Tài chính quốc tế

Thế giới tuần qua: Mỹ lật lại nghi vấn virus Corona từ phòng thí nghiệm Vũ Hán, Trung Quốc tăng trưởng âm

(VNF) - Mỹ ngừng tài trợ cho WHO, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sụt giảm chưa từng thấy vì Covid-19, Nhật Bản lần đầu ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc... là những tin tức quốc tế nổi bật trong tuần qua.

Thế giới tuần qua: Mỹ lật lại nghi vấn virus Corona từ phòng thí nghiệm Vũ Hán, Trung Quốc tăng trưởng âm

Mỹ kêu gọi Trung Quốc cấp quyền truy cập phòng thí nghiệm Vũ Hán để xác minh nguồn gốc của virus SARS-CoV-2 (Ảnh minh họa).

Mỹ lật lại nghi vấn virus Corona từ phòng thí nghiệm Vũ Hán

Tổng thống Donald Trump hôm 15/4 khẳng định chính phủ Mỹ đang điều tra xem liệu virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 có khởi nguồn từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán hay không.

Theo tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, “nguồn gốc của virus vẫn còn là một bí ẩn”. Ông Milley hôm 15/4 dẫn lời các tình báo Mỹ cho rằng, virus Corona cũng có khả năng xuất hiện trong tự nhiên, không phải được tạo ra từ phòng thí nghiệm nào đó ở Trung Quốc, nhưng cho đến nay chưa có gì chắc chắn.

Hãng tin Fox News mới đây cũng đăng tin cho rằng phòng thí nghiệm Vũ Hán là một phần trong nỗ lực của Trung Quốc để chứng minh khả năng xác định và chống lại virus không kém gì Mỹ.

Đây chỉ là một vài trong số các thông tin trên truyền thông Mỹ, theo đó đề cập tới khả năng virus SARS-CoV-2 được tạo ra trong phòng thí nghiệm tại Vũ Hán. Điều kiện an toàn thấp đã khiến con virus bị “xổng”, lây nhiễm cho những người dân lân cận khu chợ hải sản, và từ đó bắt đầu lây lan.

Trong một cuộc họp báo gần đây tại Nhà Trắng, khi được hỏi về thông tin trên, Tổng thống Trump khẳng định “chúng tôi đang điều tra kỹ lưỡng về giả thuyết khủng khiếp này”.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 17/4 đã kêu gọi Trung Quốc cấp cho Mỹ quyền truy cập phòng thí nghiệm Vũ Hán để xác minh nguồn gốc của virus SARS-CoV-2.

Nhật Bản lần đầu ban bố tình trạng khẩn cấp toàn quốc

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 16/4 tuyên bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 16/4 tuyên bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc sau khi số ca nhiễm tại nước này sắp chạm ngưỡng 10.000 và gần 200 trường hợp tử vong vì Covid-19.

Thủ tướng Abe cho biết tình trạng khẩn cấp toàn quốc sẽ kéo dài đến ngày 6/5 nhằm mục đích hạn chế người dân đi lại trong kỳ nghỉ Tuần lễ vàng (29/4, 3-6/5).

Bộ trưởng Y tế Nhật Katsunobu Kato cũng bày tỏ lo ngại về tốc độ lây lan đã tăng gấp 2,2 lần trong khoảng thời gian từ ngày 7/4 đến 15/4 nên chính phủ cần phải tăng cường biện pháp nhằm hạn chế người dân đi lại.

Cũng trong ngày 16/4, Thủ tướng Shinzo Abe cho biết Chính phủ Nhật Bản có kế hoạch hỗ trợ tiền mặt một lần cho toàn thể người dân nước này.

Theo đó mỗi người được nhận 100.000 yen (khoảng 930 USD) không phân biệt thu nhập, coi đây là một biện pháp giảm thiểu tác động của dịch bệnh Covid-19. Ước tính tổng chi phí cho kế hoạch trên khoảng 12.000 tỷ yen.

Thủ tướng Abe cho biết khoản chi hỗ trợ toàn thể người dân nói trên sẽ thay thế kế hoạch trước đó của chính phủ hỗ trợ 300.000 yen cho mỗi hộ gia đình có thu nhập giảm mạnh do dịch Covid-19 trong ngân sách bổ sung cho tài khóa 2020 dự kiến được trình Quốc hội Nhật Bản vào ngày 20/4 tới.

Mỹ ngừng tài trợ cho WHO

Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 14/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông đã chỉ đạo chính phủ tạm ngừng tài trợ cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để "bắt đầu tiến trình đánh giá vai trò của WHO trong việc quản lý không đúng và che đậy mức độ nghiêm trọng của Covid-19 tại Trung Quốc”. Tiến trình đánh giá sẽ kéo dài 60-90 ngày.

Tổng thống Trump lưu ý Mỹ mỗi năm cấp ngân sách cho WHO từ 400 đến 500 triệu USD trong khi Trung Quốc "chỉ đóng góp gần 40 triệu USD".

Nhà lãnh đạo Mỹ cho rằng “nếu WHO làm công việc của mình, đưa các chuyên gia y tế tới Trung Quốc đánh giá tình hình thực tế và chỉ ra sự thiếu minh bạch của Trung Quốc, dịch bệnh sẽ được kiểm soát ngay từ đầu với tổn thất rất nhỏ về sinh mạng”.

Phản ứng trước động thái này của Mỹ, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho rằng thời điểm này “không phải lúc cắt giảm các nguồn tài trợ cho WHO hoặc bất cứ tổ chức nhân đạo nào trong cuộc chiến chống Covid-19”, thay vào đó cộng đồng quốc tế đoàn kết để ngăn chặn virus SARS-CoV-2.

Về phía Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết Bắc Kinh thể hiện sự quan ngại sâu sắc trước tuyên bố ngừng tài trợ cho WHO của Mỹ.

Ông Triệu cho rằng quyết định của Mỹ sẽ làm suy yếu khả năng của WHO, tổn hại hợp tác chống dịch quốc tế, ảnh hưởng tới các nước trên thế giới, bao gồm cả nước Mỹ, đặc biệt là những nước nghèo. Do đó, Trung Quốc kêu gọi Mỹ nghiêm túc thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ của mình.

Trung Quốc lần đầu tăng trưởng âm trong gần 30 năm

Kinh tế Trung Quốc vẫn còn gặp nhiều thách thức khi người dân ngại chi tiêu và nhu cầu bên ngoài sụt giảm vì đại dịch.

Số liệu của Cục Thống kê Trung Quốc cho thấy Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc trong quý 1/2020 đã giảm 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là lần tăng trưởng âm đầu tiên của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới kể từ khi số liệu GDP hàng quý bắt đầu được thống kê.

Bên cạnh đó, doanh số bán lẻ quý I của Trung Quốc cũng giảm 19% so với năm ngoái. Sản lượng công nghiệp giảm 8,4%.

Quý cuối năm ngoái, Trung Quốc tăng trưởng 6%. Tuy nhiên, nền kinh tế lớn nhì thế giới lại chịu đòn giáng mạnh đầu năm nay, do đại dịch lan tràn khiến Bắc Kinh phải áp dụng phong tỏa và cách ly quy mô lớn trên cả nước. Trong hai tháng đầu, xuất khẩu và sản xuất đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.

Trung Quốc đến nay đã qua đỉnh dịch và mở cửa lại nền kinh tế. Tuy nhiên, nước này vẫn còn gặp nhiều thách thức, khi người dân ngại chi tiêu và nhu cầu bên ngoài sụt giảm vì đại dịch.

Một khảo sát gần đây của Reuters cũng cho thấy Trung Quốc có thể chỉ tăng trưởng 2,5% năm nay, giảm mạnh so với 6,1% năm ngoái.

Số người thất nghiệp tại Mỹ tăng cao kỷ lục

Khoảng 22 triệu người Mỹ đã đăng ký xin trợ cấp thất nghiệp từ ngày 14/3.

Việc các doanh nghiệp tiếp tục phải đóng cửa do Covid-19 đã khiến cuộc khủng hoảng mất việc ở Mỹ trở nên trầm trọng hơn khi thêm 5,2 triệu người vừa phải đăng ký trợ cấp thất nghiệp trong tuần qua.

Theo số liệu của bộ Lao động Mỹ, khoảng 22 triệu người đã đăng ký xin trợ cấp thất nghiệp, tương đương 13,5% lực lượng lao động, kể từ ngày 14/3. Đây là tỷ lệ mất việc cao nhất và tăng nhanh nhất ở Mỹ kể từ khi bộ Lao động nước này bắt đầu công tác lưu trữ số liệu từ năm 1967. Tại thời kỳ Đại suy thoái những năm đầu 1930, Mỹ mất 8,6 triệu việc làm trong vòng 2 năm.

Tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ tăng từ mức thấp kỷ lục 3,5% trong tháng 2 lên 4,4% trong tháng 3 và tỷ lệ này trong tháng 4 có thể lên tới hai con số. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng gia tăng tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ sẽ chỉ là tạm thời vì nhiều công việc bị mất sẽ được khôi phục khi cuộc củng hoảng Covid-19 kết thúc. Tuy nhiên, hiện mọi dự báo đều chưa có gì chắc chắn khi quá trình phục hồi kinh tế sẽ phải phụ thuộc vào diễn biến dịch bệnh.

Các bang và chính quyền địa phương đã đưa ra yêu cầu không rời khỏi nhà nếu không có việc cần thiết để ngăn Covid-19 lây lan. Quyết định này đã ảnh hưởng đến hơn 90% người dân Mỹ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 16/4 đã công bố hướng dẫn tái khởi động nền kinh tế sau Covid-19, cho rằng các bang nên mở cửa từng bước để người dân trở lại làm việc.

Xem thêm >> Ông Trump công bố kế hoạch ‘Mở cửa lại nước Mỹ’ sau thời gian ngắn áp lệnh phong tỏa

Tin mới lên