Thị trường dịch vụ tư vấn tài chính Việt Nam đã sẵn sàng
(VNF) - Tài chính cá nhân là một trong 3 trụ cột của nền kinh tế bao gồm cả tài chính công và tài chính doanh nghiệp. Các chuyên gia đều cho rằng, đây là điều cấp thiết, thị trường Việt Nam đã sẵn sàng hướng đến nghề Hoạch định tài chính cá nhân chuyên nghiệp
Đòi hỏi và thách thức từ thực tế
Đó là chia sẻ của PGS TS Nghiêm Thị Thà - Tổng thư ký Hiệp Hội Tư vấn Tài chính Việt Nam (VFCA) tại buổi lễ nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở 2023 – 2024 với đề tài Phát triển Hoạch định tài chính cá nhân tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp, diễn ra ở Hà Nội.
PGS TS Nghiêm Thị Thà cho biết, nền kinh tế và thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam có xu hướng tăng mạnh. Dự báo GDP bình quân đầu người của Việt Nam sẽ tiệm cận mức 5.000 USD/người vào năm 2025, đánh dấu điểm khởi đầu của giai đoạn bùng nổ tiêu dùng.
Tiếp theo, sự chuyển dịch của cơ cấu dân số và vấn đề an sinh xã hội. Việt Nam đã và đang ở thời kỳ dân số vàng, tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động (15 – 64 tuổi) cao hơn tỷ lệ dân số phụ thuộc.
Thứ ba, thực trạng khá phổ biến hiện nay đó là sự phát triển bùng nổ của các sản phẩm tài chính, đi kèm với đó là các rủi ngày càng gia tăng, số lượng và quy mô các vụ việc lừa đảo qua mạng, đầu tư với lãi suất cao…ngày càng nhiều
“Thực trạng này đặt ra thách thức lớn với các chủ thể trong hệ thống tài chính quốc gia, nhất là trong việc nâng cao dân trí kinh tế tài chính và phát triển thị trường dịch vụ hoạch định tài chính cá nhân đi đúng hướng. Thị trường dịch vụ tư vấn tài chính Việt Nam đã sẵn sàng”, PGS TS Nghiêm Thị Thà khẳng định.
Tuy nhiên, bà Thà cũng trăn trở, hiện ở Việt Nam còn khá nhiều rào cản cho sự phát triển của thị trường Hoạch định tài chính cá nhân. Từ góc độ hành lang pháp lý đã có hay chưa, nếu có thì ở mức độ nào, đến việc các định chế tài chính, DN cung cấp các dịch vụ tài chính đã có các tiêu chuẩn hành nghề ra sao. Dưới góc độ của nhà đầu tư cá nhân, họ mong muốn một dịch vụ ra sao về quản lý và hoạch định tài chính cá nhân.
“Quan trọng hơn cả vẫn cần có một bộ tiêu chuẩn của nghề Hoạch định tài chính cá nhân chuẩn hoá theo chuẩn quốc tế, nhưng đặt trong bối cảnh nền kinh tế của Việt Nam. Một hành lang pháp lý đồng bộ hoá quản lý hành nghề, từ đó các bên từ người dân, định chế tài chính, người hành nghề, cơ quan quản lý nhà nước mới nhận thức đúng, hiểu đúng và tuân thủ”, bà Thà nói thêm.
Đồng quan điểm, PGS TS Đinh Trọng Thịnh – Học viện Tài chính đánh giá, đây là đề tài mới, thông tin không trùng lặp, rất quan trọng đối với quốc gia, khi mà người đân đang có mức thu nhập mức trung bình cao, và ngày càng tăng, nhu cầu về quản lý tài chính cá nhân trở nên rất cấp thiết.
Theo ông Thịnh, việc thứ nhất cần phải thay đổi tư duy, cách nghĩ, làm sao tuyên truyền nội hàm về quản lý tài chính cá nhân, hoạch định tài chính cá nhân theo từng độ tuổi, từng mức thu nhập, nhỏ cần quản lý như thế nào, lớn thì cần quản lý ra sao, cho đến khi khả năng có thể là NĐT, chủ doanh nghiệp… thì đầu tư như thế nào?
Sau đó, mới quan tâm đến các cơ chế, chính sách, từ những chính sách chung, có thể bắt buộc việc đào tạo kiến thức này vào các cấp học, và các tổ chức xã hội nghề nghiệp, đảm bảo có tính kết nối với tài chính doanh nghiệp và tài chính quốc gia. Cần phải có cần có khung chính sách rõ ràng, cơ chế chính sách đồng bộ.
Các chuyên gia đều cho rằng, hiện nay tại Việt Nam nghề tư vấn tài chính cá nhân ra đời và phát triển tự phát, sản phẩm dịch vụ TCCN của các định chế tài chính dần đa dạng nhưng lợi ích của khách hàng không được bảo vệ, chất lượng hành nghề tư vấn TCCN đang bị thả nổi, công tác quản lý hành nghề chưa toàn hiện, hiệu quả. Tuy nhiên, đó cũng là dấu hiệu cho thấy thị trường Việt Nam đã sẵn sàng, và rất cần một chủ trương, hành lang pháp lý đồng bộ.
Hướng đến nghề Hoạch định tài chính cá nhân chuyên nghiệp
Chia sẻ tại hội thảo, PGS TS Vũ Văn Phúc nêu vấn đề, theo số liệu thống kê của các cơ quan quản lý nhà nước, trong dân có tiền, thậm chí rất nhiều tiền, nhưng việc từng cá nhân, từng hộ gia đình quản lý khoản tiền của mình thế nào thì chưa có. Điển hình như vụ việc Vạn Thịnh Phát liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp, trong đó rất nhiều người có kiến thức về kinh tế, tài chính nhưng vẫn là nạn nhân.
Theo ông Phúc, đây là một đề tài cấp thiết, đánh giá được đầy đủ tình hình kinh tế xã hội, khuôn khổ, hành lang pháp lý, đồng thời chỉ ra được các yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến nền tài chính cá nhân tại Việt Nam (ngoài tài chính công và tài chính doanh nghiệp), nêu ra được những hạn chế còn tồn tại của nền tài chính cá nhân.
“Đề nghị VFCA đi đầu trong việc này, thành lập một trung tâm Hoạch định tài chính cá nhân để quảng bá về dịch vụ tư vấn tài chính. Rất nhiều gia đình lúng túng, có tiền nhưng không biết đầu tư vào đâu, lãi ngân hàng thấp, trái phiếu thì không an tâm, còn chứng khoán khó có thể tự mình tham gia”, PGS TS Phúc nêu kiến nghị.
Theo NGND.GS.TS Trần Thị Vân Hoa, Đại học Kinh tế Quốc Dân, đây là đề tài có ý nghĩa về mặt khoa học và thực tiễn, tuy nhiên cần nhấn mạnh việc phát triển dịch vụ hoạch định tài chính cá nhân, nêu rõ phạm vi cụ thể để phát triển thị trường, đối tượng mục tiêu. Đồng thời đưa ra được những tiêu chuẩn, tiêu chí của hành nghề, đi kèm với tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp.
“Cá nhân có tiêu chuẩn đạo đức hành nghề, vậy còn tổ chức, doanh nghiệp thì ra sao”, bà Hoa băn khoăn.
Đồng thời, bà Hoa cho rằng thị trường Việt Nam đã hội tụ đủ những điều kiện, chính vì vậy, VFCA nhanh chóng đề xuất lên Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước để sớm xem xét, ban hành chủ trương, chính sách, hành lang pháp lý cho nghề Hoạch định tài chính cá nhân.
Là người tâm huyết với câu chuyện Tài chính cá nhân, TS Lê Minh Nghĩa, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam (VFCA) cho biết, đề tài này mục tiêu đầu tiên là nâng cao dân trí, hiểu biết về tài chính cá nhân. Tiếp theo, là quản lý tài chính và hoạch định tài chính cá nhân, ở khâu này sẽ có vai trò rõ nét của chuyên gia tư vấn, dịch vụ hoạch định tài chính. Cuối cùng, có một hành lang pháp lý cho nghề Hoạch định tài chính cá nhân, bộ chứng chỉ hành nghề theo tiêu chuẩn quốc tế.
Theo TS Lê Minh Nghĩa, năm 2025 VFCA sẽ có cuộc trao đổi trực tiếp đầu tiên với FBSB (Financial Planning Standards Board) của Hoa Kỳ, để sớm đưa chứng chỉ CFP(Certified Financial Planner) – Nhà hoạch định tài chính cá nhân về Việt Nam.
“Chúng tôi (VFCA) sẵn sàng dấn thân vì nền tài chính cá nhân của nước nhà. Chính vì vậy, rất cần có sự quan tâm của các cơ quan hoạch định chính sách như Bộ Tài chính, Ban Kinh tế Trung Ương, Uỷ ban Chứng khoán…. và việc đầu tiên chúng tôi tha thiết mong muốn nội dung của chủ trương phát triển nền tài chính cá nhân tại Việt Nam được có mặt trong Văn kiện của Đại hội Đảng XIV sắp tới”, TS Nghĩa trăn trở.
Cần sớm có chứng chỉ Hoạch định tài chính cá nhân CFP tại Việt Nam
'Ngắm' khu đất xây tổ hợp thương mại, văn phòng của TAH Invest tại Tây Hồ Tây
(VNF) - Dự án tổ hợp thương mại và dịch vụ kết hợp văn phòng được triển khai trên lô đất B2-CC4 thuộc Khu đô thị Tây Hồ Tây dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2027.