Khu Tây sẽ đổ hơn 4 vạn căn hộ ra thị trường
Theo bà Hằng, trong quý I/2017 thị trường Hà Nội có 14 dự án mở bán mới và 21 dự án mở bán thêm, cung cấp khoảng 9.220 căn hộ (giảm 10% theo quý nhưng tăng 39% theo năm).
Con số này giúp nâng tổng nguồn cung sơ cấp lên 24.160 căn (tăng 12% theo quý và 49% theo năm) và nâng nguồn cung thứ cấp đạt 156.940 căn trên toàn thị trường.
Đã có khoảng 6.520 căn hộ được giao dịch thành công trong quý I, giảm 2% theo quý nhưng tăng 16% theo năm. Tỷ lệ hấp thụ cũng giảm 4 điểm % theo quý và giảm 8 điểm % theo năm, xuống chỉ còn 27%, do nguồn cung lớn.
"Căn hộ hạng B vẫn đang có sức tiêu thụ mạnh nhất. Tuy nhiên với nguồn cung sơ cấp lên tới hơn 2,4 vạn căn thì số lượng căn hộ hạng B còn tồn kho cũng rất lớn, ước chừng khoảng 1 vạn căn (tương đương 41,6%) – tính đến thời điểm cuối tháng 3/2017", bà Hằng nói.
Trong khi đó, hạng A đang thể hiện "phong độ" tốt khi có tỷ lệ hấp thụ cao nhất trong 3 hạng; riêng trong quý vừa qua đã bán được 1.000 căn, tương đương 50% nguồn cung.
Các quận phía Tây tiếp tục là nguồn cung căn hộ chủ yếu cho thị trường Hà Nội
Về chỉ số giá nhà ở, bà Hằng nhận định vẫn đang tương đối ổn định, chỉ giảm nhẹ 0,4 điểm % theo quý và 1 điểm % theo năm.
Savills dự báo trong năm 2017 có khoảng 40.800 căn hộ sẽ gia nhập thị trường, phần lớn là căn hộ hạng B từ các quận ở khu Tây như: Hà Đông, Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm và Thanh Xuân. Tuy nhiên, bà Đỗ Thu Hằng cũng "tiết lộ" lượng giao dịch tại các quận này (đặc biệt là Cầu Giấy, Thanh Xuân) đang có sự suy giảm do khách hàng lo ngại về sự quá tải của hạ tầng giao thông.
Bên cạnh đó, một điểm đáng chú ý khác mà bà Hằng cũng lưu ý là câu hỏi liệu năm 2017 có bùng nổ nhà giá rẻ hay không? "Tính đến thời điểm hiện nay, Savills ước tính lượng căn hộ giá rẻ chào bán trong năm 2017 sẽ đạt khoảng 35% tổng nguồn cung dự kiến, tức là khoảng 3.570 căn. Với con số này, bùng nổ hay không bùng nổ thì mỗi người sẽ tự đưa ra kết luận cho mình", bà Hằng nói.
74% dự án biệt thự liền kề còn nằm trên giấy
Báo cáo của Savills cho thấy trong quý I vừa qua, thị trường biệt thự liền kề Hà Nội hoạt động tương đối ổn định. Tổng nguồn cung toàn thị trường đã đạt mức 36.068 căn (trong đó sơ cấp: 2.824 căn, thứ cấp hơn 33.000 căn) tăng 3% theo quý và 14% theo năm.
Nguồn cung mới trong quý đạt khoảng 1.005 căn, được cung cấp bởi 3 dự án. Riêng phân khúc biệt thự chiếm 58% và Vingroup gần như là nhà cung cấp chủ yếu nguồn cung mới này. Còn nếu xét theo địa bàn thì dẫn đầu là quận Long Biên với 55% thị phần, tiếp đến là Từ Liêm (39%) và các quận khác.
Trong thời gian tới sẽ gần như không có nguồn cung biệt thự liền kề mới tại Hà Nội
"Tỷ lệ hấp thụ trong quý đạt 21%, giảm 9 điểm % theo quý và 3 điểm % theo năm. Tổng lượng giao dịch đạt 579 căn, giảm 24% so với quý trước nhưng tăng 40% so với quý I/2016, chia đều cho cả hai phân khúc biệt thự và liền kề. Đây là khác với quý trước – khi nhà phố thương mại có lượng giao dịch khá lớn", bà Hằng cho biết,
Hiện giá bán sơ cấp của biệt thự đã tăng 23% theo quý, trong khi phân khúc liền kề vẫn giữ sự ổn định.
Xét nhu cầu mua, có 52% căn bán được là dành để đầu tư 36% để ở và 12% cho thuê lại.
Đáng chú ý, theo bà Hằng, trong thời gian tới sẽ không có nhiều hàng được bán ra. "Khoảng 74% dự án (trong số 78 dự án tương lai) đang ở giai đoạn lập kế hoạch, số còn lại đang lập quy hoạch và giải tỏa mặt bằng. Do vậy, giá thứ cấp đang có xu hướng nhích lên", bà Hằng nhận định.