Tài chính quốc tế

Thuỵ Điển vượt rào cản vào NATO, TT Putin gửi lời cảnh cáo phương Tây

(VNF) - Thế giới tuần qua ghi nhận nhiều sự kiện lớn như Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 13 (MC13) của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) diễn ra tại Abu Dhabi hay bài phát biểu Thông điệp Liên bang của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Về các tin tức kinh tế đáng chú ý, mức tăng đột biến của đồng Bitcoin trở thành tâm điểm trong tuần.

Thuỵ Điển vượt rào cản vào NATO, TT Putin gửi lời cảnh cáo phương Tây

Thụy Điển đã được Hungary chấp thuận tư cách thành viên NATO trong tuần này.

Bitcoin tiến sát ngưỡng 64.000 USD

Trong tuần từ 26/2-3/3, đồng tiền số lớn nhất thế giới Bitcoin (BTC) tăng hơn 13%, ghi nhận một trong những tuần có hiệu suất tốt nhất trong vòng 2 năm.

Trước đó trong tuần, ngày 28/2, giá Bitcoin (BTC) là 60.214,49 USD, là lần đầu tiên giá BTC tăng lên trên 60.000 USD kể từ tháng 11/2021. Rạng sáng ngày 29/2, đồng tiền số lớn nhất thế giới đã suýt chạm mốc 64.000 USD, ở mức 63.986 USD/BTC.

Tính từ đầu năm tới nay, giá BTC đã tăng gần 40%, cho thấy sức bật giá khủng khiếp của đồng tiền ảo lớn nhất thế giới sau hơn 2 năm khủng hoảng, khi dòng vốn đổ vào các sản phẩm giao dịch trao đổi Bitcoin giao ngay mới của Mỹ đã thúc đẩy thị trường tiền ảo.

Bên cạnh đó, các nhà giao dịch đã đổ tiền vào Bitcoin trước sự kiện giảm một nửa vào tháng 4 (halving) - một quá trình được thiết kế để làm chậm quá trình phát hành tiền điện tử. 

Các nhà giao dịch cũng đổ tiền vào BTC trước kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thực hiện một loạt đợt cắt giảm lãi suất trong năm nay, thúc đẩy dòng vốn vào các tài sản mạo hiểm dễ biến động nhưng lợi suất cao hơn.

Xem thêm >> Bitcoin vượt mốc 60.000 USD, kích thích 'sự thèm ăn' của nhà đầu tư

Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 13 (MC13) của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)

Sáng 26/2, Hội nghị cấp Bộ trưởng lần thứ 13 của Tổ chức Thương mại Thế giới (MC13) đã khai mạc tại Abu Dhabi, Thủ đô của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất.

Nội dung của Hội nghị chủ yếu tập trung vào giải quyết một số vấn đề chính: Trợ cấp khuyến khích đánh bắt thủy hải sản quá mức; cải cách để thị trường nông nghiệp công bằng và thân thiện hơn với môi trường; nỗ lực nhằm khôi phục hệ thống giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia...

Hội nghị bắt đầu với việc WTO kết nạp thêm Comoros và Đông Timor, nâng tổng số quốc gia thành viên lên thành 166 nước. Đây là đợt mở rộng đầu tiên của tổ chức thương mại lớn nhất hành tinh này sau 8 năm và cũng có thể là một trong những thành công khiêm tốn của hội nghị.

Cũng trong ngày đầu tiên, Tổng giám đốc WTO đã ra mắt quỹ trị giá 50 triệu EUR nhằm tài trợ các nữ doanh nhân tại các nước đang phát triển để xuất khẩu hàng hóa bằng cách khai thác khả năng do nền kinh tế kỹ thuật số mang lại.

Tuy nhiên, đến ngày 2/3, MC13 đã bế mạc mà không đạt được đột phá quan trọng nào đối với các vấn đề lớn, dù kéo dài thời gian hơn dự kiến.

Kết thúc 5 ngày thảo luận, các bộ trưởng thương mại của hơn 160 nước thành viên đã nhất trí tạm thời gia hạn lệnh cấm áp thuế hải quan thương mại điện tử thêm 2 năm, nhưng không có đột phá nào trong vấn đề nông nghiệp, nghề cá cùng các vấn đề quan trọng khác. 

Phát biểu tại cuộc họp báo bế mạc hội nghị, Bộ trưởng Thương mại UAE Thani Al Zeyoudi, Chủ tịch MC13 thừa nhận, dù đã nỗ lực hết sức, song các nước thành viên WTO đã không thống nhất được một số văn bản có tầm quan trọng lớn đối với nhiều nước.

Về phần mình, Tổng giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala cho rằng MC13 diễn ra trong bối cảnh thế giới đang trải qua tình trạng mà bà đánh giá là bất ổn nhất. Theo Tổng giám đốc WTO, dù hội nghị đã đạt được một số điều quan trọng, song vẫn có nhiều vấn đề bị bỏ lỡ.

Các đại biểu tham dự MC13 cũng mô tả các cuộc đàm phán trong thời gian diễn ra hội nghị khá căng thẳng, gây tranh cãi và Tổng giám đốc WTO đã nỗ lực để có thể tạo ra chuyển biến tích cực. 

Hội nghị cấp Bộ trưởng lần thứ 13 của Tổ chức Thương mại Thế giới đã diễn ra tại Abu Dhabi trong 5 ngày.

Thụy Điển vượt qua "rào cản" cuối để trở thành thành viên NATO

Ngày 26/2, Hungary đã bỏ phiếu phê chuẩn đề nghị gia nhập NATO của Thụy Điển, kết thúc nhiều tháng đàm phán ngoại giao và hoàn tất tư cách thành viên của Stockholm gần 2 năm sau khi nước này lần đầu tiên nộp đơn xin gia nhập liên minh quân sự.

Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson nói trên trang mạng xã hội X rằng đây là một “ngày lịch sử” đối với đất nước ông.

Ông Kristersson cho biết trong một cuộc họp báo sau khi Hungary chấp thuận: “Thụy Điển đang bỏ lại phía sau 200 năm trung lập và không liên kết quân sự. Chúng tôi gia nhập NATO để bảo vệ những gì chúng tôi tin tưởng. Chúng tôi đang bảo vệ quyền tự do, nền dân chủ và các giá trị của mình cùng với những quốc gia khác".

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng lưu ý trong một bài đăng trên mạng xã hội rằng việc bổ sung Thụy Điển sẽ khiến liên minh này “an toàn và mạnh mẽ hơn”.

Thụy Điển nộp đơn xin gia nhập NATO vào tháng 5/2022 - cùng thời điểm với Phần Lan - trong một cuộc cải tổ mang tính lịch sử về chính sách không liên kết quân sự sau khi chiến sự Nga - Ukraine nổ ra.

Việc gia nhập của nước này sẽ mở rộng sự hiện diện của NATO ở Bắc Âu, khi liên minh này tìm cách tăng cường khả năng phòng thủ của mình.

Theo thông tin trên trang web của Quốc hội Hungary, ngày 2/3, Chủ tịch Quốc hội Hungary Laszlo Kover đã ký dự luật phê chuẩn đơn xin gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của Thụy Điển và chuyển văn kiện này tới Văn phòng Tổng thống để ban hành.

Nga cấm xuất khẩu xăng 6 tháng

Ngày 27/2, Nga đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu xăng trong 6 tháng (1/3-31/8/2024) để ổn định giá cả và đáp ứng nhu cầu leo thang trong nước đối với các sản phẩm dầu thô.

Trên Telegram, Chính phủ Liên bang Nga thông báo: “Các quyết định được đưa ra nhằm mục đích duy trì tình hình ổn định trên thị trường nhiên liệu trong thời kỳ nhu cầu gia tăng liên quan đến hoạt động đồng áng mùa Xuân, kỳ nghỉ lễ và kế hoạch sửa chữa các nhà máy lọc dầu”.

Lệnh cấm xuất khẩu xăng sẽ không áp dụng đối với các quốc gia theo các hiệp định liên Chính phủ, bao gồm các thành viên Liên minh Kinh tế Á-Âu, cũng như nhiên liệu do công dân mang ra nước ngoài để sử dụng và nhiên liệu dùng để hỗ trợ nhân đạo quốc tế.

Trước đó, lệnh cấm xuất khẩu xăng cũng được áp dụng tại Nga từ ngày 21/9 đến ngày 17/11/2023 nhằm ổn định giá cả trên thị trường nhiên liệu động cơ trong nước. Một biện pháp tương tự cũng được thực hiện đối với nhiên liệu dầu diesel.

Xuất khẩu dầu, sản phẩm dầu và khí đốt cho đến nay là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Nga, nguồn thu ngoại tệ chính cho nền kinh tế trị giá 1,9 nghìn tỷ USD của Nga và đảm bảo rằng Moscow có một vị trí hàng đầu trong chính trị năng lượng toàn cầu.

Tổng thống Nga đọc Thông điệp Liên bang 2024

Ngày 29/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đọc Thông điệp Liên bang trước khoảng 1.000 nhà lập pháp và quan chức Nga, các nhà lãnh đạo tôn giáo, các nhà ngoại giao và nhà báo. 

Trong bài phát biểu kéo dài hơn 1 giờ đồng hồ trước Quốc hội Liên bang, ông Putin gửi lời cảnh cáo đanh thép tới các nhà lãnh đạo phương Tây rằng Nga sẽ sử dụng tất cả khả năng phòng thủ của mình nếu phương Tây trực tiếp can dự vào cuộc xung đột Ukraine.

″Phương Tây phải nhận ra rằng chúng tôi cũng có vũ khí có thể tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ của họ. Tất cả điều này thực sự tạo nên mối đe doạ về một cuộc xung đột sử dụng vũ khí hạt nhân và sự hủy diệt của nền văn minh. Họ không hiểu điều đó sao?”, ông Putin nói.

Cũng trong bài phát biểu của mình, ông Putin cũng công bố các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế và các ngành công nghiệp của Nga. Theo đó, Tổng thống Nga kêu gọi tăng cường sản xuất hàng tiêu dùng, thuốc và phương tiện trong nước. Ông cũng khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nước này, kêu gọi cắt giảm thuế đối với các công ty vừa và nhỏ.

Tổng thống Nga đưa ra đề xuất xây dựng không chỉ ngân sách 3 năm cho đất nước mà còn cả kế hoạch tài chính 6 năm.

Ông Vladimir Putin tuyên bố trong Thông điệp liên bang rằng vốn hóa thị trường chứng khoán Nga sẽ tăng gấp đôi vào năm 2030 và lên tới 66% GDP. Ông Putin cũng kêu gọi tăng gấp đôi đầu tư công và tư nhân vào nghiên cứu và phát triển.

Về quan hệ đối ngoại, Tổng thống Nga cho biết nước này sẽ tiếp tục tìm kiếm điểm chung với các đối tác ở Trung Đông và Mỹ Latinh.

Xem thêm >> Thông điệp Liên bang Nga 2024: TT Putin gửi lời cảnh báo đanh thép đến phương Tây

Tin mới lên