Tài chính quốc tế

Thế giới tuần qua: Nga tấn công Ukraine, kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng

(VNF) - Bên cạnh những tin tức liên quan tới dịch bệnh Covid-19, việc Nga mở “chiến dịch đặc biệt” tại Ukraine cùng những biến động tới kinh tế toàn thế giới là tâm điểm chú ý trong tuần qua.

Thế giới tuần qua: Nga tấn công Ukraine, kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng

Tin tức Nga tấn công Ukraine là sự kiện hàng đầu tuần qua.

Căng thẳng Nga – Ukraine leo thang thành chiến tranh

Sự kiện hàng đầu chiếm trọn sự chú ý của thế giới trong tuần qua chắc chắn thuộc về căng thẳng giữa Nga và Ukraine. Vốn đã trở nên vô cùng căng thẳng trong nhiều tuần gần đây, không bất ngờ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đưa ra những quyết định khiến cuộc khủng hoảng leo thang thành chiến sự tại quốc gia Đông Âu.

Tối 21/2 (giờ Nga), Tổng thống Putin đã ký sắc lệnh công nhận độc lập hai khu vực ly khai Donetsk và Lugansk ở Donbass (đông Ukraine) là hai quốc gia độc lập và yêu cầu Bộ Ngoại giao Nga thiết lập quan hệ ngoại giao với hai thực thể này.

Đồng thời, người đứng đầu chính phủ Nga cũng quyết định đưa quân tới 2 khu vực này, đẩy cuộc căng thẳng lên mức cao nhất trong nhiều tuần, khiến Mỹ và các đồng minh quyết định ra nhiều đòn trừng phạt nhắm vào kinh tế Nga.

Chưa dừng lại, tối 23/2, ông Putin tuyên bố sẽ triển khai "chiến dịch đặc biệt nhằm bảo vệ người dân" ở Cộng hòa nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng và Cộng hòa nhân dân Luhansk (LPR), khởi đầu cho cuộc xung đột quân sự giữa 2 quốc gia.

Hành động của Nga đã vấp phải sự chỉ trích nặng nề của các quốc gia phương Tây, bị lên án là "sự vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế."

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ban hành một lệnh hành pháp để "cấm đầu tư, thương mại và tài chính của công dân Mỹ liên quan đến cái gọi là Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) và Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LNR) tại Ukraine".

Chính quyền Biden cũng đề xuất mở rộng lệnh cấm xuất khẩu công nghệ mới và cắt đứt khả năng tiếp cận USD của các công ty Nga, thậm chí tuyên bố sẽ đóng băng tài sản và lợi ích tại Mỹ của tổng thống Putin cũng như các quan chức cấp cao Nga.

Các quan chức hàng đầu của EU cho biết khối sẽ áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với những người liên quan đến việc công nhận LPR và DPR. Mới đây nhất, EU cho biết sẽ tiến hành trừng phạt các ngân hàng cũng như các tỷ phú lớn của Nga, đóng băng tài sản ở châu Âu liên quan đến Tổng thống Nga Putin và Ngoại trưởng Lavrov, đình chỉ tư cách thành viên của Nga trong khối.

Nhật Bản cấm phát hành trái phiếu của Nga trong nước và sẽ đóng băng tài sản của một số cá nhân Nga được chọn, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết.

Anh công bố kế hoạch nhắm vào giới tinh hoa và các ngân hàng của Nga, trong khi Đức chính thức tuyên bố dừng dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2). Ngày 25/2, chính phủ Anh ra lệnh đóng băng tài sản của Tổng thống Putin và Ngoại trưởng Lavrov, và cấm các máy bay tư nhân của Nga vào không phận Anh.

Canada sẽ cấm người Canada mua trái phiếu chủ quyền của Nga, Thủ tướng Canada Justin Trudeau tuyên bố ngày 22/2.

Mặc dù đưa ra nhiều biện pháp trừng phạt đối với Nga, song cả Mỹ và EU đều thống nhất chưa loại Nga ra khỏi hệ thống thanh toán SWIFT vào thời điểm này do đã có các biện pháp trừng phạt thích đáng khác và hạn chế làm ảnh hưởng tới các quốc gia châu Âu.

Đáp lại những biện pháp trừng phạt được đưa ra, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova khẳng định Tổng thống Putin và Ngoại trưởng Lavrov không có tài sản ở bên ngoài nước Nga đồng thời cho rằng "các biện pháp trừng phạt nhằm vào tổng thống và ngoại trưởng của một quốc gia là ví dụ minh chứng cho sự bất lực hoàn toàn trong chính sách đối ngoại”.

Tuy nhiên, phía Nga mới đây cũng phát tín hiệu cho thấy sẵn sàng đàm phán với Ukraine về việc ngừng chiến sau nhiều lần kêu gọi của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, với điều kiện phía Ukraine hạ vũ khí.

Thủ đô Kyiv của Ukraine trong ngày Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố mở chiến dịch đặc biệt vào miền đông Ukraine. 

Tình hình dịch Covid-19: Đỉnh dịch chuyển từ châu Âu về châu Á

Tính tới 8h30 sáng 26/2 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 433.521.915 ca mắc Covid-19, trong đó có 5.956.512 ca tử vong, theo trang thống kê worldometers.

Hơn 362,96 triệu bệnh nhân đã được chữa khỏi trong khi vẫn còn hơn 64,6 triệu bệnh nhân đang được điều trị.

Theo hãng tin AP, số ca trung bình hằng ngày trên toàn cầu đã giảm 16% xuống 1,66 triệu, đánh dấu tuần thứ 4 liên tiếp có số ca bệnh mỗi ngày giảm.

Số ca mắc mới nhìn chung giảm ở nhiều nước và khu vực: Trung Đông giảm 39%, Mỹ - Canada giảm 37%, châu Phi và khu vực Mỹ Latin - Caribe giảm hơn 24%.

Trái lại với các quốc gia châu Âu đã dần trở lại trạng thái bình thường, đỉnh dịch có xu hướng chuyển dần sang châu Á, với số ca mắc mới tại khu vực này tăng gần 20%. Trong đó, Hong Kong là khu vực có số ca mắc tăng nhiều nhất và vượt mức 10.000 ca/ngày vào ngày 25/2. Số ca mắc bệnh tại Hong Kong tăng 331% so với tuần trước, khiến giới chức thành phố phải tăng cường các yêu cầu kiểm tra và giãn cách xã hội.

Tính từ đầu đại dịch, Mỹ là quốc gia có tổng số ca mắc nhiều nhất thế giới với trên 80,4 triệu ca mắc Covid-19 và trên 971.000 ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với trên 42,9 triệu ca mắc và trên 513.000 ca tử vong. Đứng thứ ba là Brazil với trên 28,6 triệu ca mắc và trên 648.000 ca tử vong.

Ở thời điểm hiện tại, biến thể phụ của Omicron với tên gọi BA.2 đang lan rộng trên toàn cầu và được dự đoán sẽ sớm trở thành biến chủng thống trị trong thời gian tới.

BA.2 hiện là biến thể hàng đầu ở ít nhất 18 quốc gia và nhanh chóng lan rộng, chiếm 35% tổng số ca mắc mới đã được xác định trình tự gen trên toàn thế giới, tăng từ 10 quốc gia và 21% số ca vào tuần trước, theo dữ liệu mới từ Tổ chức Y tế Thế giới WHO.

Giá dầu, khí đốt tăng đột biến

Trước tình hình bất ổn xảy ra tại Ukraine cùng những hành động mới của Nga – quốc gia sản xuất dầu mỏ thứ 2 thế giới, giá dầu và khí đốt đã có mức tăng đột biến.

Ngày 24/2, ngay sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố phê chuẩn một chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm bảo vệ 2 nước cộng hòa tự xưng tại Donbass, miền Đông Ukraine, giá dầu đã lập tức tăng vọt, vượt ngưỡng 100 USD/thùng. Cụ thể, giá dầu Brent vượt ngưỡng 100 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 9/2014, còn giá dầu WTI lên hơn 96 USD/thùng.

Trước những diễn biến quân sự mới của Nga tại Ukraine, các chuyên gia dự đoán giá dầu có thể giữ ở mức cao, thậm chí vượt ngưỡng 120 USD/thùng nếu chiến sự trở nên căng thẳng.

Tuy nhiên, trước các đòn trừng phạt phương Tây nhắm vào Nga, cùng với thông báo sẵn sàng đàm thoại với Ukraine của Nga, giá dầu đã dần giảm xuống dưới 100 USD, mặc dù vẫn ở mức cao trên 90 USD.

Giá dầu ngày 25/2 đã giảm, hợp đồng dầu thô Brent giao tháng 4 đã giảm 1,15 USD, tương đương 1,2%, xuống 97,93 USD/thùng, sau khi leo lên mức 101,99 USD/thùng. Hợp đồng tháng 5 giảm 1,30 USD, tương đương 1,4%, xuống 94,12 USD/thùng.

Dầu thô WTI cũng giảm 1,22 USD, tương đương 1,3%, xuống 91,59 USD/thùng, sau khi chạm mức cao nhất trong phiên là 95,64 USD/thùng.

Tính cả tuần, dầu Brent tăng khoảng 4,7%, trong khi WTI trên đà tăng khoảng 0,6%.

Tính tới sáng 26/2, giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giao tháng 3 ở mức 91,59 USD/thùng. Cùng thời điểm, giá dầu thô Brent giao tháng 4 ở mức 98,57 USD/thùng.

Tương tự giá dầu, giá khí đốt trong tuần cũng giữ vững mức tăng. Tuy nhiên, đến sáng 26/2, giá khí đốt giảm hơn 3% xuống 4,41 USD/mmBTU đối với hợp đồng khí gas tự nhiên giao tháng 3/2022 vào lúc 10h30 (giờ Việt Nam).

WTO, IMF cảnh báo rủi ro kinh tế toàn cầu từ cuộc xung đột Nga – Ukraine

Ngày 25/2, trong buổi họp trực tuyến với Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva, Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Ngozi Okonjo-Iweala cảnh báo về những ảnh hưởng đối với kinh tế từ cuộc xung đột tại Ukraine – quốc gia xuất khẩu lúa mì lớn trên thế giới.

Cả Nga và Ukraine đều là những quốc gia cung cấp sản phẩm lúa mì cho lượng lớn các quốc gia trên thế giới, vì thế cuộc xung đột có thể dẫn tới giá cả sản phẩm từ ngũ cốc, lúa mì và cả chi phí vận chuyển.

Theo người đứng đầu WTO, cuộc xung đột sẽ làm ảnh hưởng tới giá lúa mì và các sản phẩm từ lúa mì, đồng thời rủi ro kinh tế sẽ “vượt ra khỏi Ukraine” và ảnh hưởng tới quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu hậu Covid-19.

Ngoài các vấn đề nông nghiệp, cuộc xung đột đã tao ra những hệ quả ngay lập tức về giá năng lượng và chứng khoán toàn cầu, đồng thời tạo ra nhiều rủi ro cho các nền kinh tế trên toàn thế giới.

Tổng Giám đốc IMF nhận định: "Cuộc xung đột sẽ khiến cho nền kinh tế toàn cầu bất ổn, làm suy yếu niềm tin vào các thị trường mới nổi khác. Chúng tôi thấy dòng tiền chảy ra từ các thị trường mới nổi, trong khi đó chúng tôi cần điều ngược lại".

Xem thêm >>Mỹ đề xuất đưa đến nơi an toàn, Tổng thống Ukraine nói ‘cần đạn dược chứ không cần sơ tán”

Tin mới lên