Cần 'bác sĩ tài chính' giỏi, giúp người dân khỏi 'đột quỵ về tài chính'

Hà Vy - 22/06/2024 13:30 (GMT+7)

(VNF) - Đây là ý kiến được ông Hans Nguyễn - Cố vấn trưởng Dragon Capital Việt Nam nêu ra tại Diễn đàn thường niên Hoạch định tài chính cá nhân 2024 được tổ chức ngày 22/6 tại Học viện Ngân hàng, Hà Nội. Ông Hans Nguyễn nhấn mạnh, những nhà hoạch định tài chính cá nhân giống như các bác sĩ tài chính và tầm quan trọng của họ không hề kém cạnh các bác sĩ về sức khỏe thể chất.

Thiếu “bác sĩ tài chính”

Theo thông tin trên Cổng cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam, trong năm 2023, Việt Nam ghi nhận khoảng 13.900 vụ tấn công mạng và gần 16.000 phản ánh lừa đảo trực tuyến từ các cơ quan tổ chức doanh nghiệp, gây thiệt hại 390.000 tỷ đồng. Con số này tương đương với 3,6% GDP.

Tuy nhiên, việc giải quyết những hệ lụy ở thị trường tài chính về bảo hiểm, tín dụng, vàng, ngoại tệ, chứng khoán, bất động sản...dường như mới chỉ là những giải pháp tình thế, chưa bắt đúng mạch và kê đơn trị bệnh đúng, đủ liều.

TS Lê Minh Nghĩa, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam.

Phát biểu tại Diễn đàn thường niên Hoạch định tài chính cá nhân 2024 tổ chức tại Học viện Ngân hàng, TS Lê Minh Nghĩa, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam (VFCA) cho biết: “Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những rung lắc trên thị trường tài chính vừa qua, nhưng trong đó có 2 nguyên nhân rất quan trọng nhìn từ góc độ dân trí tài chính và hoạch định tài chính cá nhân".

Một là, các chủ thể cá nhân tham gia thị trường với tư cách người bán và người mua đang thiếu hụt kiến thức nền về tài chính và hoạch định tài chính cá nhân. Hai là, các chủ thể tham gia thị trường với tư cách là nhà tư vấn tài chính, nhưng chất lượng chuyên môn, kỹ năng và động cơ tư vấn chưa đáp ứng yêu cầu chuẩn mực hoạch định tài chính cá nhân.

"Đã đến lúc thị trường tài chính phải có những nhà tư vấn tài chính chuyên nghiệp để tư vấn cho khách hàng lựa chọn giải pháp, sản phẩm phù hợp nhất với bức tranh tài chính toàn diện của khách hàng, để tránh cho họ những cú sốc về tài chính", TS Lê Minh Nghĩa cho hay.

Liên quan đến vấn đề này, ông Hans Nguyễn, Cố vấn trưởng Dragon Capital Việt Nam nhận định, việc phát triển nghề tư vấn tài chính cá nhân đang rất cấp bách. “Những nhà hoạch định tài chính cá nhân giống như các bác sĩ tài chính. Tầm quan trọng của họ không hề kém cạnh các bác sĩ về sức khỏe thể chất. Những con người rất chuẩn mực, có khả năng và đáng tin cậy này sẽ giúp chúng ta khỏi tình huống “đột quỵ về tài chính”.

Ông Hans Nguyễn, Cố vấn trưởng Dragon Capital Việt Nam.

Tuy nhiên, phải thừa nhận một sự thật rằng hiện nước ta chưa có đủ bác sĩ tài chính, và nếu có thì các bác sĩ này cũng chưa ‘đạt chuẩn’, chưa có nhiều kinh nghiệm. Chúng ta mới chỉ đang ở giai đoạn sơ khai trong việc đào tạo ra những vị bác sĩ đó”.

Chia sẻ thêm về nhận định này, ông Hans Nguyễn cho biết, tư vấn tài chính ở Việt Nam hiện mới chỉ dừng lại ở những dịch vụ rất đơn giản.

“Nhiều đơn vị tài chính rất lớn, đầu ngành thị trường vẫn chưa làm tốt việc tư vấn tài chính. Thậm chí, tôi từng làm việc với ngân hàng có tới 500 nhân viên chăm sóc khách hàng nhưng chỉ có không tới 10% trong số họ làm tốt nhiệm vụ, 90% còn lại chỉ đơn giản là bán hàng và chỉ quan tâm đến KPI”, ông Hans nói.

Cần có sự chung tay

Bà Nguyễn Thùy Linh, Trưởng ban NCKH, Viện Khoa học tài chính và Quản lý, VFCA, khẳng định: “Tài chính cá nhân không phải là ảnh hưởng đến một cá nhân hay một gia đình mà còn ảnh hưởng đến sự lành mạnh tài chính của đất nước”.

Vì lẽ đó, xu hướng phát triển nghề hoạch định tài chính cá nhân là không thể tránh khỏi.

Đại diện VFCA kiến nghị, một trong những tiền đề đặt nền móng cho sự phát triển của hoạch định tài chính cá nhân, tư vấn tài chính là tăng cường giáo dục, truyền thông để đổi mới tư duy nhận thức về nâng cao dân trí, quản lý và hoạch định tài chính cá nhân.

Bên cạnh đó, cũng cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạch định tài chính cá nhân. Các cơ quan nhà nước đóng vai trò quan trọng trong quản lý hành nghề tư vấn tài chính tại Việt Nam.

Bà Linh cho rằng tài chính cá nhân ảnh hưởng đến tài chính của cả đất nước.

Ngoài ra, các tổ chức đào tạo về giáo dục tài chính, đào tạo chính quy và đào tạo hành nghề nghề tư vấn tài chính cũng là nhân tố then chốt để đưa nghề hoạch định tài chính cá nhân phát triển. Nhờ đó, chương trình đào tạo về hoạch định tài chính cá nhân sẽ được xây dựng và phát triển một cách bài bản và hoàn thiện hơn.

Thực tế, hiện nhiều trường đại học, học viện cũng đã bắt đầu lên kế hoạch đào tạo các ngành học liên quan đến tài chính cá nhân. Đơn cử như Học viện Ngân hàng đang có kế hoạch mở chuyên ngành liên quan đến tư vấn tài chính, trong đó có tư vấn tài chính cá nhân với số lượng học viên lên tới 100 người trong năm đầu tuyển sinh.

PGS – TS Nguyễn Thanh Phương, Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng.

Về chương trình đào tạo chuyên ngành hoạch định và tư vấn tài chính, PGS – TS Nguyễn Thanh Phương, Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng cho biết: “Học viện xác định đây là một ngành nghề có nhiều cơ hội việc làm và sẽ góp phần nâng cao tính minh bạch của thị trường tài chính. Dự kiến, Học viện Ngân hàng sẽ đào tạo về nguyên lý hoạch định tài chính, hoạch định tài chính ứng dụng, hoạch định và tư vấn đầu tư, hoạch định về tài chính Quản trị rủi ro,…, từ đó tạo ra những chuyên viên tư vấn, hoạch định tài chính vừa có kiến thức toàn diện về tài chính, vừa có đạo đức, trách nhiệm nghề nghiệp cao”.

“Với sự vào cuộc của các cơ quan nhà nước, các đơn vị đào tạo, các chuyên gia, chắc chắn trong những năm tới chúng ta sẽ có một đội ngũ tư vấn tài chính lành nghề, từ đó góp phần lấy lại niềm tin của các bên tham gia thị trường tài chính, phát triển bền vững và nâng hạng thị trường tài chính Việt Nam’, đại diện VFCA khẳng định.

Cùng chuyên mục
Tin khác