Tài chính quốc tế

Thế giới tuần qua: Thượng viện Mỹ ‘chốt’ ngày xử luận tội ông Trump, Nhật phản đối Trung Quốc ở Biển Đông

(VNF) - Ông Joe Biden tuyên thệ nhậm chức tổng thống thứ 46 của Mỹ, Thượng viện Mỹ ấn định thời gian xét xử cựu Tổng thống Donald Trump, Nghị viện châu Âu thông qua nghị quyết dừng dự án “Dòng chảy phương Bắc 2”, Nhật Bản gửi công hàm lên LHQ phản đối Trung Quốc ở Biển Đông là những tin tức quốc tế nổi bật trong tuần qua.

Thế giới tuần qua: Thượng viện Mỹ ‘chốt’ ngày xử luận tội ông Trump, Nhật phản đối Trung Quốc ở Biển Đông

Cựu Tổng thống Donald Trump và vợ Melania chào từ biệt tại Sân bay quân sự St. Andrews.

Ông Joe Biden tuyên thệ nhậm chức tổng thống thứ 46 của Mỹ

Trưa 20/1 (theo giờ Mỹ), Tổng thống đắc cử Joe Biden tuyên thệ nhậm chức tổng thống Mỹ thứ 46 tại cánh tây của Điện Capitol theo truyền thống.

Trong cùng sự kiện, Phó Tổng thống đắc cử Kamala Harris tuyên thệ nhậm chức phó tổng thống Mỹ thứ 49. Bà trở thành nữ phó tổng thống Mỹ đầu tiên, đồng thời là người da màu đầu tiên và gốc Nam Á đầu tiên đảm nhận cương vị này.

Điều hành lễ tuyên thệ nhậm chức của ông Joe Biden là Chánh án Tòa án Tối cao Mỹ John Roberts.

Trong bài phát biểu dài hơn 20 phút sau khi tuyên thệ nhậm chức, Tổng thống Joe Biden nêu bật thông điệp về tinh thần đoàn kết trong bối cảnh nước Mỹ đang đương đầu với nhiều thách thức.

Ông cam kết sẽ trở thành Tổng thống của mọi người dân Mỹ, của cả những người ủng hộ và không ủng hộ ông trong chiến dịch tranh cử vừa qua.

Tổng thống thứ 46 của Mỹ Joe Biden tuyên thệ nhậm chức trưa 20/1/2021 theo giờ Washington D.C.

Ngay sau khi tiếp quản Nhà Trắng, ông Biden đã ký 15 sắc lệnh hành pháp nhằm giải quyết loạt vấn đề mà ông cho là nổi cộm, đồng thời đảo ngược một số chính sách đã được người tiền nhiệm Donald Trump triển khai.

Thượng viện Mỹ ấn định thời gian xét xử cựu Tổng thống Donald Trump

Ông Chuck Schumer, lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện Mỹ, hôm 22/1 cho biết cơ quan này sẽ bắt đầu xét xử luận tội cựu tổng thống Donald Trump vào tuần thứ hai của tháng 2, sau hai tuần trì hoãn để các bên nhận được tóm tắt pháp lý theo thứ tự.

Về cơ bản, lịch trình sẽ kéo dài hai tuần, cho phép Thượng viện tiến hành các công việc bình thường trong thời gian tạm thời, bao gồm xác nhận đề cử nội các của Tổng thống Joe Biden.

Trước đó, ông Chuck Schumer tuyên bố Hạ viện Mỹ sẽ gửi điều khoản luận tội cựu Tổng thống Donald Trump, trong đó cáo buộc ông kích động một cuộc nổi dậy, tới Thượng viện vào ngày 25/1, qua đó khởi động tiến trình xét xử.

Trong phiên xét xử tại Thượng viện, quốc hội sẽ cân nhắc xem có nên kết luận ông Trump phạm "High Crime and Misdemeanor" (trọng tội và tội nhẹ) hay không. Đây là một thuật ngữ trong hiến pháp Mỹ dùng để chỉ các cáo buộc về hành vi sai trái.

Hiện Thượng viện bao gồm 50 thượng nghị sĩ đảng Dân chủ và 50 thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa.

Nếu 2/3 thượng nghị sĩ đồng ý với điều khoản luận tội thì ông Trump sẽ bị kết tội. Nếu điều này xảy ra, một cuộc bỏ phiếu tiếp theo sẽ được tổ chức về việc cấm ông Trump nắm giữ chức vụ trong chính phủ trong tương lai.

Nghị viện châu Âu thông qua nghị quyết dừng dự án “Dòng chảy phương Bắc 2”

Nghị viện châu Âu (EP) ngày 21/1 đã thông qua nghị quyết yêu cầu Liên minh châu Âu (EU) và Nga dừng việc xây dựng dự án đường ống dẫn khí đốt tự nhiên gây tranh cãi “Dòng chảy phương Bắc 2”.

Nghị quyết nêu rõ, quan hệ giữa châu Âu và Nga liên tục xấu đi trong những năm qua, các nước EU nên xem xét kỹ trong việc hợp tác với Nga trên các lĩnh vực ngoại giao và xây dựng, bao gồm cả dự án “Dòng chảy phương Bắc 2”. Nghị quyết cũng nhấn mạnh EU không nên tiếp tục tiếp nhận các khoản đầu tư không rõ nguồn gốc từ Nga.

Theo đó, EU phải ngay lập tức ngừng hoàn thiện đường ống dưới biển Baltic.

Theo truyền thông quốc tế, nghị quyết của Nghị viện châu Âu được thông qua trong bối cảnh nhà hoạt động đối lập người Nga Alexei Navalny đã bị Nga bắt khi về nước. Các thành viên của Nghị viện châu Âu yêu cầu các nước thành viên EU áp đặt các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc hơn đối với các cá nhân và cơ quan liên quan của Nga.

Nhật Bản gửi công hàm lên LHQ phản đối Trung Quốc ở Biển Đông

Phái đoàn Đại diện Thường trực của Nhật Bản tại Liên Hiệp Quốc (LHQ) ngày 19/1 đã gửi công hàm lên Tổng thư ký LHQ bác bỏ yêu sách chủ quyền “đường lưỡi bò” của Trung Quốc nuốt trọn gần như toàn bộ Biển Đông.

Công hàm khẳng định "việc Trung Quốc vẽ các đường cơ sở lãnh hải trên các đảo và các đá ở Biển Đông" không thỏa mãn các điều kiện được nêu rõ trong Công ước Luật biển của Liên Hợp Quốc (UNLCOS) năm 1982.

Nhật Bản nói rằng UNLCOS 1982 đặt ra những điều kiện cụ thể và riêng biệt để áp dụng đường cơ sở cho quần đảo, trong khi Trung Quốc không thể viện dẫn các điều khoản phù hợp trong UNCLOS để khẳng định tính hợp pháp của đường cơ sở mà họ vẽ ra.

Không có dư địa cho bất kỳ quốc gia thành viên nào biện hộ việc áp dụng đường cơ sở của quần đảo mà không đáp ứng được những điều kiện mà UNLCOS đặt ra, công hàm của Nhật Bản khẳng định.

Công hàm cũng cáo buộc Trung Quốc hạn chế tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.

Phái đoàn Nhật đề nghị Tổng thư ký LHQ lưu hành công hàm này tới tất cả các quốc gia thành viên của UNCLOS 1982 và LHQ.  

Xem thêm >> Bitcoin giảm sâu, thị trường tiền kỹ thuật số 'bốc hơi' hơn 100 tỷ USD

Tin mới lên