Tài chính quốc tế

Thế giới tuần qua: Chủ tịch Trung Quốc thăm Nga, CEO TikTok điều trần trước Nghị viện Mỹ

(VNF) - Trong tuần qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có chuyến công du tới Nga trong 2 ngày 20-22/3, khẳng định mối quan hệ khăng khít giữa 2 nước. Chuyến đi đem lại hơn một chục thỏa thuận thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực từ thương mại và công nghệ đến tuyên truyền nhà nước.

Thế giới tuần qua: Chủ tịch Trung Quốc thăm Nga, CEO TikTok điều trần trước Nghị viện Mỹ

Ảnh minh hoạ.

Chủ tịch Trung Quốc thăm Nga

Chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Nga đã bắt đầu vào thứ Hai (20/3).Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi ông Tập đắc cử Chủ tịch Trung Quốc nhiệm kỳ thứ 3, và là chuyến thăm cấp nhà nước tới Nga sau 10 năm.

Trước khi tới Nga, nhà lãnh đạo Trung Quốc đã viết một bức thư ca ngợi mối quan hệ Mỹ - Nga và được đăng tải trên khắp các trang tin truyền thông của hai quốc gia. Trong đó, chủ tịch Tập nêu rõ Trung Quốc và Nga là láng giềng lớn nhất của nhau, việc củng cố và phát triển quan hệ láng giềng tốt đẹp lâu dài với Nga là phù hợp với logic lịch sử và là sự lựa chọn chiến lược của Trung Quốc, điều này sẽ không bị thay đổi bởi bất kỳ diễn biến nào.

"Trung Quốc và Nga là láng giềng tốt, đối tác tin cậy. Trung Quốc sẵn sàng cùng Nga bảo vệ trật tự thế giới dựa trên luật pháp quốc tế", hãng thông tấn Nga TASS dẫn lời ông Tập nói sau khi đặt chân đến sân bay ngày 20/3.

Theo một danh sách của Điện Kremlin, các cuộc họp giữa 2 người đứng đầu đã đạt được hơn một chục thỏa thuận thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực từ thương mại và công nghệ đến tuyên truyền nhà nước. Tuyên bố trọng tâm của các nhà lãnh đạo tập trung vào việc hai nước sẽ “làm sâu sắc thêm” mối quan hệ của họ như thế nào.

Về vấn đề Ukraine, cả hai nhà lãnh đạo đều kêu gọi chấm dứt các hành động “làm gia tăng căng thẳng” và “kéo dài” cuộc chiến ở Ukraine. Các nhà lãnh đạo cũng kêu gọi NATO “tôn trọng chủ quyền, an ninh, lợi ích” của các quốc gia khác.

Trong tuyên bố chung, hai nhà lãnh đạo kêu gọi thúc đẩy một “thế giới đa cực”, đồng thời cam kết hợp tác để “bảo vệ hệ thống quốc tế” khỏi Mỹ. Hai lãnh đạo cũng công kích Washington, bao gồm cả việc “kêu gọi Mỹ ngừng phá hoại an ninh khu vực và quốc tế cũng như sự ổn định chiến lược toàn cầu để duy trì ưu thế quân sự đơn phương của riêng mình”.

“Cùng nhau, chúng ta nên thúc đẩy những thay đổi chưa từng xảy ra trong 100 năm qua. Hãy cẩn thận”, ông Tập nói khi bắt tay tạm biệt TT Putin.

Về quân sự và quốc phòng, ông Tập và ông Putin đều bày tỏ “quan ngại sâu sắc” trong tuyên bố chung về việc NATO “liên tục tăng cường quan hệ quân sự-an ninh với các nước châu Á-Thái Bình Dương” và cho biết họ “phản đối các lực lượng quân sự bên ngoài phá hoại hòa bình và ổn định khu vực”.

Nga và Trung Quốc cam kết “tăng cường hơn nữa sự tin tưởng lẫn nhau về mặt quân sự”, với lý do tăng cường trao đổi và hợp tác quân sự, đồng thời thường xuyên tổ chức các cuộc tuần tra chung trên biển và trên không.

Về kinh tế, cả hai nhà lãnh đạo cũng cho biết họ “sẽ xây dựng mối quan hệ đối tác năng lượng chặt chẽ hơn, hỗ trợ các công ty của cả hai nước trong việc thúc đẩy các dự án hợp tác về dầu mỏ, khí đốt, than đá, điện và năng lượng hạt nhân”.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt tay Tổng thống Nga Putin tại Điện Kremlin.

 

Fed tăng lãi suất lần thứ 9 liên tiếp 

Ngày 22/3, kết thúc cuộc họp chính sách thường kỳ kéo dài 2 ngày, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25%. Sau lần tăng mới nhất, lãi suất hiện tại đang ở phạm vi mục tiêu là 4,75% - 5%. Lãi suất hiện tại đang ở mức cao nhất từng được ghi nhận kể từ tháng 9/2007.

Đây là lần tăng lãi suất thứ 9 của Fed kể từ khi bắt đầu chương trình thắt chặt tiền tệ vào tháng 3/2022, đồng thời cũng là lần tăng lãi suất với mức 0,25% thứ 2 liên tiếp, sau lần tăng đầu tiền vào đầu tháng 2. 

Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 22/3, Chủ tịch Fed Jerome Powell nói ngân hàng trung ương có thể sắp kết thúc chu kỳ tăng lãi suất, tuy nhiên ông cho rằng cuộc chiến lạm phát vẫn chưa kết thúc.

“Quá trình đưa lạm phát trở lại mức 2% còn dài và nhiều khả năng sẽ gập ghềnh”, lãnh đạo Fed nhận định.

Được biết, Cục Dự trữ Liên bang dự báo sẽ tăng lãi suất thêm 1 lần nữa vào năm 2023, trước khi kết thúc cuộc chiến lạm phát. Theo đó, Fed giữ nguyên mức dự báo về tỷ lệ lãi suất đạt đỉnh là 5,1%, tương đương phạm vi mục tiêu là 5% - 5,25%. Như vậy, từ mức phạm vi hiện tại, ngân hàng trung ương Mỹ khả năng sẽ chỉ tăng nâng lãi suất thêm 0,25% trong năm nay.

Về rủi ro ngân hàng đang diễn ra, Chủ tịch Fed thừa nhận rằng các sự kiện gần đây có khả năng dẫn đến các điều kiện tín dụng thắt chặt hơn và đó có thể là lý do Fed đưa ra những quyết định lãi suất "nhẹ nhàng" hơn. Mặc dù vậy, Chủ tịch Fed cho biết "việc cắt giảm lãi suất không phải một kịch bản được cân nhắc" trong năm 2023.

“Hệ thống ngân hàng Mỹ hoạt động tốt và linh hoạt. Những phát triển gần đây có thể dẫn đến các điều kiện tín dụng chặt chẽ hơn đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp, đồng thời ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế, việc tuyển dụng và lạm phát. Mức độ của những tác động này là không chắc chắn. Ủy ban vẫn rất chú ý đến rủi ro lạm phát”, ông Powell phát biểu.

Hội nghị Nước Liên hợp quốc 2023 thông qua Chương trình nghị sự về nước

Ngày 24/3, Hội nghị Nước Liên hợp quốc 2023 đã chính thức kết thúc sau 3 ngày làm việc liên tiếp, thông qua Chương trình nghị sự về nước và nhiều cam kết ý nghĩa khác.

việc Hội nghị Nước LHQ 2023 thông qua Chương trình nghị sự về nước là một kết quả mang tính bước ngoặt, bao gồm gần 700 cam kết của các nước thành viên trong việc bảo vệ “nguồn tài nguyên chung toàn cầu quý báu nhất của nhân loại”.

Chương trình nghị sự này đề ra một loạt cam kết hành động có ý nghĩa quan trọng, từ việc lựa chọn thực phẩm thông minh hơn cho tới việc đánh giá lại tài nguyên nước như một động lực kinh tế và là một phần di sản văn hóa của hành tinh.

Tổng Thư ký LHQ António Guterres kêu gọi cộng đồng quốc tế khẩn trương hành động để điều chỉnh và bảo vệ nguồn tài nguyên nước nhằm ngăn chặn xung đột và đảm bảo sự thịnh vượng của thế giới trong tương lai. Theo người đứng đầu LHQ, nước xứng đáng được đặt vào vị trí trung tâm trong chương trình nghị sự chính trị toàn cầu và mọi hy vọng của nhân loại về tương lai phụ thuộc vào việc thế giới có thể đưa chương trình nghị sự nước vào cuộc sống theo hướng khoa học hay không.

Các đoàn tham dự hội nghị nhất trí rằng tài nguyên nước là một phần của Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững, đồng thời là một trong số 17 Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) trong bối cảnh thế giới đang chật vật ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu, khan hiếm nước và ô nhiễm hiện nay.

Phó Tổng thư ký LHQ phụ trách các vấn đề kinh tế và xã hội Li Junhua cho biết các cam kết của Chương trình nghị sự về nước bao gồm một loạt cam kết hành động, từ xây dựng năng lực đến xây dựng các hệ thống dữ liệu và giám sátnhằm hướng tới việc cải thiện khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng. Theo ông Li Junhua, một kết quả quan trọng khác của hội nghị là việc các đoàn đại biểu đã đề ra nhiều ý tưởng, khuyến nghị cũng như giải pháp để bảo vệ nguồn tài nguyên nước thông qua các phiên đối thoại cấp cao. Hội nghị Nước LHQ 2023 cho thấy quyết tâm chung của cộng đồng quốc tế nhằm khai thác và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên quý báu này cho thế giới ngày nay và các thế hệ tương lai.

Anh - EU chính thức ký thực thi Khuôn khổ Windsor

Ngày 24/3, tại London, Ngoại trưởng Anh James Cleverly và Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Maros Sefcovic đã chính thức ký thực thi Khung Thỏa thuận Windsor, nhằm giải quyết tình trạng bế tắc thương mại giữa London và Brussels kể từ sau khi Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) cho đến nay và khắc phục những bất cập trong Nghị định thư Bắc Ireland.

“Ủy ban hoan nghênh cách tiếp cận tích cực của cả hai bên và thông qua các thỏa thuận mới được đưa ra trong Khuôn khổ Windsor… Những thỏa thuận này sẽ giải quyết một cách dứt khoát những thách thức trong hoạt động của Nghị định thư về Ireland/Bắc Ireland trong 2 năm qua và các vấn đề hàng ngày mà người dân và doanh nghiệp ở Bắc Ireland phải đối mặt, đồng thời hỗ trợ và bảo vệ ‘Hiệp định ngày thứ Sáu Tốt lành’ trong tất cả các thành phần của nó, cũng như duy trì tính toàn vẹn của thị trường đơn lẻ của Liên minh Châu Âu và vị trí của Bắc Ireland trong thị trường nội bộ của Vương quốc Anh”, trích tuyên bố được đưa ra ngày 24/3.

Tuyên bố cũng nêu rõ: “Cả hai bên đã đồng ý hợp tác chặt chẽ và trung thực để thực hiện tất cả các yếu tố của Khung Thỏa thuận Windsor. Vương quốc Anh và EU cũng tái khẳng định ý định sử dụng tất cả các cơ chế có sẵn trong khung thỏa thuận để giải quyết và cùng nhau giải quyết mọi vấn đề liên quan có thể phát sinh trong tương lai”.

Trước đó, hôm 27/2, tại Lâu đài Windsor, Thủ tướng Anh Rishi Sunak và Chủ tịch EC Ursula von der Leyen đã đạt được nhất trí về Khuôn khổ Windsor, sau 2 năm đàm phán các thỏa thuận thương mại giữa London và Brussels. Ngày 22/3, Hạ viện Anh đã chính thức thông qua Khuôn khổ Windsor với sự ủng hộ áp đảo của các nghị sĩ dành cho thỏa thuận đã đạt được với EU.

CEO TikTok điều trần trước Nghị viện Mỹ

Ngày 23/3, CEO TikTok Shou Zi Chew (Thọ Tử Nhai) đã có phiên điều trần kéo dài gần 6 giờ đồng hồ trước Nghị viện Mỹ. Sự xuất hiện của CEO ứng dụng video hot nhất thế giới đã thu hút sự quan tâm của truyền thông trên toàn thế giới.

Shou Zi Chew - Thọ Tử Nhai, CEO TikTok.

Trong buổi điều trần, vị CEO nhận được nhiều câu hỏi từ các nhà lập pháp Mỹ và nhiệm vụ của ông là phải chứng minh ứng dụng của công ty mình không đem lại mối nguy an ninh cho Washington cũng như không tận dụng dữ liệu người dùng, nhằm ngăn chặn một lệnh cấm tiềm tàng từ phía Mỹ đối với ứng dụng có nguồn gốc Trung Quốc. 

Phiên điều trần kéo dài gần 6 giờ đã bắt đầu với lời kêu gọi cấm ứng dụng này ở Mỹ. Hạ nghị sĩ Đảng Cộng hòa Washington Cathy McMorris Rodgers, chủ tịch Ủy ban Thương mại và Năng lượng Hạ viện, đã mở đầu phiên điều trần hôm thứ Năm bằng cách nói với ông Shou: “Nền tảng của bạn nên bị cấm.”

Ông Chew nhấn mạnh sự độc lập của TikTok khỏi Trung Quốc và phát huy mối quan hệ với Mỹ. 

“Bản thân TikTok không có ở Trung Quốc đại lục, chúng tôi có trụ sở chính ở Los Angeles và Singapore, và chúng tôi có 7.000 nhân viên ở Mỹ hiện nay. Tuy nhiên, chúng tôi đã nghe thấy những lo ngại về khả năng truy cập không mong muốn vào dữ liệu của Mỹ và khả năng thao túng hệ sinh thái TikTok Mỹ. Chúng tôi đã giải quyết chúng bằng hành động thực tế”, ông Shou khẳng định.

Ông Chew đã cố gắng xoa dịu những lo ngại lâu nay về ứng dụng và gọi nỗi sợ hãi về việc chính phủ Trung Quốc truy cập dữ liệu người dùng của TikTok là “giả thuyết”.

Chew nói: “Tôi nghĩ rằng rất nhiều rủi ro được chỉ ra là rủi ro giả định và lý thuyết. Tôi chưa thấy bất kỳ bằng chứng nào. Tôi háo hức chờ đợi các cuộc thảo luận nơi chúng ta có thể nói về bằng chứng và sau đó chúng ta có thể giải quyết những lo ngại đang được nêu ra”.

Trong cuộc trao đổi với Hạ nghị sĩ Đảng Dân chủ California Anna Eshoo, ông Chew đã nói về những nỗ lực không ngừng của TikTok nhằm bảo vệ dữ liệu người dùng Mỹ và cho biết ông “không thấy bằng chứng nào cho thấy chính phủ Trung Quốc có quyền truy cập vào dữ liệu đó; họ chưa bao giờ hỏi chúng tôi, chúng tôi đã không cung cấp nó”.

Khi các nhà lập pháp đặt ra câu hỏi của họ về các hoạt động thu thập dữ liệu của TikTok, Shou Zi Chew cũng nhấn mạnh rằng dữ liệu mà TikTok thu thập là dữ liệu “thường được nhiều công ty khác trong ngành của chúng tôi thu thập”.

“Chúng tôi cam kết rất minh bạch với người dùng về những gì chúng tôi thu thập. Tôi không tin những gì chúng tôi thu thập được nhiều hơn hầu hết những người chơi trong ngành”, ông Shou nói.

Mặc dù an ninh quốc gia được cho là trọng tâm chính của phiên điều trần, nhưng nhiều nhà lập pháp cũng nêu bật những lo ngại về tác động của TikTok đối với trẻ em.

Về phần mình, TikTok đã ra mắt một số tính năng trong những tháng gần đây để cung cấp các biện pháp bảo vệ bổ sung cho người dùng trẻ tuổi, bao gồm đặt mặc định 60 phút mới cho giới hạn thời gian hàng ngày cho những người dưới 18 tuổi. Tuy nhiên, tính năng này đã bị loại bỏ sau khi bị chỉ trích alf quá "dễ dàng".

Màn điều trần của CEO TikTok bị các nhà lập pháp đánh giá là không tạo ra đột phá và bản thân ông Shou chỉ đưa ra những câu trả lời tránh né, không đúng trọng tâm. Tuy vậy, Nghị viện Mỹ sẽ vẫn tiếp tục xem xét trong thời gian tới về việc có đưa ra lệnh cấm TikTok tại Mỹ hay không.

Xem thêm >> Đối mặt nhiều cuộc điều tra, Donald Trump hết hy vọng tranh cử tổng thống Mỹ?

Tin mới lên