Thi công chức Trung Quốc: 10.000 người ứng tuyển 1 vị trí

Quỳnh Anh - 27/10/2024 13:37 (GMT+7)

(VNF) - Kỳ thi tuyển công chức quốc gia sắp tới của Trung Quốc đã thu hút khoảng 3,2 triệu thí sinh cho 39.700 vị trí công chức tại các cơ quan chính phủ và tổ chức công, trong bối cảnh thị trường việc làm ảm đạm thúc đẩy nhu cầu về những công việc ổn định.

Kỳ thi "khốc liệt" với tỷ lệ 1 chọi 80

Kỳ thi công chức quốc gia sắp được tổ chức của Trung Quốc dự kiến sẽ tuyển dụng hơn 39.700 vị trí tại các cơ quan chính quyền trung ương và các tổ chức trực thuộc vào năm 2025. Đây là sự kiện thường niên có tính cạnh tranh khốc liệt, được gọi là "quốc tuyển" trong tiếng Quan Thoại.

Theo dữ liệu chính thức, hiện đã có khoảng 3,2 triệu thí sinh nộp hồ sơ cho kỳ thi này. Trong đó, vào thời điểm vài giờ trước khi hết hạn nộp hồ sơ, vị trí được săn đón nhiều nhất - vị trí nhân viên trình độ đầu vào tại một hiệp hội giáo dục nghề nghiệp - đã có 10.665 ứng viên.

Tính theo mặt bằng chung, điều này có nghĩa là tỷ lệ chọi trong kỳ thi này là 1:80, tức cứ 80 người ứng cử thì mới có 1 người trúng tuyển. Đây là tỷ lệ chọi cao kỷ lục trong những kỳ quốc tuyển gần đây, khi thị trường việc làm tại quốc gia này ngày càng khó khăn.

"Biển người" tham gia kỳ thi công chức Trung Quốc.

Có thể thấy, sự quan tâm của người dân Trung Quốc đến kỳ thi quốc tuyển đã tăng vọt trong thập kỷ qua, với số lượng ứng viên tăng gấp đôi kể từ năm 2014, khi 1,4 triệu ứng viên cạnh tranh cho 22.000 vị trí.

Trong kỳ thi gần đây nhất, tức kỳ thi công chức cho năm 2024, 3,03 triệu ứng viên đã vượt qua vòng đánh giá ban đầu để tham gia kỳ thi, với trung bình 77 ứng viên cạnh tranh cho mỗi vị trí.

Sức hút từ "Bát cơm sắt" của Trung Quốc

Mặc dù việc làm trong công chức Trung Quốc hiếm khi trả lương cao như việc làm tương đương trong khu vực tư nhân Trung Quốc, nhưng vẫn có những lợi ích khác. Công chức thường được tiếp cận với bảo hiểm y tế tốt hơn, chế độ lương hưu ưu đãi, tiền thưởng ổn định và việc làm trọn đời an toàn.

Sự an toàn đi kèm với chức vụ công đã tạo nên biệt danh “bát cơm sắt”.

Một số bậc cha mẹ Trung Quốc truyền thống mong muốn có "bát cơm sắt" cho con cái họ - không chỉ vì sự ổn định mà còn vì một số người coi việc có được những công việc như vậy là sự công nhận về sự xuất sắc từ phía nhà nước.

Xu hướng tìm kiếm "bát cơm sắt" trong bối cảnh kinh tế bất ổn

Bất chấp các vấn đề như chậm lương và giảm phúc lợi trong khu vực công, các vị trí công chức vẫn cung cấp các đặc quyền tương đối ổn định so với khu vực tư nhân, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế nước này đang gặp nhiều vấn đề và tỷ lệ người tốt nghiệp đại học thất nghiệp ngày càng cao.

Năm nay, có tới 11,8 triệu sinh viên tốt nghiệp đã gia nhập thị trường việc làm. Trong khi đó, theo dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 9 đối với nhóm tuổi 16-24, không bao gồm sinh viên, là 17,6%.

Tỷ lệ thanh niên thất nghiệp đã duy trì ở mức cao trong thời gian dài. Thậm chí, nhiều người trẻ Trung Quốc đã phải lựa chọn "bỏ phố về quê" hoặc chịu đựng tình trạng thất nghiệp. Một số đông khác, nỗ lực thông qua các kỳ thi như quốc khảo để tìm kiếm một công việc ổn định.

Ông Chu Zhaohui, một nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học Giáo dục Trung Quốc, một tổ chức tư vấn của chính phủ, cho biết xu hướng ngày càng tăng này nhấn mạnh áp lực mà những người trẻ phải đối mặt về triển vọng nghề nghiệp của họ.

Ông Chu cho biết: “Rõ ràng đây là một lựa chọn cạnh tranh khốc liệt, xét đến cơ hội khan hiếm trong khu vực tư nhân”.

Để giải quyết tình trạng này, chính phủ Trung Quốc cũng đã nỗ lực tăng số chỉ tiêu vị trí chỉ dành cho sinh viên mới tốt nghiệp từ dưới 50% trước năm 2023 lên khoảng 70% trong kế hoạch tuyển dụng năm 2024 và 2025.

Nhưng ông Chu cho biết việc tăng chỉ tiêu không phải là giải pháp cơ bản cho vấn đề. “Chìa khóa để tạo việc làm nằm ở việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mở cửa xã hội và cải thiện sức sống của thị trường”, ông nói.

Theo SCMP, Alziazeera
Hoàn tiền không trả hàng: 'Bóp nghẹt' thương mại điện tử Trung Quốc

Hoàn tiền không trả hàng: 'Bóp nghẹt' thương mại điện tử Trung Quốc

Tài chính quốc tế
(VNF) - Khi tình hình cạnh tranh trong ngành ngày càng khốc liệt, các công ty thương mại điện tử (TMĐT) Trung Quốc phải đưa ra những ưu đãi "không tưởng" nhằm giữ chân khách hàng. Nhưng một trong số những chính sách ưu đãi này đang trở thành dây thừng "bóp nghẹt" chính họ.
Cùng chuyên mục
Tin khác