Telegram tiết lộ thông tin người dùng với nhiều chính phủ từ năm 2018
(VNF) - Nhà sáng lập kiêm CEO của Telagram, ông Pavel Durov, cho hay nền tảng này đã hợp tác với các cơ quan chức năng trong các vụ án hình sự kể từ năm 2018.
- CEO Telegram bị truy tố nhiều tội danh, cấm rời khỏi Pháp 29/08/2024 10:55
Trong bài chia sẻ trên trang cá nhân ngày 2/10, ông Durov tiết lộ rằng dịch vụ nhắn tin Telagram đã tuân thủ chính sách bảo mật ở một số quốc gia và đã tiết lộ thông tin về tội phạm cho chính quyền trong 6 năm qua.
Tỷ phú công nghệ người Nga hiện vẫn không thể rời khỏi Pháp sau khi bị bắt tại Paris vào cuối tháng 8 và bị buộc tội nhiều tội danh như điều hành một nền tảng được sử dụng cho tội phạm có tổ chức và từ chối hợp tác với chính quyền Pháp.
Tuyên bố của ông Durov được đưa ra để phản hồi lại những lo ngại xung quanh chính sách bảo mật được Telegram cập nhật vào tháng trước.
Theo đó, trong thông báo đưa ra ngày 23/9, ông Durov cho biết Telegram hiện sẽ tiết lộ địa chỉ IP và số điện thoại của những người dùng vi phạm các quy tắc của ứng dụng cho các cơ quan có thẩm quyền "để đáp ứng các yêu cầu pháp lý hợp lệ". Điều này nhằm ngăn chặn "những kẻ xấu" "gây nguy hiểm cho tính toàn vẹn" của nền tảng này.
Nền tảng này cho biết họ sẽ tiết lộ tất cả dữ liệu người dùng được chia sẻ với các viên chức thực thi pháp luật trong các báo cáo minh bạch hàng quý.
Những người dùng coi trọng tính ẩn danh và quyền riêng tư đã bày tỏ lo ngại rằng những cập nhật đó có thể dẫn đến tác động tiêu cực đến quyền tự do ngôn luận. Khả năng thực thi pháp luật truy cập vào dữ liệu người dùng có thể ngăn cản cá nhân sử dụng nền tảng này cho mục đích giao tiếp riêng tư.
Trước thỏa thuận tiết lộ dữ liệu, nền tảng đã giới thiệu một tính năng cho phép người dùng báo cáo các cuộc trò chuyện riêng tư cho người kiểm duyệt. Điều đó cũng đánh dấu sự thay đổi so với lập trường trước đây của nền tảng rằng các cuộc trò chuyện riêng tư được bảo vệ khỏi các yêu cầu kiểm duyệt.
Những thay đổi gần đây có vẻ là nỗ lực của Telegram nhằm đối phó với áp lực pháp lý đang diễn ra, đặc biệt là sau vụ bắt giữ ông Durov tại Pháp vì những cáo buộc liên quan đến việc nền tảng này xử lý nội dung bất hợp pháp.
Trong bài đăng mới nhất trên trang cá nhân, CEO Telegram lưu ý rằng chính sách mới không cấu thành "sự thay đổi lớn" về cách thức hoạt động của Telegram và rằng họ đã chia sẻ với các cơ quan có thẩm quyền thông tin chi tiết về những tên tội phạm lạm dụng nền tảng này.
“Kể từ năm 2018, Telegram đã có thể tiết lộ địa chỉ IP/số điện thoại của tội phạm cho các nhà chức trách, theo Chính sách bảo mật của chúng tôi ở hầu hết các quốc gia”, ông Durov giải thích, đồng thời lưu ý rằng bất cứ khi nào nền tảng này nhận được “yêu cầu pháp lý được hình thành hợp lệ thông qua các đường dây liên lạc có liên quan”, họ sẽ xác minh yêu cầu đó và tiết lộ địa chỉ IP/số điện thoại của những tên tội phạm nguy hiểm.
Ông Durov tiết lộ rằng tại Brazil, Telegram đã tiết lộ dữ liệu cho hơn 200 yêu cầu pháp lý kể từ đầu năm và gần 7.000 yêu cầu tại Ấn Độ trong cùng kỳ.
Ông cũng lưu ý rằng đã có sự gia tăng về số lượng "yêu cầu pháp lý hợp lệ" ở châu Âu trong những tháng gần đây, cho thấy rằng điều này có thể là do nhiều cơ quan EU đã bắt đầu sử dụng đường dây liên lạc phù hợp cho các yêu cầu như vậy.
Ông Durov giải thích rằng bản cập nhật gần đây cho chính sách bảo mật của nền tảng này chỉ nhằm mục đích hợp lý hóa và thống nhất chính sách, đồng thời nhấn mạnh rằng các nguyên tắc cốt lõi của Telegram không hề thay đổi.
Ông Durov cho biết: “Chúng tôi luôn nỗ lực tuân thủ luật pháp địa phương có liên quan miễn là chúng không vi phạm các giá trị về tự do và quyền riêng tư của chúng tôi”.
Cách tiếp cận hiện nay của Telegram được cho là cân bằng quyền riêng tư của người dùng với việc tuân thủ pháp luật, đảm bảo rằng nền tảng này không trở thành nơi ẩn náu cho các hoạt động tội phạm.
Nhà sáng lập kiêm CEO của Telagram, ông Pavel Durov, đã bị bắt giữ sau khi hạ cánh tại một sân bay ở Paris vào cuối tháng 8 và được tại ngoại sau đó vài ngày. Ông bị buộc tội 12 tội danh, bao gồm đồng lõa trong việc phát tán nội dung khiêu dâm trẻ em, buôn bán ma túy và rửa tiền. Các tội danh này xuất phát từ cáo buộc rằng các quy tắc kiểm duyệt lỏng lẻo của Telegram cho phép dịch vụ nhắn tin này bị lạm dụng tràn lan.
Doanh nhân này đã kịch liệt phủ nhận các cáo buộc, nhấn mạnh rằng Telegram luôn nỗ lực làm việc với các cơ quan quản lý nhà nước để thiết lập "sự cân bằng phù hợp giữa quyền riêng tư và bảo mật". Ông cũng lưu ý rằng nền tảng này xóa "hàng triệu bài đăng và kênh có hại mỗi ngày" và công bố "báo cáo minh bạch hàng ngày" về các hành động chống lại việc phát tán nội dung bất hợp pháp.
Telegram nhượng bộ, đồng ý chuyển địa chỉ IP của 'kẻ xấu' cho chính quyền
Thâm nhập khu đất xây dựng Tổ hợp Hòa Xuân hơn 3.500 tỷ ở Đà Nẵng
(VNF) - Khu đất sắp đấu giá để thực hiện dự án Tổ hợp, thể thao giải trí và thương mại Hòa Xuân có diện tích rộng 101 ngàn m2.