Thế hệ bị 'lãng quên' và lỗ hổng khiến người Việt đánh mất tiền tỷ
(VNF) - Không hiểu rõ bản chất sản phẩm tham gia, nặng tâm lý sợ lỡ mất cơ hội, quyết định tài chính mang tính đơn lẻ, dễ bị dụ dỗ tham gia các sản phẩm lợi nhuận cao…đó là những “lỗ hổng” về kiến thức quản lý tài chính cá nhân của một thế hệ người Việt bị “lãng quên” về giáo dục tài chính.
“Bỏ quên” giáo dục tài chính cá nhân
Bà Đỗ Thị Vân (49 tuổi) ở Long Biên, Hà Nội, cho biết năm 2021, bà có đi gửi tiết kiệm ở một ngân hàng thương mại, số tiền gửi là 200 triệu đồng. Sau khi gửi tiền, bà Vân được nhân viên của ngân hàng này tư vấn đang có gói tiết kiệm với lãi suất cao hơn hình thức thông thường, cụ thể hơn 4% - 5%/năm và được tặng một hợp đồng bảo hiểm.
Tin tưởng vào nhân viên của ngân hàng, bà Vân đồng ý tham gia và không nghi ngờ bất kỳ điều gì. Chỉ khi đến tháng 9/2022, được nhân viên một công ty bảo hiểm gọi nhắc đóng phí bảo hiểm định kỳ với số tiền là 100 triệu đồng, bà mới tá hoả. Tìm đến chi nhánh để hỏi thông tin, bà Vân mới được biết, trong 200 triệu đồng gửi tiết kiệm thì 100 triệu đồng đã “biến” thành phí tham gia hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, 100 triệu đồng còn lại cũng ở trong hợp đồng nhưng là ở tài khoản đóng thêm.
“Tôi đành quyết định huỷ bỏ hợp đồng, rút về số tiền ở tài khoản đóng thêm được khoảng 86 triệu đồng. Không nắm rõ về sản phẩm mình tham gia, nghe nhân viên tư vấn thấy lãi suất cao hơn, tin tưởng vào bên ngân hàng mà đồng ý, cứ nghĩ là một sản phẩm tiết kiệm mới ưu việt hơn”, bà Vân ngậm ngùi nói.
Tương tự, anh Hoàng Xuân Nguyên (36 tuổi) ở Hoàng Mai, Hà Nội, cho biết, năm 2021, anh có tham gia đầu tư một sự án bất động sản (BĐS) ở Đồng Nai. Trước đó là thời điểm sôi động của thị trường này, anh có đầu tư từ năm 2018 và 2 thương vụ đầu tư đều đem lại kết quả tốt, có lãi. Chính vì vậy, năm 2021, anh quyết định “xuống tiền” ở một dự án với tổng số vốn khoảng 10 tỷ đồng, trong đó vốn sẵn có khoảng 30%, còn lại là đi vay ngân hàng với mức hỗ trợ lãi suất trong 3 năm, đến tháng 4/2024. Anh kỳ vọng sau 2-3 năm có thể xem xét lướt sóng để nhận về tiền gốc và lãi.
Nhưng thực tế không như những gì mong muốn. Thị trường BĐS “sập”. Gần như lúc anh Nguyên tham gia đầu tư là đỉnh của giá BĐS. Chưa kể, năm 2022, công việc chính bị ảnh hưởng nặng nề, khiến thu nhập của anh giảm sút. Nay đã hết thời gian hỗ trợ lãi suất của bên ngân hàng, dự án thì chưa được triển khai, anh Nguyên vướng khoản nợ nhiều tỷ đồng, hàng tháng vẫn đang phải lo trả lãi khoảng gần 50 triệu đồng.
“Đầu tư đúng thời điểm cuối của chu kỳ kinh tế tăng trưởng, mua phải giá ở trên đỉnh, lại còn tư duy lướt sóng. Chưa kể quyết định vay vốn một khoản tiền quá lớn, giờ trả lãi không nổi, xếp hạng tín dụng vào nợ xấu. Tất cả do thiếu hiểu biết về tài chính cá nhân và đầu tư”, anh Nguyên đúc kết kinh nghiệm xương máu.
Chị Hoàng Kim Huế (41 tuổi), quê Bắc Giang cho biết, khoảng đầu năm 2022, chị được người quen giới thiệu đầu tư trái phiếu của tập đoàn Tân Hoàng Minh. Theo đó, từ giữa năm 2021 đến đầu 2022, Tân Hoàng Minh tung ra thị trường 9 lô trái phiếu trị giá hơn 10.000 tỷ đồng, lãi suất từ 11,5%/năm đến 12%/năm. Lãi suất gửi tiết kiệm ngân hàng khi đó cao nhất 8,2%/năm, còn đa số dưới 6%.
Lãi suất hấp dẫn, cao gần gấp đôi ngân hàng, chị Huế về bàn với chồng dùng hết tiền tiết kiệm hơn 600 triệu đồng đang gửi ở ngân hàng để mua trái phiếu. “Khi đó, tôi chỉ nghĩ đơn giản mua trái phiếu cũng như gửi ngân hàng nhưng lãi suất cao hơn, trái phiếu an toàn hơn so với cổ phiếu, chứ không biết lại ra cơ sự này”, chị Huế hoang mang nói.
Trao đổi với Đầu tư Tài chính - VietnamFinance, ông Ngô Thành Huấn - CEO Công ty Cổ phần FIDT, một đơn vị chuyên tư vấn đầu tư và quản lý gia sản tại Việt Nam, cho rằng một thế hệ người Việt đã bị “lãng quên” về giáo dục tài chính cá nhân. Suốt từ thế hệ 9X trở về trước là thế hệ vướng phải trái phiếu nhiều nhất của vụ án Vạn Thịnh Phát, nhất 7X và 6X. Một số thống kê cho thấy mặc dù Việt Nam là quốc gia nhỏ bé về tài sản nhưng lại đang chiếm 1/3 giá trị bị lừa đảo tài chính trên toàn cầu (hơn 16 tỷ trong tổng 53 tỷ USD). “Đây là hệ quả của việc yếu về dân trí tài chính, một con số đáng báo động, ‘nỗi đau’ của cả quốc gia”, ông Huấn trăn trở.
Ông Huấn quan ngại, nhiều người Việt Nam trưởng thành còn không phân biệt nổi cổ phiếu và trái phiếu vốn nằm trong chương trình giáo dục cấp 3 của nhiều nước phát triển. Trong chương trình đào tạo phổ thông có nhiều môn học nhưng chúng ta ít được dạy là phải làm gì với tiền. Vì vậy không có gì quá ngạc nhiên khi các mô hình huy động vốn đầu tư đang “chôn” hàng nghìn tỷ của người dân nhưng vẫn tồn tại và nở rộ.
CEO FIDT nêu ví dụ, với mô hình huy động vốn tại Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam ở TP. HCM vừa qua, mỗi phụ huynh cho nhà trường vay 2-5 tỷ đồng, thậm chí có người cho vay gần 10 -15 tỷ đồng không lãi suất, đổi lại được miễn học phí 12 năm học với tổng giá trị khoảng 7 tỷ đồng. Thoạt nhìn, hoạt động này có thể làm cho nhiều phụ huynh người Việt cảm tưởng như đóng tiền một lần sẽ được chiết khấu nhiều nhưng bản chất lại phức tạp và tương đương với việc phát hành trái phiếu từ nhà trường. “Mấu chốt là không có tài sản đảm bảo, quá hợp lý cho nhà trường nhưng đầy phi lý và bất lợi cho phụ huynh”, ông Huấn khẳng định.
3 giải pháp nâng cao an toàn tài chính
Chia sẻ với Đầu tư Tài chính - VietnamFinance, ông Phạm Anh Khôi, Tổng giám đốc FINA, một nền tảng trong lĩnh vực fintech, cho rằng thực trạng nêu trên rất đáng lo và đây là vấn đề cần phải được cả xã hội sớm chung tay giải quyết.
Dựa trên kinh nghiệm của các quốc gia phát triển, ông Khôi đề xuất 3 giải pháp. Thứ nhất, cần nâng cao dân trí tài chính, đặc biệt là tài chính tiêu dùng, đầu tư và tài chính cá nhân, trước hết dành cho những người trong độ tuổi lao động và đang tham gia vào thị trường đầu tư.
Thứ hai là trách nhiệm của các cơ quan bảo vệ người tiêu dùng, ví dụ tại Úc có cơ quan bảo vệ người tiêu dùng các sản phẩm tài chính, trong khi ở Việt Nam các cơ quan bảo vệ người tiêu dùng thiên về các sản phẩm thiết yếu hàng ngày. Vì vậy tương lai cần phải có cơ quan bảo vệ người tiêu dùng chuyên biệt cho lĩnh vực tài chính như trái phiếu, chứng khoán, bảo hiểm…
Thứ ba, các doanh nghiệp cung cấp các sản phẩm tài chính đến với người dân cần phải nâng cao trách nhiệm xã hội, mặc dù biết rằng kinh doanh thì lợi nhuận là yếu tố trên hết, nhưng cần phải hài hoà giữa mục tiêu lợi nhuận và sự ổn định, an ninh tài chính của xã hội.
Đồng quan điểm, ông Ngô Thành Huấn cho biết, hiện nay Ngân hàng Nhà nước cũng đã vào cuộc rất quyết liệt, có những biện pháp kịp thời và đúng đắn nhằm mục đích giáo dục tài chính cá nhân cho toàn xã hội.
Tuy nhiên, theo ông Huấn, việc này cần phải cải thiện từ gốc rễ, đó chính là giáo dục. Hiện nay, trong bộ sách giáo khoa của cấp THPT đã có những kiến thức về tài chính cá nhân, ví dụ như trong môn học Giáo dục Công dân nhưng còn khá sơ sài, chỉ có nội dung về tiết kiệm, chi tiêu. Do đó, ông Huấn nói cần phải nâng cao hơn nữa về thời lượng và độ chuyên sâu của các kiến thức này, đồng thời có thêm các buổi ngoại khoá như đi tham quan Ngân hàng Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán… kết hợp với việc chia sẻ, đào tạo kiến thức về tài chính cá nhân. Sau cấp THPT, nhà quản lý cần có kế hoạch thêm vào các chương trình giáo dục cho cấp THCS, tiểu học để các em làm quen dần.
Đặc biệt là cần có lộ trình đưa “Tài chính cá nhân” thành một môn học cơ bản trong bậc đại học các chuyên ngành kinh tế, tài chính. Ông Huấn ví dụ, Đại học Tài chính Marketing cũng đang đưa Tài chính cá nhân là môn học tự chọn bắt buộc đối với sinh viên ngành tài chính, kinh tế; Đại học Ngân hàng TP. HCM đã bổ sung môn Hoạch định tài chính và quản lý gia sản vào trong chương trình đào tạo thạc sỹ chuyên ngành Quản trị tài chính nâng cao.
Tiếp theo, với các tổ chức tín dụng và định chế tài chính, ông Huấn đề xuất cần phải xem đây là một trong những năng lực cốt lõi của đội ngũ tư vấn viên, gồm cả ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán vì đó là xu hướng toàn cầu; dần có lộ trình phát triển thành năng lực hành nghề chuyên nghiệp và khớp với hành lang pháp lý của nhà nước. Các định chế tài chính cần đưa kỹ năng này thành tiêu chuẩn bắt buộc đầu ra của các tư vấn viên, chuyên gia.
“Vừa qua là thời điểm khó khăn của thị trường bảo hiểm, ngân hàng nhưng đây cũng là một cơ hội để các định chế tài chính tái cơ cấu, nâng cấp đội ngũ tư vấn viên, bồi đắp năng lực lõi”, ông Huấn nói thêm.
Cuối cùng, ông Huấn nhấn mạnh tầm quan trọng của thế hệ nhà hành nghề Hoạch định tài chính cá nhân trong việc giáo dục tài chính. Đầu tiên, đây là lực lượng phễu lọc, những người này có am hiểu và kỹ năng về hoạch định tài chính, giúp cho khách hàng lựa chọn được sản phẩm phù hợp với bức tranh tài chính của họ và bước đầu hình thành tư duy tài chính dài hạn.
Tiếp đó, những nhà hành nghề này giúp cho thị trường tài chính ổn định và bền vững hơn. Ví dụ như tại thị trường chứng khoán Việt Nam, tỷ lệ nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ quá lớn, chủ yếu định hướng đầu tư là “lướt sóng” ngắn hạn. Việc xuất hiện các nhà hoạch định tài chính giúp các nhà đầu tư cá nhân dịch chuyển về chứng chỉ quỹ, ETF, các tổ chức uỷ thác đầu tư. Điều này làm tăng sự an toàn và bền vững, tránh được những khiếu kiện của người tiêu dùng về các sản phẩm tài chính bởi nhà hoạch định tài chính cá nhân giúp cho khách hàng hiểu rõ được sản phẩm, tính năng của sản phẩm đó trong bức tranh tài chính.
Nhà hoạch định tài chính cá nhân chính là “đơn vị” giáo dục gián tiếp cho toàn xã hội về kiến thức tài chính. “Trong quá trình vận hành của bất kỳ một nền kinh tế nào, dòng tiền của chính phủ thông qua chính sách tài khoá và tiền tệ sẽ được điều phối, dẫn dắt, kích hoạt các dòng tiền của tổ chức và dòng tiền cá nhân. Do đó, có thể thấy tài chính cá nhân là điểm cuối của dòng tiền này. An ninh tài chính cá nhân được đảm bảo thì an ninh tài chính quốc gia mới có thể bền vững”, ông Huấn nêu quan điểm.
Diễn đàn Hoạch định tài chính cá nhân 2024 tổ chức thành công tại TP. HCM
Tầm quan trọng của hoạch định tài chính cá nhân cho người hành nghề tư vấn bảo hiểm
'Tri thức về hoạch định tài chính cá nhân đang là mắt xích yếu nhất'
- Hoạch định tài chính cá nhân: Mảnh ghép còn thiếu trong bức tranh tài chính Việt Nam 28/07/2023 05:14
- UBCK: 'Việc xây dựng tiêu chuẩn nhà hoạch định tài chính cá nhân của VFCA có ý nghĩa thiết thực' 14/04/2023 04:13
- VFCA: Hoạch định tài chính cá nhân tại Việt Nam đang có 'khoảng trống nguy hiểm' 01/02/2023 01:49
Bên trong dự án ở Đắk Lắk từng đạt giải Quy hoạch đô thị quốc gia
(VNF) - Đây là dự án Khu đô thị Đông Nam đường Trần Hưng Đạo có vị trí nằm tại phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk với quy mô 19,29 ha.