M&A

Thương vụ lớn nhất của ‘đế chế’ mỹ phẩm Estee Lauder: Mua lại Tom Ford với giá 2,8 tỷ USD

(VNF) - Công ty Estee Lauder đã đồng ý mua lại thương hiệu xa xỉ Tom Ford trong một thương vụ được định giá lên tới 2,8 tỷ USD, đánh dấu thương vụ mua lại lớn nhất của công ty làm đẹp này và cũng là vụ giao dịch lớn nhất ngành công nghiệp làm đẹp trong năm nay.

Thương vụ lớn nhất của ‘đế chế’ mỹ phẩm Estee Lauder: Mua lại Tom Ford với giá 2,8 tỷ USD

Estee Lauder "chốt" thương vụ 2,8 tỷ USD với thương hiệu Tom Ford của nhà thiết kế người Mỹ cùng tên.

Thoả thuận được công bố ngày 15/11, khi gã khổng lồ mỹ phẩm thể hiện quyết tâm mở rộng thương hiệu bằng cách đặt cược vào Tom Ford, một nhãn hiệu đang được nhiều “ông lớn” trong ngành để mắt và tranh giành nhờ “ăn nên làm ra”.

Là một phần của thỏa thuận, tập đoàn Ermenegildo Zegna và Marcolin SpA của Italy sẽ lần lượt ký kết các thỏa thuận cấp phép dài hạn cho thời trang Tom Ford và kính mắt Tom Ford. Sau khi hoàn thành việc cấp phép cho Tom Ford, Marcolin SpA sẽ phải trả cho Estee Lauder 250 triệu USD.

Theo đó, thương hiệu thời trang xa xỉ của nhà thiết kế Tom Ford sẽ được Estee Lauder mua lại bằng 2,3 tỷ USD tiền mặt trả trước và khoảng 300 triệu USD thanh toán chậm từ tháng 7/2025. Tính tổng số tiền, thương vụ mua lại Tom Ford được định giá lên tới 2,8 tỷ USD.

Việc mua bán, tùy thuộc vào sự chấp thuận theo quy định, dự kiến sẽ kết thúc vào nửa đầu năm 2023.

Nói về thương vụ mới, nhà thiết kế Tom Ford cho biết ông vô cùng vui mừng, đánh giá Estee Lauder là một đối tác “tuyệt vời từ lần đầu gặp mặt” và bày tỏ niềm tin việc mua lại sẽ “mở ra một chương mới” cho Tom Ford.

Theo thỏa thuận, nhà thiết kế 61 tuổi, người sáng lập và Giám đốc điều hành của Tom Ford International, sẽ vẫn là người có tầm nhìn sáng tạo của thương hiệu cho đến cuối năm 2023. Domenico De Sole, chủ tịch của Tom Ford International, sẽ tiếp tục làm cố vấn cho đến cùng thời điểm đó.

Thương vụ mua lại này cũng đã giúp ông Ford ghi tên vào hàng ngũ tỷ phú thế giới sau 17 năm hoạt động trong ngành công nghiệp thời trang.

Theo Forbes, ông chủ Tom Ford sẽ nhận được khoảng 1,1 tỷ USD tiền mặt từ thương vụ (đã trừ thuế), do ông nắm khoảng 64% cổ phần công ty kể từ năm 2013. Ông cũng sở hữu ít nhất hai ngôi nhà, bao gồm một ở Holmby Hills, Los Angeles và một ở Upper East Side, New York, trị giá tổng khoảng 65 triệu USD. Tổng cộng, khối tài sản của ông Ford có giá trị ước tính khoảng 1,2 tỷ USD.

Estée Lauder đã báo cáo trong tháng này rằng doanh số bán hàng ở châu Á giảm do các chính sách nghiêm ngặt về đại dịch của khu vực. Tăng trưởng thấp hơn ở Trung Quốc cũng buộc Estée Lauder phải giảm dự báo tài chính cho năm tới. Cổ phiếu của công ty đã giảm khoảng 40% trong năm nay.

Trái lại, Tom Ford đã báo cáo khoản lãi 96 triệu USD trên doanh thu 1,7 tỷ USD vào năm 2021. Tom Ford có 98 cửa hàng tại một số quốc gia bao gồm Trung Quốc, Italy, Nhật Bản, Nga, Thụy Sĩ và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Trong đó, dòng sản phẩm làm đẹp của Tom Ford đặc biệt thành công ở Trung Quốc, khiến thương hiệu này trở thành miếng mồi “béo bở” trong mắt các doanh nghiệp lớn.

Thỏa thuận giữa hai thương hiệu sẽ gia tăng sức mạnh của thị trường mỹ phẩm và thời trang cao cấp trước tình trạng lạm phát gia tăng và sự gián đoạn chuỗi cung ứng, đặc biệt trong bối cảnh nhiều thương hiệu cao cấp đang tìm kiếm con đường phát triển mới khi hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc, từng là động lực cho các doanh nghiệp làm đẹp và hàng xa xỉ, trở nên khó khăn hơn.

Theo Goldman Sachs, bắt đầu từ tuần trước, Tom Ford đã bắt đầu đàm phán với hàng loạt thương hiệu nổi tiếng trong ngành, bao gồm cả tập đoàn Kering (sở hữu Gucci, YSL, Balenciaga hay Bottega Veneta).

Xem thêm >> Nữ tỷ phú tự thân giàu nhất Ấn Độ Falguni Nayar: Xây dựng ‘đế chế’ mỹ phẩm ở tuổi 50

Tin mới lên