Tài chính quốc tế

Thế giới tuần qua: Mỹ - Trung 'ăn miếng trả miếng' , Indonesia đòi thay WHO

(VNF) - Trung Quốc đạt mức tăng trưởng trên 8%; ông Joe Biden hoàn thành năm đầu tiên của nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ với mức tín nhiệm thấp; các thông tin liên quan tới căng thẳng Nga-Ukraine và khu vực Trung Đông là những sự kiện nổi bật trong tuần qua.

Thế giới tuần qua: Mỹ - Trung 'ăn miếng trả miếng' , Indonesia đòi thay WHO

Tổng thống Joe Biden trong buổi họp báo ngày 20/1 kỷ niệm 1 năm nhiệm kỳ.

Trung Quốc vượt mức tăng trưởng 8% trong năm 2021

Ngày 17/1, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc đã công bố số liệu tăng trưởng kinh tế của quốc gia này, cho thấy mức tăng trưởng quý IV là 4%, trong khi mức tăng tưởng cả năm là 8,1%, vượt xa mục tiêu 6% được đặt ra ban đầu.

Đây là mức tăng trưởng hàng năm cao nhất trong gần 1 thập kỷ, một phần do cơ sở so sánh thấp của năm 2020, khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19 và các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt làm ảnh hưởng tới tiêu dùng.

Thông qua những con số thống kê, ông Ninh Cát Triết, Cục trưởng Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc khẳng định nền kinh tế Trung QUốc tiếp tục phục hồi trong năm 2021, đồng thời nhấn mạnh việc môi trường bên ngoài ngày càng nghiêm trọng và bất ổn, dẫn tới việc nền kinh tế trong nước phải đối mặt với 3 áp lực là “nhu cầu thu hẹp, cú sốc nguồn cung và kỳ vọng suy yếu”.

Mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu xuống còn 4,1% trong năm 2022, giảm 0,2% so với dự báo được đưa ra trước đó do diễn biến căng thẳng của tình hình đại dịch. Trong đó, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là Trung Quốc cũng sẽ chậm lại, ở mức 5,1% trong năm 2022 và 5,2% trong năm tiếp theo.

Theo các nhà kinh tế dự đoán việc tăng trưởng chậm chạp sẽ dẫn đến các chính sách nới lỏng tiền tệ và hỗ trợ tài khóa trong năm 2022, sau khi chính phủ Trung Quốc cam kết duy trì sự ổn định kinh tế vào tháng trước.

Giá dầu thô lên cao nhất trong hơn 7 năm

Ngày 18/1, giá dầu thô thế giới đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2014 do lo ngại về khả năng gián đoạn nguồn cung sau khi nhóm Houthi của Yemen tấn công Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), làm leo thang xung đột giữa nhóm liên kết với Iran và liên minh do Ả Rập Xê-út dẫn đầu.

Giá dầu thô Brent tăng 1,01 USD, tương đương 1,2%, lên 87,48 USD/thùng vào lúc 3h16 (giờ Mỹ), sau khi chạm đỉnh 87,55 USD trước đó, mức cao nhất kể từ ngày 29/10/2014.

Giá dầu thô kỳ hạn Tây Texas Intermediate (WTI) của Mỹ tăng 1,32 USD, tương đương 1,6%, từ ngày 14/1 lên mức cao nhất trong 3 tháng là 85,14 USD/ thùng.

Nguyên nhân dẫn tới việc giá dầu liên tục bị đẩy lên cao bao ảnh hưởng bởi nhiệt độ mùa đông lạnh hơn tại Bắc bán cầu dẫn tới tăng nhu cầu về nhiên liệu sưởi ấm, các quốc gia sản xuất dầu mỏ OPEC thắt chặt nguồn cung và căng thẳng địa chính trị tại Trung Đông.

Được biết, nhóm Hothi thực hiện các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa gây ra vụ nổ trong xe tải chở nhiên liệu và giết chết 3 người tại UAE, sau đó cảnh báo họ có thể nhắm mục tiêu vào nhiều cơ sở nhiên liệu hơn, trong khi UAE cho biết họ bảo lưu quyền "đáp trả các cuộc tấn công khủng bố này".

Cảnh tượng đổ nát sau khi nhóm Houthi tấn công UAE. (Ảnh: Financial Times)

Tổng thống Joe Biden kết thúc năm nhiệm kỳ đầu tiên với số phiếu tín nhiệm thấp

Trưa 20/1/2021, ông Joe Biden đã chính thức tuyên thệ nhậm chức Tổng thống thứ 46 của Mỹ tại Nhà Trắng với các cam kết “đảm bảo tương lai cho nước Mỹ”.

Năm đầu tiên của Tổng thống Biden là một năm bận rộn và khó khăn, trong đó ông phải đối mặt với đại dịch toàn cầu tiếp diễn, lạm phát gia tăng, sự kết thúc của cuộc chiến dài nhất của đất nước tại Afghanistan, việc thông qua luật cơ sở hạ tầng và sự đình trệ của chương trình biểu quyết và xã hội cùng nhiều thách thức khác.

Sau 1 năm trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Joe Biden, một nửa số người Mỹ cho biết họ thất vọng với hiệu suất của ông và không hài lòng với cách xử lý nền kinh tế, tỷ lệ lạm phát cao và đại dịch Covid-19, theo một cuộc thăm dò của CBS News và YouGov, được công bố ngày 16/1.

Khi được hỏi về cảm nhận sau 1 năm tổng thống Biden lên nắm quyền, 50% số người được hỏi cho biết họ “nản lòng”, 49% nói “thất vọng” và 40% cảm thấy “lo lắng”, chỉ 25% nhận định bản thân “bình tĩnh” và “thoải mái” với vị Tổng thống đương nhiệm.

Theo CBS News, mức tín nhiệm mà người dân Mỹ dành cho tổng thống Joe Biden sau 1 năm nhiệm kỳ hiện là 44%. Mức cao nhất ông Biden nhận được là mức tín nhiệm 62% vào tháng 3/2021 và bắt đầu giảm mạnh từ tháng 10/2021.

So sánh với với các tổng thống nhiệm kỳ trước đó, mức tín nhiệm sau 1 năm ông Biden tại vị thấp hơn mức tín nhiệm 50% của cựu tổng thống Obama, nhưng vẫn cao hơn mức 37% của ông Donald Trump.

Trong buổi họp báo kỷ niệm 1 năm nhiệm kỳ tại Nhà Trắng, ông Biden cho biết sẽ tiếp tục kiên định với các việc bản thân đang theo đuổi, cho rằng mình không nhận được sự hợp tác từ các đảng viên Cộng hòa tại Quốc hội, đồng thời hứa hẹn sẽ đấu tranh để đạo luật “Build Back Better” được thông qua.

Indonesia đề xuất “thay thế” WHO

Ngày 20/1, phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), tổng thống Indonesia Joko Widodo đã bày tỏ ý kiến về việc thành lập một cơ quan y tế toàn cầu mới khi quốc gia này giữ chức chủ tịch G20.

Tổng thống Joko cho biết cơ quan này sẽ tăng cường "khả năng phục hồi sức khỏe" của thế giới và giúp làm cho hệ thống y tế toàn cầu hòa nhập hơn và phản ứng nhanh hơn với các cuộc khủng hoảng.

“Nhiệm vụ của tổ chức này là huy động các nguồn lực y tế thế giới, bao gồm tài trợ cho các trường hợp khẩn cấp về y tế, mua vắc xin, thuốc men và thiết bị y tế”, theo tổng thống Indonesia.

Cũng theo ông Joko, nguyên nhân dẫn tới việc thúc đẩy thành lập tổ chức y tế thế giới mới là do WHO cho thấy năng lực hạn chế để đối phó với đại dịch Covid-19 và “vai trò của WHO vẫn chưa bao hàm nhiều khía cạnh chiến lược đối với thế giới”.

Tổng thống Indonesia kêu gọi các nền kinh tế lớn trên thế giới đồng tài trợ cho sáng kiến này và đạt được thỏa thuận trong thời gian Indonesia làm chủ tịch G20 năm nay, với khẩu hiệu chính thức là "Cùng nhau phục hồi, phục hồi mạnh mẽ hơn", trọng tâm là kiến trúc y tế toàn cầu, quá trình chuyển đổi sang năng lượng bền vững và chuyển đổi kỹ thuật số.

Mỹ - Trung Quốc “ăn miếng trả miếng” vì đình chỉ bay

Ngày 21/1, Bộ Giao thông vận tải Mỹ tuyên bố đình chỉ 44 chuyến bay do các hãng hàng không Trung Quốc thực hiện, bao gồm Xiamen, Air China, China Southern Airlines và China Eastern Airlines, nhằm đáp trả lại hành động tương tự của Trung Quốc trước đó.

Theo đó, kể từ ngày 31/12, các nhà chức trách Trung Quốc đã đình chỉ 20 chuyến bay của United Airlines, 10 chuyến của American Airlines và 14 chuyến bay của Delta Air Lines từ Mỹ tới Trung Quốc, sau khi một số hành khách có kết quả dương tính với Covid-19.

Bộ Giao thông vận tải Mỹ chỉ trích hành động của Trung Quốc là "bất lợi cho lợi ích công cộng và đảm bảo hành động khắc phục hậu quả tương xứng, đồng thời cho biết sẵn sàng xem xét lại hành động của mình nếu Trung Quốc sửa đổi "các chính sách của họ để mang lại tình hình cải thiện cần thiết cho các tàu bay của Mỹ." Tuy nhiên, nếu Trung Quốc hủy thêm chuyến bay, "chúng tôi có quyền thực hiện thêm các hành động khác".

Ngày 21/1, ông Liu Pengyu, phát ngôn viên của Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington cho biết chính sách đối với các chuyến bay chở khách quốc tế đến Trung Quốc "được áp dụng bình đẳng cho các hãng hàng không Trung Quốc và nước ngoài một cách công bằng, công khai và minh bạch", nhằm minh chứng Trung Quốc không hề có ý định riêng khi nhằm vào Mỹ.

Vì vậy, với động thái đáp trả từ phía nước bạn, ông Lin cho rằng đây là hành động "rất phi lý" và nói thêm: "Chúng tôi kêu gọi phía Mỹ ngừng gây rối và hạn chế các chuyến bay chở khách bình thường của các hãng hàng không Trung Quốc".

Xem thêm >> Ủy ban châu Âu: Sẽ tham vấn với Ukraine trước khi phê duyệt Dòng chảy phương Bắc 2

Tin mới lên