Tài chính quốc tế

Thâm hụt ngân sách Mỹ tăng 23%, lập đỉnh gần 1.700 tỷ USD trong năm 2023

(VNF) - Ngày 20/10, Chính phủ Mỹ đã công bố mức thâm hụt ngân sách 1.695 tỷ USD trong năm tài chính 2023, tăng 23% so với năm trước do doanh thu giảm và chi tiêu cho An sinh xã hội, chương trình bảo hiểm sức khỏe (Medicare) và chi phí lãi suất liên bang cao kỷ lục, đi kèm là nợ tăng cao.

Thâm hụt ngân sách Mỹ tăng 23%, lập đỉnh gần 1.700 tỷ USD trong năm 2023

Thâm hụt ngân sách của Mỹ tăng lên gần 1.700 tỷ USD trong năm 2023.

Dữ liệu do Bộ Tài chính Mỹ công bố ngày 20/10 cho thấy mức thâm hụt tài chính của Washington đã tăng lên 1.695 tỷ USD trong năm tài chính 2023 (kết thúc vào ngày 30/9), tương đương 6,3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). 

Con số này tương đương với mức tăng 23% sau mức thâm hụt trong năm 2022 là 1.380 tỷ USD, chiếm 5,4% GDP. 

Đây cũng là mức thâm hụt cao thứ 3 trong lịch sử từng được ghi nhận, sau khoảng cách 2.780 tỷ USD do Covid gây ra vào năm 2021 và con số 3.130 tỷ USD vào năm 2020.

Thực tế, nếu loại trừ tác động của kế hoạch hỗ trợ khoản vay sinh viên của Tổng thống Joe Biden, mức thâm hụt thậm chí còn lớn hơn, thực tế tăng gấp đôi lên khoảng 2.000 tỷ USD.

Trong tháng 9, tháng cuối cùng của năm tài chính, thâm hụt đã giảm xuống 171 tỷ USD từ mức 430 tỷ USD vào tháng 9/2022.

Khoản thâm hụt xảy ra khi chính quyền của Tổng thống Biden yêu cầu Nghị viện chi 100 tỷ USD cho chi tiêu an ninh và viện trợ nước ngoài mới, bao gồm 60 tỷ USD cho Ukraine và 14 tỷ USD cho Israel, cùng với tài trợ cho an ninh biên giới của Mỹ và khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Khoản thâm hụt lớn có khả năng châm ngòi cho các "cuộc chiến tài chính" của ông Biden với các đảng viên Cộng hòa tại Hạ viện, những người có nhu cầu cắt giảm chi tiêu. Trước đó, Nghị viện Mỹ đã lâm vào bế tắc về kế hoạch chi tiêu vào tháng 9 vừa qua và suýt đưa chính phủ Mỹ tới mức đóng cửa.

Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen và Văn phòng Quản lý và Giám đốc Ngân sách Shalanda Young cho biết trong một tuyên bố chung: “Doanh thu giảm là nguyên nhân đáng kể dẫn đến thâm hụt năm 2023, nhấn mạnh tầm quan trọng của các chính sách do Tổng thống Biden ban hành và đề xuất nhằm cải cách hệ thống thuế”.

Chi tiêu tài chính năm 2023 giảm 137 tỷ USD, tương đương 2% so với năm trước xuống còn 6.134 tỷ USD, chiếm khoảng 22,8% GDP.

Trong năm tài chính 2023, tổng doanh thu đã giảm 457 tỷ USD, tương đương 9% so với năm tài chính 2022, xuống còn 4.439 tỷ USD, phần lớn là do các khoản thanh toán thuế thu nhập cá nhân không được khấu trừ giảm trong bối cảnh cổ phiếu và các tài sản tài chính khác hoạt động kém hơn khi lãi suất tăng.

Sự sụt giảm doanh thu khác bao gồm thu nhập của Cục Dự trữ Liên bang giảm 106 tỷ USD do tiền lãi trả cho khoản dự trữ ngân hàng đã làm giảm thu nhập từ danh mục đầu tư.

Chi tiêu An sinh xã hội tăng 10% lên 1.416 tỷ USD do chi phí sinh hoạt điều chỉnh theo lạm phát và chi tiêu cho chương trình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi Medicare tăng 4% lên 1.022 tỷ USD.

Chi phí lãi vay đối với khoản nợ liên bang hơn 33.000 tỷ USD cũng tăng mạnh, tăng 23% lên 879 tỷ USD, một mức kỷ lục. Theo một quan chức Bộ Tài chính, các khoản thanh toán lãi ròng, không bao gồm các khoản chuyển giao nội bộ chính phủ sang các quỹ tín thác, đã tăng 39% lên 659 tỷ USD, cũng là một kỷ lục.

Quan chức này cho biết tổng các khoản thanh toán lãi lên tới 3,28% tính theo tỷ trọng trong tổng sản phẩm quốc nội, cao nhất kể từ năm 2001 và tỷ trọng ròng ở mức 2,45% là cao nhất kể từ năm 1998.

Lãi suất đã tăng vọt trong một năm rưỡi qua khi Cục Dự trữ Liên bang tăng chi phí đi vay để làm chậm lạm phát. Chi phí lãi vay trung bình đối với khoản nợ tồn đọng của Kho bạc là 2,97% trong năm tài chính vừa qua, tăng từ mức 2,07% của năm trước.

Việc tăng lãi suất mạnh mẽ của Cục Dự trữ Liên bang đã dẫn đến chi phí nợ tăng cao, trở thành một trong những động lực chính của chi tiêu. 

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết: "Chính quyền Biden vẫn tập trung vào việc thúc đẩy nền kinh tế của chúng ta hướng tới tăng trưởng lành mạnh và bền vững. Khi chúng tôi làm như vậy, Tổng thống và tôi cam kết ứng phó với những thách thức tài chính trong thời dài hạn”.

Mặc dù thâm hụt ngày càng gia tăng trùng hợp với thời điểm nền kinh tế Mỹ đang có những động lực phục hồi đáng kinh ngạc nhưng nó cũng thể hiện những rủi ro tài chính dài hạn. Rủi ro này đã đưa đến những cảnh báo mới từ các nhà kinh tế, chính trị gia và các cơ quan xếp hạng tín dụng trong những tháng gần đây.

Xem thêm >> Thâm hụt thương mại Mỹ tăng lên mức cao kỷ lục trong tháng đầu năm

Tin mới lên