Tài chính quốc tế

Thế giới tuần qua: Ông Trump dọa áp thuế EU-Trung Quốc, Nga ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia

(VNF) - Tổng thống Mỹ Donald Trump dọa đánh thuế hàng hóa EU, Trung Quốc vì tôm hùm; Mỹ gửi công hàm lên Liên hợp quốc (LHQ) bác yêu sách phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông; Nga ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia vì sự cố tràn dầu… là những tin tức quốc tế nổi bật trong tuần qua.

Thế giới tuần qua: Ông Trump dọa áp thuế EU-Trung Quốc, Nga ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia

Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Tổng thống Trump dọa áp thuế EU, Trung Quốc

Trong cuộc họp với các đại diện nghề cá tại thành phố Bangor, bang Maine, ngày 5/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ thị Cố vấn Thương mại Peter Navarro xem xét áp thuế đối với ôtô của các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) và các sản phẩm Trung Quốc chưa xác định.

Phát biểu trong cuộc họp, nhà lãnh đạo Mỹ nói rằng EU "tồi tệ gần bằng Trung Quốc trong lĩnh vực thương mại" và cảnh báo nếu EU không giảm thuế với tôm hùm Mỹ “ngay lập tức”, Mỹ sẽ áp thuế lên ôtô của EU .

Tổng thống Mỹ nhiều lần cảnh báo đánh thuế mặt hàng xe hơi của đối tác EU khi xảy ra bất đồng với chính sách của khối hoặc chính phủ các nước thành viên.

Đề cập tới Trung Quốc, ông Trump nói cố vấn Navarro hãy nhìn vào Trung Quốc và "thứ gì họ bán mà rất quý giá với họ" để áp thuế trả đũa.

"Hãy chọn một sản phẩm trên mức tương ứng nếu họ không chịu giảm thuế áp lên tôm hùm của bang Maine nhập khẩu vào Trung Quốc", ông Trump khẳng định.

Cũng trong cuộc họp, ông Trump ký lệnh bãi bỏ lập tức hạn chế đánh cá được đưa ra dưới thời cựu tổng thống Barack Obama đối với khu vực rộng gần 13.000 km2 ngoài khơi bờ biển mang Maine.

Mỹ gửi công hàm lên LHQ bác yêu sách phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông

Đại sứ Mỹ tại LHQ Kelly Craft ngày 1/6 gửi Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres công hàm phản đối các yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.

Bà Craft nêu rõ công hàm của Mỹ nhằm đáp lại công hàm CML/14/2019 của phái đoàn thường trực Trung Quốc tại LHQ.

Trước đó phía Trung Quốc vào ngày 12/12/2019 đã gửi công hàm CML/14/2019 lên Ủy ban về Ranh giới thềm lục địa (CLCS), với nội dung phản phản đối bản đệ trình xin công nhận thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý của Malaysia.

Công hàm do Mỹ gửi lên LHQ để phản đối tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với Biển Đông.

Mỹ cho rằng trong công hàm nêu trên, phía Trung Quốc đã trình bày những yêu sách không phù hợp với luật pháp quốc tế dựa trên Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) 1982.

Bên cạnh đó, bà Craft cũng cho rằng những yêu sách này "mang mục đích can thiệp phi pháp vào quyền và tự do của Mỹ và tất cả các nước khác". Vì vậy "Mỹ cho rằng cần phải nhắc lại lập trường phản đối chính thức đối với những áp đặt bất hợp pháp này".

Ngoài ra, Đại sứ Craft khẳng định Mỹ đặc biệt phản đối cái Trung Quốc gọi là "quyền lịch sử" ở Biển Đông, vốn vượt quá quyền được có trên biển mà Trung Quốc có thể tuyên bố theo luật quốc tế, xét theo UNCLOS 1982.

Tổng thống Putin ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia vì sự cố tràn dầu

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 3/6 đã quyết định ban hành tình trạng khẩn cấp quốc gia sau khi 20.000 tấn dầu diesel tràn ra một con sông nằm trong Vòng Bắc Cực.

Sự cố xảy ra khi một bể chứa của nhà máy điện gần thành phố Norilsk, nằm phía trên Vòng Bắc Cực, thuộc vùng Krasnoyarsk, bị vỡ hôm 29/5.

Nhà máy được vận hành bởi một công ty con của Nornickel, công ty có các nhà máy tại Norilsk, biến thành phố này trở thành một trong những nơi ô nhiễm nặng nề nhất thế giới.

Dầu tràn ra gây ô nhiễm một con sông ở Norilsk.

Ông Putin đã đồng ý với thống đốc về việc ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia để huy động thêm nguồn lực xử lý sự cố.

Ủy ban Điều tra Nga, cơ quan chuyên xử lý các tội phạm nghiêm trọng, thông báo họ đã mở 3 cuộc điều tra hình sự về sự cố tràn dầu và bắt giữ một nhân viên nhà máy điện NTEK.

Khối lượng dầu tràn lần này lớn hơn rất nhiều so với sự cố tràn 5.000 tấn dầu năm 2007 ở eo biển Kerch, Biển Đen. Vào thời điểm đó, sự cố tràn dầu Kerch bị coi là nghiêm trọng nhất ở Nga, phải huy động quân đội và hàng trăm tình nguyện viên để khắc phục.

Chính quyền Hong Kong cam kết hợp tác đầy đủ về luật an ninh quốc gia

Theo Tân Hoa Xã, ngày 4/6, Trưởng Đặc khu hành chính Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga tuyên bố chính quyền đặc khu sẽ hợp tác đầy đủ liên quan tới luật an ninh quốc gia về Hong Kong, đồng thời hối thúc người dân Hong Kong chủ động thể hiện quan điểm trong thời gian thực thi luật.

Phát biểu tại họp báo ở thủ đô Bắc Kinh, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga nêu rõ chính quyền Hong Kong sẽ hợp tác trong việc soạn thảo dự luật liên quan, cải thiện năng lực thực thi pháp luật, cũng như nâng cao nhận thức về an ninh quốc gia.

Trong quá trình thực thi, chính quyền trung ương sẽ lắng nghe ý kiến từ nhiều giới ở Hong Kong, trong đó có các quan chức chính phủ, Chủ tịch Hội đồng lập pháp, chuyên gia pháp lý, nghị sỹ và các cố vấn chính trị.

Các cơ quan liên quan của chính quyền trung ương cũng sẽ tổ chức hội nghị chuyên đề tại Thẩm Quyến và Bắc Kinh để tập hợp ý kiến của người dân Hong Kong.

Trưởng Đặc khu hành chính Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga.

Do đó, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga kêu gọi người dân Hong Kong chủ động tham dự các hoạt động này, khẳng định họ có thể bày tỏ ý kiến tới chính quyền đặc khu hoặc Văn phòng Liên lạc Chính phủ Nhân dân Trung ương tại Hong Kong.

Theo bà, an ninh quốc gia là ưu tiên hàng đầu không chỉ của Trung Quốc, mà còn là của đặc khu Hong Kong và hơn 7 triệu dân của đặc khu.

Trưởng đặc khu nhấn mạnh với việc đưa ra quyết định về luật an ninh quốc gia, chính quyền trung ương đang thực thi trách nhiệm hiến pháp và thể hiện sự quan tâm tới Hong Kong.

Về việc Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo Mỹ sẽ hủy bỏ các ưu đãi thương mại đặc biệt đã dành cho Hong Kong, sau khi Quốc hội Trung Quốc thông qua luật an ninh quốc gia về Hong Kong, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga kêu gọi các nước không nên có những hành động đơn phương có thể tác động tiêu cực đến các mối quan hệ song phương.

Xem thêm >> Thủ tướng Singapore: Trung Quốc không thể thay thế Mỹ ở châu Á dù gia tăng sức mạnh quân sự

Tin mới lên