Tài chính tiêu dùng

‘Thanh toán bằng smartphone’ tại Việt Nam? Dễ gì!

Sáng ngày 13/9/2017, tại TP.HCM, công ty điện tử Samsung (Samsung Vina) lần đầu tiên công bố giải pháp thanh toán di động Samsung Pay tại thị trường Việt Nam, cho khách hàng là chủ thẻ của các ngân hàng tại Việt Nam.

‘Thanh toán bằng smartphone’ tại Việt Nam? Dễ gì!

Dịch vụ Samsung Pay đang được demo qua bản beta. Ảnh: Thịnh An

Samsung Pay đã làm tròn vai trò "mở đường" cho phương thức thanh toán mới: thanh toán bằng smartphone. Nhưng câu chuyện của tương lai, hành vi giao dịch này không hề đơn giản chút nào từ nối kết ngân hàng và người dùng.

Mở một lối đi

Ông Kim Cheol Gi, tổng giám đốc Samsung Vina, khẳng định: "Đây là ứng dụng thanh toán trên điện thoại di động đầu tiên tại thị trường Việt Nam, tôi tin Samsung sẽ mở ra một kỷ nguyên mới về thanh toán di động tại mảnh đất này". Hiện Samsung Pay chạy bản thử nghiệm (beta), còn chính thức áp dụng vào ngày 29/9/2017 trên toàn cõi Việt Nam.

Samsung Pay hoạt động trên nền tảng hạ tầng chuyển mạch tài chính và hạ tầng số hoá thanh toán của Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS), được kết nối với hệ thống các ngân hàng tại thị trường Việt Nam, để cung cấp dịch vụ thanh toán di động. 

Hiện tại NAPAS đã kết nối với sáu ngân hàng: Vietinbank, Vietcombank, BIDV, Sacombank, Shinhan Vietnam Bank và ABBank, để tham gia hình thức thanh toán này. Ông Kim Cheol Gi cam kết, Samsung Vina sẽ cùng với NAPAS mở rộng danh sách các ngân hàng khai thác ứng dụng Samsung Pay ngày càng dài hơn.

Hiện ứng dụng Samsung Pay được cài đặt sẵn trên hầu hết các dòng smartphone trung và cao cấp của Samsung, như: Galaxy S6edge+/ S7/ S7edge/ S8/ S8+, Note5, Note8 và một số mẫu smartphone Galaxy A.

Khi đã có ứng dụng Samsung Pay trên smartphone (mang thương hiệu Samsung), các chủ thẻ ATM của sáu ngân hàng thực hiện giao dịch thanh toán bằng Samsung Pay tại bất cứ máy POS (Point of Sale). 

Ông Lê Khôi Nguyên, giám đốc chiến lược sản phẩm ngành hàng di động của Samsung Vina cho biết, sau khi nhập các thẻ ATM mà khách hàng đang sử dụng vào chiếc smartphone Samsung, để sử dụng Samsung Pay, người dùng chỉ cần vuốt lên từ cạnh dưới màn hình điện thoại, thẻ ATM hoặc VISA sẽ hiện ra, khách hàng chọn thẻ để trả tiền. Tiếp tục nhập mã PIN của ứng dụng, chọn phương pháp xác thực (quét dấu vân tay, mống mắt hoặc nhập mã PIN), sau đó đưa chiếc smartphone vào gần khe kết nối bên hông của máy POS, khi máy nhận được tín hiệu kết nối từ Samsung Pay, nhập số tiền trả cho hoá đơn mua hàng.

Về mức độ an toàn, theo ông Nguyên, Samsung Pay sử dụng công nghệ số hoá Tokenization, với nền tảng bảo mật Samsung Knox và các phương pháp xác thực sinh trắc học (quét vân tay, quét mống mắt) hoặc mã PIN để thực hiện giao dịch. 

Về công nghệ kết nối với các máy POS tại các chuỗi bán lẻ hoặc các cửa hàng nhỏ, tiệm tạp hoá…, Samsung Pay sử dụng "truyền dữ liệu qua từ tính" (Magnetic Secure Transmission – MST) và công nghệ "giao tiếp không dây tầm gần" (Near Field Communication – NFC). Trong vài tháng nữa, Samsung Vina sẽ có hình thức online cho ứng dụng Samsung Pay để khách hàng trả tiền khi mua hàng hoá, dịch vụ online.

Nói thì dễ…

Có mặt tại sự kiện Samsung Vina công bố ứng dụng Samsung Pay, ông Phạm Tiến Dũng, vụ trưởng vụ Thanh toán của ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đánh giá: "Cách thức thanh toán của Samsung Pay sẽ giúp các ngân hàng tiết kiệm chi phí đầu tư, đẩy nhanh tốc độ triển khai và đa dạng hoá sản phẩm dịch vụ thanh toán theo xu hướng công nghệ di động". 

Bà Nguyễn Tú Anh, chủ tịch hội đồng quản trị NAPAS, chia sẻ: "Thanh toán di động là giải pháp thanh toán mới nhằm đơn giản hoá cuộc sống tài chính của người tiêu dùng. Giải pháp Samsung Pay cho phép kết nối thuận tiện hơn giữa các đơn vị cung cấp hàng hoá và dịch vụ, ngân hàng phát hành thẻ với người tiêu dùng".

Với một thị trường lên tới 104 triệu thẻ ATM như lời ông Nguyễn Trung Thành, phó tổng giám đốc Ngân hàng BIDV, là không gian vô cùng lớn cho các nhà đầu tư khai thác các giải pháp thanh toán công nghệ cao. Nhưng để chuyển hoá từ công nghệ thành một giải pháp cụ thể, là hành trình quá gian nan. 

Một chuyên gia tài chính nhận định: "Với các giải pháp thanh toán tài chính bằng công nghệ, không sợ về công nghệ mà là sợ… các ngân hàng không thích tham gia! Tôi không bất ngờ khi Samsung được cho phép triển khai ứng dụng này, vì tên tuổi của họ quá lớn. Nhưng còn các nhà cung cấp dịch vụ khác, chuyện kết nối không hề đơn giản". 

Ông dẫn chứng, để được ngân hàng Nhà nước chấp thuận, nhà cung cấp dịch vụ phải chứng minh về công nghệ, về bảo mật, mức độ an toàn cho khách hàng và quan trọng hơn cả là hệ thống ngân hàng. 

Đại diện một nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tài chính bằng công nghệ cao, tiết lộ: "Muốn mời gọi ngân hàng nào đó làm đối tác sẽ gặp nhiều khó khăn mà chính người trong cuộc không thể hiểu được". Có thể chỉ ra những dịch vụ Momo, Payoo, Zalo Pay… phải vất vả như thế nào trong nhiều năm mới nhận được "một vài cái gật đầu" từ phía ngân hàng.

Ngay cả với Samsung không hề dễ dàng khi triển khai dịch vụ Samsung Pay. Ông Vi Quốc Hoàn (Samsung Vina) cho biết, các hệ thống lớn không khó vì họ đã quen với hình thức "quẹt thẻ" khi mua sắm, "khó nhất là cửa hàng nhỏ lẻ. Phải biết cách kiên trì thuyết phục, chủ các cửa hàng mới chấp nhận vì họ sợ nhiều bề, từ an toàn thiết bị, cho đến hệ thống. Mà họ sợ cũng phải, vì đã có ai làm như thế này đâu", ông Hoàn chia sẻ.

Phải chờ hoạt động chính thức. Phải chờ mở rộng hệ thống ngân hàng… lúc đó mới biết có khách hàng đăng ký dịch vụ Samsung Pay hay không. Còn bây giờ, chỉ nói theo kiểu: "đếm cua trong lỗ"!

Tin mới lên