Cần sớm có chứng chỉ Hoạch định tài chính cá nhân CFP tại Việt Nam

Xuân Thạch - 15/07/2024 15:00 (GMT+7)

(VNF) - Đó là quan điểm được thống nhất tại Hội nghị trao đổi hợp tác giữa VFCA (Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam) và đại diện FPSB (Hoa Kỳ) diễn ra trực tuyến tại Hà Nội, sáng ngày 15/07/2024

Tại buổi lễ ông Paul Grimes, Chief Professionalism Officer tại FPSB cho biết, FPSB là tổ chức quản lý và phát triển vận hành chương trình đào tạo giáo dục tài chính, thiết lập thúc đẩy các tiêu chuẩn chuyên môn về nghề hoạch định tài chính trên toàn cầu, trong đó có chứng chỉ CFP. Hiện đang có 28 quốc gia và vùng lãnh thổ đang là đối tác của FPSB trên toàn cầu với số lượng các nhà hoạch định tài chính tính đến hết năm 2023 là hơn 223.000 tư vấn viên.

Theo ông Paul Grimes, để có thể trở thành nhà hoạch định tài chính theo tiên chuẩn toàn cầu của FPSB, người làm nghề cần vượt qua 4 điều kiện.

Thứ nhất là quá trình đào tạo theo giáo trình đã được FPSB chuẩn hoá và áp dụng cho toàn cầu.

Thứ 2, cần quá trình kiểm tra và đánh giá của cơ quan chủ quản là đối tác của FPSB tại nước sở tại.

Thứ ba, nhà hoạch định tài chính cần có kinh nghiệm tại một tổ chức tài chính hoặc đáp ứng được tiêu chuẩn, kinh nghiệm, số “giờ bay” cần thiết tối thiểu.

Và cuối cùng, đáp ứng được tiêu chuẩn cao về đạo đức nghề nghiệp.

“Chúng tôi xác định CFP là một nghề toàn cầu, trở thành 1 biểu tượng xuất sắc trong nghề Hoạch định tài chính, chính vì vậy tiêu chuẩn là rất cao và chặt chẽ” ông Paul chia sẻ thêm.

Chia sẻ tại hội nghị, TS. Lê Minh Nghĩa, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam (VFCA) đề xuất việc hợp tác với FPSB trong chiến lược phát triển tài chính cá nhân tại Việt Nam, một trong 3 trụ cột của nền tài chính quốc gia. Đồng thời, ông Nghĩa mong muốn đại diện của FPSB sẽ chia sẻ những kinh nghiệm triển khai tại các quốc gia khác, đặc biệt là 2 quốc gia khá gần với Việt Nam là Thái Lan và Indonesia. Đồng thời có lộ trình cho việc triển khai chứng chỉ CFP này tại Việt Nam trong tương lai gần.

TS. Lê Minh Nghĩa (bên trái), Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam (VFCA) phát biểu tại hội nghị.

Theo ông Ngô Thành Huấn, CEO Công ty Tư vấn Đầu tư và Quản lý Tài sản FIDT, chứng chỉ CFP có điểm khó là tính địa phương, mỗi quốc gia là khác nhau và pháp lý của mỗi quốc gia cũng khác nhau, ví dụ Luật thuế, Luật Kinh doanh Bảo hiểm, Luật Chứng khoán…Khi vào các thị trường, FPSB xây dựng bộ giáo trình khá khó khăn vì phải phù hợp với chính sách pháp luật, chính sách an sinh xã hội tại nước sở tại.

Hiện nay, Việt Nam đang trong giai đoạn 1 của FPSB về việc xem xét cấp chứng nhận Nghề Hoạch định tài chính cá nhân theo tiêu chuẩn quốc tế CFP. Ban đề án của VFCA đang nỗ lực làm việc, tuân thủ đúng quy trình, tiêu chuẩn toàn cầu của FPSB để sớm đưa chứng chỉ này về Việt Nam trong tương lai gần.

“Hiện trong khu vực Đông Nam Á có Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia đã có nhượng quyền chứng chỉ CFP của FPSB. Hi vọng Việt Nam là quốc gia thứ 5 trong khu vực có được chứng chỉ CFP cho nhà hoạch định tài chính cá nhân”, ông Huấn cho hay.

PGS.TS Trần Thị Xuân Anh, Trưởng khoa Tài chính - Ngân hàng, Học viên Ngân hàng đặt câu hỏi với đại diện FPSB (Hoa Kỳ). Ảnh: Hoàng Hùng

Về thời điểm việc nhượng quyền chứng chỉ này được thực hiện tại Việt Nam, ông Paul Grimes khẳng định, FPSB đang tiến hành triển khai nghiên cứu thị trường Việt Nam để đánh giá độ hấp thụ, sau đó sẽ tiến hành làm việc với đại diện của VFCA để triển khai các bước kế tiến theo tiêu chuẩn toàn cầu của FPSB.

“Chúng tôi hi vọng tháng 9/2024 sẽ có những kết quả đầu tiên, sau đó sẽ có lộ trình cụ thể”, ông Paul Grimes nhấn mạnh.

Đại diện các tổ chức giáo dục đào tạo tại hội nghị như Học Viên Ngân hàng, Đại học Ngân hàng TP. HCM, Đại học Văn Lang, Đại học Nguyễn Trãi cũng có sự cam kết đồng hành dài hạn cùng với VFCA để phát triển ngành này tại Việt Nam, đặc biệt trong học phần đào tạo nhân lực cho ngành này trong tương lai.

Tổng kết hội nghị, TS Lê Minh Nghĩa khẳng định lại các kết quả của buổi hội nghị làm việc trực tuyến, đồng thời nhấn mạnh rằng cả hai đơn vị là VFCA (Việt Nam) và FPSB (Hoa kỳ) đã có những bước đi nền tảng để có thể kết hợp với nhau, trong mục tiêu đưa chứng chỉ CFP về Việt Nam. Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, những kiến thức của FPSB rất cần cho người Việt trong việc hoạch định tài chính cá nhân.

“Chúng tôi (VFCA) mong muốn góp phần mình để cho đất nước có một thị trường tài chính phát triển lành mạnh, bền vững, ước nguyện dân giàu nước mạnh thành hiện thực”, TS Nghĩa khảng định.

Thị trường quản lý tài sản Việt Nam: Quy mô tỷ USD, cần thêm công cụ và luật chơi

Thị trường quản lý tài sản Việt Nam: Quy mô tỷ USD, cần thêm công cụ và luật chơi

Tài chính
Tài sản được quản lý ở Việt Nam đạt khoảng 45-55 tỷ USD, chiếm 20% tổng tài sản tài chính của người dân. TS. Lê Minh Nghĩa, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam (VFCA), đã có những trao đổi về giải pháp phát triển thị trường này.
Cùng chuyên mục
Tin khác