Thanh tra tại Công ty Thái Sơn: Góp vốn, chuyển nhượng cổ phần không minh bạch

Tuấn Dũng - 11/03/2019 13:04 (GMT+7)

Tại Kết luận thanh tra mới đây, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra việc Tổng công ty Thái Sơn (thuộc Bộ Quốc phòng) chuyển nhượng, thanh toán toàn bộ phần vốn góp tại Công ty Cổ phần Phát triển đầu tư Thái Sơn (gọi tắt là Công ty Thái Sơn) không đúng quy định, thiếu công khai, minh bạch.

VNF
Tổng công ty Thái Sơn (thuộc Bộ Quốc phòng) chưa làm đúng vai trò chủ sở hữu vốn nhà nước tại Công ty Cổ phần Phát triển đầu tư Thái Sơn

Thanh tra Chính phủ cho biết, tại thời điểm thành lập Công ty Thái Sơn tháng 9/2009 với vốn điều lệ là 20 tỷ đồng, Tổng công ty Thái Sơn đăng ký góp 10,2 tỷ đồng (chiếm 51% vốn điều lệ); 2 cá nhân góp vốn là bà Vũ Thị Hoa góp 4,9 tỷ đồng (chiếm 24,5% vốn điều lệ) và bà Vũ Thị Hoan góp 4,9 tỷ đồng (chiếm 24,5% vốn điều lệ). Trong 51% vốn góp đầu tư tại Công ty Thái Sơn, Tổng công ty Thái Sơn ủy quyền cho ông Đinh Ngọc Hệ đại diện 21% và ông Cung Đình Minh quản lý 30% nhưng không báo cáo và chưa có ý kiến chấp thuận bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, vi phạm quy định tại Khoản 6 Điều 16 Điều lệ về tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Thái Sơn ban hành kèm theo Quyết định số 15/2007/QĐ-BQP của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Ngày 28/11/2012, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Thái Sơn có quyết định chuyển nhượng 31% cổ phần tại Công ty Thái Sơn trị giá 6,4 tỷ đồng cho bà Lê Thị Thảo, sau đó bà Thảo nộp bằng tiền mặt và ghi tăng phần vốn góp của bà Thảo vào Công ty Thái Sơn. Tuy nhiên, qua kết quả kiểm tra của Thanh tra Chính phủ, việc chuyển nhượng cổ phần này không có biên bản họp đại hội đồng cổ đông, thực hiện thanh toán bằng tiền mặt, không đúng như thỏa thuận thanh toán bằng chuyển khoản. Việc làm này đã vi phạm quy định tại Điều 6 Nghị định số 222/2013/NĐ-CP về thanh toán bằng tiền mặt.

Tiếp đó, ngày 2/10/2017, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Thái Sơn có quyết định chuyển nhượng 20% cổ phần còn lại trị giá 25,2 tỷ đồng cho bà Lê Thị Thảo (cổ đông của Công ty Thái Sơn) mà không thông qua đấu giá công khai. Thanh tra Chính phủ kết luận, điều này là vi phạm quy định tại Khoản 2 Điều 31 Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, gây nguy cơ thất thoát vốn của Nhà nước. Qua đó cho thấy, Tổng công ty Thái Sơn chưa làm đúng vai trò chủ sở hữu vốn nhà nước tại Công ty Thái Sơn, trong đó có nhiệm vụ thanh, kiểm tra và đánh giá báo cáo tài chính hợp nhất của Tổng công ty theo quy định tại Khoản 7 Điều 16 Quyết định số 15/2007/QĐ-BQP của Bộ Quốc phòng.

Năm 2013, Công ty Thái Sơn tăng vốn điều lệ từ 20 tỷ đồng lên 120 tỷ đồng. Theo đó, số tiền tương ứng Tổng công ty Thái Sơn đăng ký góp vốn là 24 tỷ đồng. Thực tế, đến thời điểm thanh tra (tháng 6/2018), Tổng công ty Thái Sơn đã đăng ký góp vốn với tổng số tiền 34,2 tỷ đồng nhưng không thực góp. Việc làm này là vi phạm quy định tại Khoản 4 Điều 11 Luật Doanh nghiệp 2005.

Mặt khác, theo sổ sách kế toán của Công ty Thái Sơn, tại thời điểm tăng vốn điều lệ năm 2013, các cổ đông của công ty này chưa góp đủ vốn, đến năm 2016 mới góp đủ 120 tỷ đồng bằng tiền mặt. Trong đó, bà Lê Thị Thảo góp 37,2 tỷ đồng, bà Vũ Thị Hoa góp 41,4 tỷ đồng, bà Vũ Thị Hoan góp 41,4 tỷ đồng.

Thanh tra Chính phủ kết luận, việc góp vốn điều lệ không đúng và đủ theo thời hạn đăng ký kinh doanh là vi phạm quy định của Luật Doanh nghiệp 2005. Việc thực hiện góp vốn bằng tiền mặt, không phát sinh giao dịch bằng hình thức chuyển khoản qua ngân hàng của các cổ đông tại Công ty Thái Sơn là thiếu khách quan và minh bạch.

Theo Đấu thầu
Cùng chuyên mục
Tin khác