẩn của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) và sân bay quân sự cấp II, có công suất 1 triệu hành khách/năm và 3.100 tấn hàng hóa/năm.
Loại tàu bay khai thác là code C hoặc tương đương. Sân bay có năm vị trí đỗ tàu bay code C (có khả năng đỗ tàu bay code E). Hệ thống đường cất hạ cánh gồm một đường cất hạ cánh theo hướng 04-22; kích thước 2.400m x 45m, lề vật liệu mỗi bên rộng 7,5m.
Hệ thống đường lăn gồm một đường lăn song song, chiều dài khoảng 711,5m. Còn có hai đường lăn nối từ đường cất hạ cánh vào đường lăn song song; hai đường lăn nối từ đường lăn song song vào sân đỗ máy bay.
Các đường lăn có chiều rộng 23m, lề vật liệu đường lăn mỗi bên rộng 5m. Cùng với đó là hệ thống tự động cảnh báo xâm nhập đường cất hạ cánh (ARIWS), hệ thống giám sát đa điểm (MLAT), hệ thống ra đa thời tiết, hệ thống giám sát bề mặt đường cất hạ cánh, hệ thống thiết bị phát hiện và xua đuổi chim khi có nhu cầu.
Các công trình quản lý, điều hành bay gồm: đài kiểm soát không lưu; đài dẫn đường VOR/DME; hệ thống thiết bị hạ cánh, hệ thống đèn tiếp cận, hệ thống quan trắc khí tượng tự động AWOS đồng bộ với đường cất hạ cánh. Quy hoạch khu phục vụ mặt đất gồm có nhà ga hành khách 2 cao trình với tổng công suất thiết kế đạt 1 triệu hành khách/năm và nhà ga hàng hóa.
Theo tính toán, để xây dựng cảng hàng không Quảng Trị đáp ứng quy mô quy hoạch nói trên cần khoảng 8.014 tỷ đồng; nguồn vốn dự kiến huy động từ ngân sách Nhà nước và vốn doanh nghiệp.
Cầu Bình Gởi và Thanh An (Bình Dương) đang khẩn trương thi công cùng hoàn thành vào năm 2025. Trong tương lai, Bình Dương sẽ có thêm 7 cây cầu kết nối TP.HCM và Tây Ninh.