Tài chính quốc tế

Thế giới tuần qua: Động đất tàn phá Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, 30.000 người thiệt mạng

(VNF) - Trận động đất kinh hoàng tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria với con số thương vong lên tới gần 30.000 người đã trở thành tâm điểm chú ý trong tuần qua. Bên cạnh đó, chuyến công du châu Âu của Tổng thống Ukraine hay bài diễn văn Thông điệp Liên bang 2023 của TT Mỹ Joe Biden cũng thu hút dư luận.

Thế giới tuần qua: Động đất tàn phá Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, 30.000 người thiệt mạng

Một trong những hình ảnh đáng chú ý nhất tuần, ghi lại khoảnh khắc 2 em bé nạn nhân của trận động đất Thổ Nhĩ Kỳ nằm dưới đống đổ nát.

Động đất kinh hoàng tại Thổ Nhĩ Kỳ - Syria

Trận động đất mạnh 7,8 richter vào thứ Hai (6/2) đã khiến miền đông nam Thổ Nhĩ Kỳ và Syria chìm trong đổ nát. Tính đến sáng Chủ Nhật (12/2), thống kê số lượng người thiệt mạng tại trận động đất xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria ghi nhận hơn 28.000 người, và có thể sẽ sớm đạt mức 30.000 người.

Cụ thể, trận động đất xảy ra lúc 4h17 sáng (giờ địa phương), tâm chấn ở độ sâu khoảng 18 km gần thành phố Gaziantep của Thổ Nhĩ Kỳ, cách biên giới Syria khoảng 60 km. Con số thiệt hại về người và tài sản đã tăng lên nhanh chóng, trong bối cảnh lực lượng cứu hộ đang nỗ lực hết sức để xác định vị trí của những người sống sót bị mắc kẹt dưới đống đổ nát của hàng nghìn tòa nhà bị sập.

Đây được xem là trận động đất mạnh nhất trong gần một thế kỷ ở khu vực này. Giám đốc Viện Núi lửa và Địa chấn học Philippines, ông Renato Solidum, nhận định trên tờ The New York Times rằng năng lượng giải phóng ra từ trận động đất ở khu vực biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria tương đương 32 quả bom nguyên tử đã thả xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản cách đây gần 80 năm.

Ông Mustafa Erdik, Giáo sư tại Viện Nghiên cứu Động đất và Quan sát Kandilli của Đại học Bogazici ở Istanbul, nói với kênh Al Jazeera: “Một trong những lý do khiến số thương vong quá cao là do chất lượng kém của các tòa nhà”.

Liên hợp quốc (LHQ) cảnh báo ít nhất 870.000 người cần lương thực khẩn cấp ở hai quốc gia sau trận động đất, khiến 5,3 triệu người mất nhà cửa chỉ riêng ở Syria. Các dư chấn sau trận động đất mạnh 7,8 độ Richter hôm 6/2 đã làm tăng thêm số người chết và làm đảo lộn cuộc sống của những người sống sót.

Hiện Chương trình Lương thực Thế giới của LHQ đã kêu gọi 77 triệu USD để cung cấp khẩu phần lương thực cho ít nhất 590.000 người mới phải di dời ở Thổ Nhĩ Kỳ và 284.000 người ở Syria. Trong số đó, 545.000 người di tản ở trong nước và 45.000 người phải đi tị nạn.

Văn phòng nhân quyền của LHQ hôm 10/2 kêu gọi tất cả các bên trong khu vực bị ảnh hưởng - nơi các chiến binh người Kurd và quân nổi dậy Syria hoạt động - cho phép tiếp cận nhân đạo.

Ngoài ra, rất nhiều quốc gia trên thế giới cũng đã gửi lực lượng cứu hộ tới khu vực bị ảnh hưởng bởi động đất, chung tay giúp Thổ Nhĩ Kỳ tìm kiếm các nạn nhân và khắc phục hậu quả giữa điều kiện thời tiết khắc nghiệt.

Tổng thống Ukraine công du châu Âu

Trong chuyến công du nước ngoài thứ hai kể từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã chọn châu Âu làm điểm đến, trong bối cảnh Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt đầu tiên năm 2023 của Liên minh châu Âu (EU) diễn ra ngày 9 - 10/2.

Điểm đến đầu tiên của ông Zelensky là nước Anh. Ngày 8/2, Tổng thống Ukraine đã tới gặp mặt Thủ tướng Anh Rishi Sunak tại số 10 phố Downing và có bài phát biểu trước Nghị viện Anh. 

Trong những phát biểu đầu tiên trước các nghị sĩ Anh, Tổng thống Ukraine Zelensky nhấn mạnh: “London đã hỗ trợ Kiev ngay từ ngày đầu tiên, từ những phút giây đầu tiên của cuộc chiến”. Ông Zelensky không quên đề nghị London cung cấp thêm cho Ukraine máy bay chiến đấu mà ông gọi là "đôi cánh cho tự do", đồng thời kêu gọi London tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chuyển giao vũ khí của Anh, bao gồm cả vũ khí tầm xa và xe tăng.

Tối cùng ngày, nhà lãnh đạo Ukraine đã đến Paris, Pháp, và có cuộc gặp với Tổng thống nước chủ nhà Emmanuel Macron cùng Thủ tướng Đức Olaf Scholz, với nỗ lực vận động châu Âu viện trợ quân sự - kinh tế và gây sức ép để châu Âu đẩy nhanh quá trình kết nạp Ukraine làm thành viên của khối.

“Pháp và Đức có tiềm năng trở thành những người thay đổi cuộc chơi. Đó là điều tôi thấy trong cuộc đàm phán của chúng ta ngày hôm nay. Điều hiển nhiên là, nếu chúng tôi sớm có được vũ khí hạng nặng và tầm xa, các phi công của chúng tôi có được các dòng máy bay chiến đấu hiện đại, chúng tôi sẽ kết thúc nhanh chóng cuộc xung đột này”, Tổng thống Zelensky nhận định.

Đáp lại đề nghị từ phía Ukraine, Tổng thống Pháp Macron đã đưa ra cam kết rằng nước này sẽ tiếp tục hỗ trợ vũ khí, nhấn mạnh Ukraine có thể tin tưởng vào Pháp và các đối tác châu Âu cũng như các nước đồng minh. Trong khi đó, Thủ tướng Đức Scholz tuyên bố nước này và các đối tác đã và sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine.

Ngày 9/2, ông Zelensky đã có bài phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh của Nghị viện châu Âu. Trong bài phát biểu tại Brussels (Bỉ), Tổng thống UKraine Volodymyr Zelensky cảm ơn Nghị viện châu Âu vì sự giúp đỡ mà Ukraine nhận được cho tới nay, giúp nước này đối chọi với lực lượng Nga, đồng thời không quên đề nghị EU hỗ trợ thêm về mặt quân sự cũng như kinh tế.

Ukraine cũng đang thúc đẩy các cuộc đàm phán về tư cách thành viên Liên minh châu Âu (EU). Ukraine trở thành ứng cử viên gia nhập EU vào tháng 6/2022 nhưng quá trình gia nhập phải mất vài năm.

Chủ tịch Nghị viện châu Âu, bà Roberta Metsola, tuyên bố: "Ukraine là châu Âu và tương lai của đất nước các bạn là ở EU. Các quốc gia phải nhanh chóng xem xét bước tiếp theo là cung cấp các hệ thống tầm xa và máy bay phản lực mà ông cần để bảo vệ quyền tự do mà quá nhiều người đã coi là điều hiển nhiên".

Tổng thống Mỹ đọc Thông điệp Liên bang 2023

Ngày 8/2 (theo giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có buổi đọc Thông điệp Liên bang 2023 trước các nhà lập pháp Nghị viện, đánh dấu nửa chặng đường trong nhiệm kỳ của ông.

Ngoài những thành tựu sau 2 năm cầm quyền, nhà lãnh đạo Mỹ cũng đề cập tới các vấn đề cần được xử lý trong thời gian tới nhằm giúp nước Mỹ giữ vững vị thế hàng đầu trên thế giới.

Trong bài phát biểu Thông điệp Liên bang, Tổng thống Joe Biden đã trình bày một bức tranh lạc quan về những thành tựu mà chính quyền của ông và các đảng viên Đảng Dân chủ tại Nghị viện đạt được kể từ khi ông bước vào Nhà Trắng vào năm 2021.

Ông Biden tỏ ra lạc quan về các chính sách kinh tế của mình sau khi các báo cáo gần đây cho thấy tỷ lệ thất nghiệp đạt mức thấp nhất trong vòng nửa thế kỷ cũng như tăng trưởng việc làm mạnh mẽ, các dấu hiệu về lạm phát giảm, nhưng bài phát biểu của ông cho thấy tham vọng lớn hơn của ông là định hình lại nền kinh tế thành một nền kinh tế phát triển “từ dưới lên và từ giữa ra ngoài, không phải từ trên xuống”.

Tổng thống Mỹ cũng "gây chiến" với các đảng viên Cộng hòa, hiện đang chiếm đa số tại Hạ viện, về việc dỡ bỏ trần nợ của Mỹ và ủng hộ các chính sách thuế thân thiện hơn với tầng lớp trung lưu Mỹ.

Bài phát biểu Thông điệp Liên bang được coi là kế hoạch chi tiết cho chiến dịch tái tranh cử năm 2024 của ông Biden.

Trong Thông điệp Liên bang 2023, Tổng thống Mỹ tiếp tục kêu gọi đánh thuế cao hơn với người giàu; tăng lương cho người lao động; triển khai đạo luật ngăn ngừa phí "rác", loại phụ phí ẩn mà quá nhiều doanh nghiệp sử dụng để khiến người tiêu dùng phải trả nhiều tiền hơn; kiên quyết giải quyết các mối lo ngại về chống độc quyền.

Ngoài ra, Tổng thống cũng đề nghị Nghị viện Mỹ nhanh chóng thông qua việc nâng trần nợ, vốn đang gặp khúc mắc tại Hạ viện Mỹ, để giữ vững  "niềm tin và sự tín nhiệm hoàn toàn của Mỹ".

Về việc canh tranh và phát triển, đặc biệt với Trung Quốc, ông Biden khẳng định "không tìm kiếm xung đột" với Bắc Kinh, thay vào đó "đầu tư vào sự đổi mới của Mỹ, vào các ngành sẽ xác định tương lai và chính phủ Trung Quốc đang có ý định thống trị".

Ông Biden cũng khẳng định nước Mỹ đang ở "vị thế mạnh nhất trong nhiều thập kỷ để cạnh tranh với Trung Quốc hay bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới".

Nền kinh tế Malaysia phát triển nhanh nhất châu Á

Theo dữ liệu từ Cục Thống kê và Ngân hàng Negara Malaysia, trong năm ngoái, tổng sản phẩm quốc nội Malaysia (GDP) tăng 8,7%, cao nhất kể từ năm 2000; nền kinh tế ghi nhận tăng trưởng 7% quý IV, tốt hơn dự kiến.

Con số tăng trưởng của Malaysia trong năm 2022 đã giúp quốc gia này trở thành đất nước có nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu Á ở thời điểm hiện tại.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Malaysia, bà Nor Shamsiah Mohd Yunus phát biểu trong một cuộc họp báo tại Kuala Lumpur hôm thứ Sáu (10/2): “Rủi ro tăng trưởng vẫn sẽ xuất hiện do nhiều yếu tố bên ngoài. Tuy nhiên, những rủi ro này không đủ lớn để đẩy nền kinh tế vào suy thoái”.

Tuy vậy, nền kinh tế toàn cầu đang chậm lại, gây ảnh hưởng trực tiếp đến xuất khẩu. Tăng trưởng xuất khẩu tại Malaysia tháng 12 thấp hơn gần 6% so với kỳ vọng và chậm hơn đáng kể sau 16 tháng liên tiếp tăng trưởng ở mức hai con số.

Đồng thời, chuyên gia trong nước cho rằng, nền kinh tế Malaysia vào năm 2023 vẫn sẽ được thúc đẩy bởi nhiều tác nhân.

“Mặc dù chúng tôi dự đoán hoạt động sản xuất sẽ giảm trong năm nay, nhưng sự phục hồi của ngành dịch vụ, được thúc đẩy bởi sự hồi sinh của du lịch quốc tế, sẽ mang lại sự bù đắp đáng kể, đặc biệt là khi Trung Quốc đang tiến hành mở cửa biên giới trở lại”, ông Brian Tan, nhà kinh tế cấp cao tại Barclays Plc, đưa ra ý kiến.

Các nhà hoạch định chính sách của Malaysia đang chuyển trọng tâm sang việc bảo vệ nền kinh tế khỏi nhu cầu giảm sút toàn cầu. “Hiện tại, chính sách tiền tệ vẫn đang hỗ trợ nền kinh tế trong nước. Bên cạnh đó, Chính phủ Malaysia sẽ tiếp tục tiến hành điều chỉnh chính sách tiền tệ để đảm bảo tăng trưởng bền vững”, bà Nor Shamsiah Mohd Yunus nói.

Được biết, trong hai tuần nữa, Thủ tướng Anwar Ibrahim sẽ có thể công bố kế hoạch tài chính mới trong năm 2023, nội dung trọng tâm được dự đoán là nhằm thảo luận về chính sách kinh tế mới cũng như nợ công của Malaysia.

Xem thêm >> Một tuần căng thẳng: Mỹ bắn hạ 2 'vật thể tầm cao', trừng phạt 6 công ty Trung Quốc

Tin mới lên