Tài chính quốc tế

Cuộc chiến FDI tại ASEAN: Khi Mỹ - Trung 'so găng'

(VNF) - Dòng vốn FDI vào Đông Nam Á đang ở mức ấn tượng trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đối mặt với nhiều thách thức. Trong đó, Mỹ và Trung Quốc là hai trong số những nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu của các quốc gia ASEAN.

Cuộc chiến FDI tại ASEAN: Khi Mỹ - Trung 'so găng'

Ảnh minh hoạ

ASEAN đón đầu làn sóng FDI

Theo báo cáo “A Special ASEAN Investment Report 2023”, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào ASEAN đạt mức cao nhất mọi thời đại vào năm 2022, tương đương với 224 tỷ USD. Đồng thời, tỷ trọng FDI của ASEAN so với FDI toàn cầu cũng đã tăng từ 15% vào năm 2021 lên 17%.

Tổng vốn FDI cũng đã tăng 45% lên khoảng 185 tỷ USD, với FDI ròng tăng gấp đôi chạm ngưỡng 105 tỷ USD trong giai đoạn 2020 - 2022. Đáng chú ý thành tựu này diễn ra trong bối cảnh dòng vốn FDI toàn cầu giảm 12% xuống còn 1,3 nghìn tỷ USD do nhiều thách thức như căng thẳng địa chính trị, nguy cơ suy thoái kinh tế và áp lực nợ gia tăng ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Bước sang năm 2023, mặc dù dòng vốn FDI chảy vào ASEAN ghi nhận mức giảm 16% do ảnh hưởng của tình hình chung trên toàn cầu nhưng khu vực này vẫn là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Số lượng dự án mới đã tăng tới 37% trong năm 2023, điển hình là ở các quốc gia như Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Philippines – nhóm quốc gia được ví như những “con hổ mới của châu Á”.

Theo thống kê của HSBC, Singapore, Indonesia và Việt Nam là ba quốc gia thu hút FDI hàng đầu trong khu vực ASEAN. Indonesia thậm chí đã ghi nhận mức tăng trưởng FDI cao nhất thế giới trong năm 2022, đạt 45,6 tỷ USD. Trong khi đó, Việt Nam chiếm khoảng 7 – 10% tổng số vốn FDI vào ASEAN trong giai đoạn 2010 – 2021. Một quốc gia khác là Malaysia cũng đón làn sóng FDI tăng mạnh trong những năm qua.

Động lực chính của tăng trưởng FDI tại khu vực ASEAN là các ngành sản xuất, tài chính, bán buôn, thương mại bán lẻ và một số ngành dịch vụ gắn với kinh tế số. Năm ngành công nghiệp này tiếp nhận tới 86% tổng dòng vốn FDI trong khu vực. Trong đó, sản xuất vẫn là lĩnh vực nhận được nhiều sự quan tâm với mức đầu tư tăng lên mức cao nhất mọi thời đại 62 tỷ USD vào năm 2021.

Tỷ trọng sản xuất trong tổng vốn FDI vào ASEAN đã tăng từ chỉ 9% vào năm 2020 lên 26% vào năm 2021 và 28% vào năm 2022. Ngành điện và điện tử vẫn là ngành nhận đầu tư lớn nhất trong lĩnh vực sản xuất tại ASEAN vào năm 2022 khi chiếm tới hơn 70% tổng số vốn FDI đã công bố.

Môi trường đầu tư tại khu vực Đông Nam Á ngày càng được cải thiện và nâng cao khi các quốc gia thành viên đã và đang áp dụng ngày càng nhiều các chính sách để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.

Trong những năm gần đầy, một loạt các tuyên bố, hiệp định được các quốc gia ASEAN đưa ra nhằm kích thích đầu tư nước ngoài ở nhiều lĩnh vực khác nhau, từ ngành công nghiệp xe điện đến kinh tế số cùng các lĩnh vực khác.

Trong giai đoạn từ 2013 – 2022, các quốc gia ASEAN đã ban hành tổng cộng 149 biện pháp chính sách, với hơn 90% trong số đó có lợi hoặc trung lập đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Con số này vượt qua tỷ lệ trung bình 68% trên toàn cầu và 86% của khu vực châu Á.

Chiến trường thương mại mới của Mỹ - Trung

Đầu tư nội khối ASEAN đang trở thành nguồn cung cấp vốn FDI hàng đầu trong khu vực. Tỷ trọng đầu tư nội khối trong tổng dòng vốn FDI vào ASEAN luôn duy trì ở mức cao dưới 20% kể từ năm 2017. Những quốc gia Đông Nam Á đã tiến hành công nghiệp hóa trước đó như Singapore, Malaysia hay Thái Lan đã và đang đổ tiền đầu tư vào các quốc gia đi sau tiềm năng trong khu vực như Việt Nam hay Indonesia.

Tuy nhiên, ngoài dòng vốn FDI nội khối, các quốc gia Đông Nam Á đã thu hút các nhà đầu tư từ Mỹ, châu  u sang đến châu Á và ở nhiều lĩnh vực khác nhau, điển hình là Mỹ và Trung Quốc.

Trong 3 năm qua, Mỹ đã trở thành quốc gia dẫn đầu trong việc rót vốn FDI vào khu vực ASEAN. Hiện Mỹ là nhà đầu tư hàng đầu trong các lĩnh vực sản xuất và tài chính của ASEAN, chiếm gần 30% vốn FDI trong mỗi lĩnh vực.

Mỹ trở thành nhà đầu tư hàng đầu trong các dự án vốn ở Đông Nam Á khi chi 74,3 tỷ USD cho xây dựng nhà máy và các dự án khác từ năm 2018 – 2022. Các doanh nghiệp Mỹ chủ yếu tập trung vào các khoản đầu tư liên quan đến chất bán dẫn ở các quốc gia như Singapore và Malaysia.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhất là sau khi Việt Nam và Mỹ nâng cấp lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, nhiều công ty bán dẫn của Mỹ cũng đã bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến thị trường Việt Nam.

Trong tháng 10/2023, Amkor Technology đã mở một nhà máy bán dẫn tại Bắc Ninh với chi phí 1,6 tỷ USD. Nhà máy này được thiết kế để trở thành cơ sở sản xuất lớn nhất của công ty Mỹ trên thế giới.

Nếu như Mỹ từ lâu đã là một trong những nhà đầu tư lớn của ASEAN thì trong những năm gần đây, sự hiện diện của Trung Quốc tại khu vực này lại đang dần trở nên rõ nét hơn.

"Trung Quốc đã bắt kịp nhanh chóng trong những năm gần đây, họ đầu tư mạnh vào các lĩnh vực mà mỗi nền kinh tế có lợi thế cạnh tranh, bao gồm điện tử gia dụng ở Việt Nam, chuỗi cung ứng xe điện ở Indonesia và Thái Lan cũng như ngành dược phẩm của Singapore. Ngoài sản xuất, các nhà đầu tư Trung Quốc cũng nhanh chóng đổ xô vào thị trường tiêu dùng đang mở rộng nhanh chóng của ASEAN", báo cáo của HSBC cho hay.

Kể từ khi xe điện bùng nổ, các quốc gia Đông Nam Á như Indonesia, Thái Lan hay Malaysia trở thành “miền đất hứa” của nhiều hãng xe Trung Quốc. Tại Indonesia, đầu tư của Trung Quốc đạt 30,8 tỷ USD trong giai đoạn 2014 – 2022 với 15.906 dự án. Tính đến hết năm 2023, Trung Quốc là nhà đầu tư FDI lớn thứ hai tại Indonesia, chỉ sau Singapore.

Không riêng Indonesia, Malaysia cũng đang tăng tốc trong cuộc đua hút vốn FDI từ Trung Quốc ở lĩnh vực sản xuất xe điện. Trong năm 2023, Malaysia đã thu hút được ba hãng xe điện Trung Quốc là BYD, Great Wall Motor và Chery đầu tư. Ngoài ra, các doanh nghiệp Trung Quốc cũng mở rộng đầu tư sang lĩnh vực năng lượng mặt trời với khoản đầu tư lên tới hơn 10 tỷ USD trong 15 năm tới.

Tại Việt Nam, các nhà đầu tư Trung Quốc đã đầu tư vào 4.161 dự án với tổng vốn đăng ký trên 27 tỷ USD. Trung Quốc hiện đang đứng thứ 6 trong tổng số 144 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào nước ta. Riêng trong 11 tháng năm 2023, Trung Quốc dẫn đầu về số dự án cấp mới vào Việt Nam với 632 dự án và tổng vốn hơn 3 tỷ USD.

Việc Đông Nam Á được hưởng lợi trong cuộc đua cạnh tranh đầu tư FDI của Mỹ và Trung Quốc là điều có thể thấy rõ. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích mang lại, các quốc gia ASEAN vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức.

Theo giáo sư Ann Marie Murphy, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại tại Đại học Seton Hall, các quốc gia Đông Nam Á đã được hưởng lợi từ cuộc cạnh tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, trong đó bao gồm cả làn sóng đầu tư FDI tăng vọt.

“Tuy nhiên, nếu không cẩn thận, các quốc gia Đông Nam Á có thể bị rơi vào cảnh phụ thuộc về kinh tế vào Mỹ hoặc Trung Quốc hoặc cả hai. Chưa kể, nhiều quốc gia sẽ phải đối mặt với áp lực khi phải đưa ra những lựa chọn rõ ràng trong các lĩnh vực nòng cốt như công nghệ”, ông nói.

Tin mới lên