Thiếu kiến thức TCCN, 'gây thiệt hại về tài chính và nguy cơ bất ổn cho xã hội'
(VNF) - Theo PGS.TS Vũ Văn Phúc - Phó chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương: 'Người dân đang giàu lên nhưng băn khoăn không biết đầu tư vào đâu vì chưa hiểu rõ về các kênh đầu tư nói riêng và kiến thức tài chính cá nhân nói chung (TCCN). Và hệ luỵ là nhiều vụ việc xảy ra gần đây như Vạn Thinh Phát, nhiều người bị thiệt hại do chưa có hiểu biết về sản phẩm trái phiếu tại ngân hàng SCB, gây thiệt hại về tài chính và nguy cơ bất ổn cho xã hội'.
Chia sẻ tại Diễn đàn thường niên Hoạch định tài chính cá nhân 2024, ngày 22/6 tại Học viện Ngân hàng, Hà Nội, TS. Lê Minh Nghĩa - Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam (VFCA) nói, bởi nhiều lý do khác nhau, trụ cột tài chính cá nhân chưa được “xem trọng” so với tài chính công và tài chính doanh nghiệp tổ chức, trong khi đây là mảng tri thức vô cùng quan trọng với đời sống dân sinh.
Trong tiến trình phát triển của đất nước, kinh tế nhà nước được Đảng và nhà nước xem trọng và đặt lên hàng đầu, tuy nhiên qua những kỳ Đại hội gần đây, đã dần nhận thức rõ ràng hơn về vai trò của kinh tế tư nhân, và tầm quan trọng của nó trong nền kinh tế.
“Nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của kinh tế tư nhân, giúp cho nền tảng về giáo dục tài chính cá nhân cũng tăng cao, những tri thức về tài chính cá nhân cũng dần phổ biến với người dân”, TS Lê Minh Nghĩa nói thêm.
TS Lê Minh Nghĩa bày tỏ quan ngại, những rung lắc trên thị trường tài chính vừa qua, có nhiều nguyên nhân, nhưng trong đó 2 nguyên nhân rất quan trọng nhìn từ góc độ dân trí tài chính và hoạch định tài chính cá nhân.
Thứ nhất, các chủ thể cá nhân tham gia thị trường với tư cách người bán và người mua đang thiếu hụt kiến thức nền về tài chính và hoạch định tài chính cá nhân.
Thứ hai, các chủ thể tham gia thị trường với tư cách là nhà tư vấn tài chính, nhưng chất lượng chuyên môn, kỹ năng và động cơ tư vấn chưa đáp ứng yêu cầu chuẩn mực hoạch định tài chính cá nhân.
Ông Nghĩa cũng nêu rõ thực trạng, tư vấn tài chính là một nghề mới, rất triển vọng và đang lên trong xã hội hiện nay vì ý nghĩa thiết thực của chúng. Tuy nhiên, dường như, còn không ít tình trạng: Tư vấn chỉ nặng về người bán mà nhẹ về người mua sản phẩm tài chính, nhấn mạnh ưu điểm mà nhẹ về những hạn chế, rủi ro của sản phẩm.
Tư vấn chỉ nặng về chốt hợp đồng mà nhẹ về chăm sóc khách hàng, nặng về doanh số mà nhẹ về đưa ra giải pháp tài chính tổng thể cho cả những chủ thể tạo ra sản phẩm, bán và mua thụ hưởng sản phẩm…
Các chuyên gia cũng cho rằng, thời gian qua, chứng kiến những bước thăng trầm của thị trường tài chính Việt Nam, việc giải quyết những hệ lụy ở thị trường tài chính về bảo hiểm, tín dụng, vàng, ngoại tệ, chứng khoán, bất động sản...dường như chỉ là những giải pháp tình thế, chưa bắt đúng mạch và kê đơn trị bệnh đúng, đủ liều!
Để khơi thông dòng chảy cho các sản phẩm tài chính, TS Lê Minh Nghĩa nêu giải pháp, đã đến lúc thị trường tài chính đòi hỏi các định chế tài chính, nhà tư vấn tài chính phải thực hiện ‘bán hàng đi cùng tư vấn tài chính chuẩn’.
Nhà tư vấn tài chính buộc phải nâng cao tính chuyên nghiệp, nâng tầm hiểu biết về hoạch định Tài chính cá nhân chuyên nghiệp để tư vấn cho khách hàng lựa chọn giải pháp/sản phẩm phù hợp nhất với bức tranh tài chính toàn diện của khách hàng…
Đồng thời ông Nghĩa cho rằng, trách nhiệm này thuộc về cả 4 bên đó là: Cơ quan quản lý Nhà nước, các định chế tài chính, người hành nghề tư vấn tài chính và dân trí tài chính.
Đồng quan điểm, PGS.TS Vũ Văn Phúc, Phó chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương cũng thừa nhận rằng, tài chính cá nhân chưa được quan tâm đúng tầm, đúng mức, kiến thức về tài chính cá nhân chưa nhận được nhiều sự chỉ đạo của Đảng và nhà nước để các nội dung này đến với người dân.
Ông Phúc nhấn mạnh, người dân đang giàu lên, nhưng băn khoăn không biết đầu tư vào đâu vì chưa hiểu rõ được về các kênh đầu tư nói riêng và kiến thức tài chính cá nhân nói chung. Và hệ luỵ là nhiều vụ việc xảy ra gần đây như Vạn Thinh Phát, nhiều người bị thiệt hại cho chưa có hiểu biết về sản phẩm trái phiếu tại ngân hàng SCB, gây thiệt hại về cả tài chính và nguy cơ bất ổn cho xã hội.
“Cần phải có sự tham mưu cho Đảng và nhà nước, quan tâm hơn nữa và tốt nhất là có chủ trương, định hướng trong các văn kiện Đại hội đảng các cấp sắp tới về các kiến thức quản ly tài chính cá nhân, để trụ cột tài chính cá nhân vững mạnh hơn” ông Phúc đặt vấn đề.
TS Lê Minh Nghĩa cũng đề nghị, các cơ quan lý nhà nước cần khẩn trương rà soát, tổng kết cụ thể hoá hơn nữa việc thực hiện Nghị quyết 149 của Chính phủ về xây dựng chương trình chiến lược Quốc gia nâng cao dân trí tài chính, phát triển hoạch định tài chính cá nhân toàn diện. Nhằm đảm bảo cho các chủ thể chủ động tham gia thị trường tài chính một cách an toàn và hiệu quả.
Đồng thời, các bên có liên quan cần tăng cường truyền thông, đổi mới mô hình hoạt động, tiếp tục đổi mới tư duy nhận thức về vai trò nâng cao dân trí tài chính, thúc đẩy hoạt động quản lý tài chính cá nhân, nâng tầm chất lượng hành nghề và quản lý hành nghề tư vấn tài chính. Tiếp tục kiến nghị với Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các Bộ ban ngành về việc tạo sự thống nhất nhận thức và xây dựng hành lang pháp lý đồng bộ, nâng tầm chất lượng tư vấn tài chính, đáp ứng nhu cầu phát triển của thị trường tài chính lành mạnh và bền vững.
“Cần thiết lập chuẩn mực hoạch định tài chính cá nhân đối với các nhà tư vấn tài chính trên thị trường theo tiêu chuẩn quốc tế, hướng tới thực hiện mục tiêu phát triển thị trường tài chính Việt Nam bền vững”, ông Nghĩa tâm huyết nói.
Tiến sỹ Lê Minh Nghĩa: “Thấy được thực trạng tài chính dân sinh của mình thực sự đáng lo và mong muốn người dân hướng tới tự do được về tài chính, chúng tôi dấn thân”.
Cần 'bác sĩ tài chính' giỏi, giúp người dân khỏi 'đột quỵ về tài chính'
- Nhà giàu Việt dư tiền, gia sản hơn 600 tỷ USD cần tìm người quản lý 18/06/2024 08:00
- 3 điểm nghẽn trong hoạt động tư vấn tài chính ở Việt Nam 15/06/2024 04:15
- Ba quỹ hưu trí người lao động cần biết để an tâm tài chính tuổi già 14/06/2024 06:30
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.