Tài chính quốc tế

Tiền điện tử có đe dọa ổn định tài chính của châu Âu?

Theo cảnh báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), giới chức châu Á đang ngày càng nhạy cảm với những rủi ro do tiền điện tử gây ra.

Tiền điện tử có đe dọa ổn định tài chính của châu Âu?

Đồng tiền điện tử Bitcoin

Theo các chuyên gia IMF, tiền điện tử đang ngày càng hòa hợp với hệ thống tài chính và chứng khoán châu Á. Nhìn vào thị trường tài sản tiền điện tử ở Ấn Độ, Việt Nam và Thái Lan, các chuyên gia nhận thấy rằng mặc dù trước đại dịch, mối tương quan về lợi nhuận và biến động giữa bitcoin và thị trường chứng khoán châu Á là thấp, nhưng mối tương quan này đã tăng đáng kể từ năm 2020.

Các chuyên gia chỉ ra thực tế rằng các nhà đầu tư nắm giữ cả tiền điện tử và tài sản tài chính truyền thống có nhiều khả năng gây ra biến động thị trường tài chính, “thậm chí không trả được nợ truyền thống” khi họ tái cân bằng danh mục đầu tư của mình. Do đó, các nhà chức trách châu Á ngày càng nhạy cảm với những rủi ro do tiền điện tử gây ra khi việc áp dụng loại tiền này tiếp tục lan rộng.

Vậy, vấn đề này tại châu Âu thì sao? Theo Giáo sư tài chính của Trường Quản trị-Kinh doanh Liège (HEC Liège) Georges Hübner thì tại “Lục địa già”, tình trạng này chưa đến mức quá đáng lo ngại.

Theo ông, lý do ngày càng nhiều người nắm giữ tiền điện tử là vì hiệu ứng của đại dịch Covid-19. Giá trị vốn hóa của thị trường tiền điện tử đã chứng kiến mức tăng đáng kể trong những năm gần đây, tương đương với đồng euro hoặc đồng USD.

Tuy nhiên, “ngay cả khi giá trị vốn hóa của thị trường tiền điện tử là khoảng 1.000 tỷ USD, thì đây vẫn chưa phải là mối đe dọa cực kỳ lớn đối với sự ổn định của thế giới. Tiền điện tử vẫn chưa phải là một thị trường có khả năng gây nguy hiểm cho sự ổn định toàn cầu, như chúng ta đã thấy trong năm 2008 hoặc 2011”, Giáo sư Georges Hübner khẳng định.

Liên quan đến những rủi ro của tiền điện tử đối với thị trường châu Á, Giáo sư Georges Hübner giải thích, ở một số nơi, có sự gia tăng của việc nắm giữ tiền điện tử làm tài sản. Một số loại tiền điện tử (bao gồm ethereum và bitcoin) được coi là lựa chọn bổ sung hữu ích cho danh mục đầu tư cổ phiếu hoặc trái phiếu. Trước đây, việc lưu giữ chủ yếu là vàng và một số kim loại quý. Hiện nay, một số người đã thay thế các kim loại quý này bằng các loại tiền điện tử.

Trên thực tế, không chỉ các cá nhân đầu tư vào tiền điện tử như một phần tài sản tư nhân, mà còn cả sự tham gia của các nhà đầu tư tổ chức.

“Xét đến tầm quan trọng của tiền điện tử trong danh mục đầu tư nội địa của các quốc gia, bất ổn có thể xảy đến trên thị trường cổ phiếu hoặc trái phiếu khi việc tái cân bằng danh mục đầu tư khiến tiền điện tử trở nên dễ ‘bay hơi’ hơn. Nhưng một lần nữa, chúng ta đang nói về thị trường nội địa, điều này không có khả năng gây bất ổn cho Phố Wall hoặc Euronext (sàn giao dịch chứng khoán lớn nhất châu Âu)", Giáo sư Georges Hübner nhấn mạnh.

Mặc dù vậy, các chuyên gia IMF vẫn phát đi tín hiệu cảnh báo: "Hãy cẩn thận, mọi người có thể có ảo tưởng quá lớn với tiền điện tử so với giá trị thực của chúng. Điều này có thể ảnh hưởng đến sự ổn định tài chính ở một số nền kinh tế".

Ví dụ, thị trường chứng khoán Thái Lan chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi sự biến động của giá bitcoin, trong khi đồng tiền này không liên quan đến sự phát triển của kinh tế Thái Lan nói chung. Bitcoin giảm 10% không có nghĩa là nền kinh tế Thái Lan giảm giá trị 10%.

Khi được hỏi rằng liệu hiện tượng này có xảy ra ở châu Âu không, Giáo sư Georges Hübner nhận định: “Điều đó chắc chắn rất khó xảy ra vì ở châu Âu, thói quen đầu tư thận trọng hơn, đặc biệt là đối với các nhà đầu tư tổ chức. Hầu như sẽ không có ngân hàng nào đầu tư đáng kể hay lưu giữ tiền điện tử trong tài khoản của mình”.

Theo Giáo sư, châu Âu có quy định khá gắt gao về việc giám sát các loại tiền điện tử này. Có một loạt các cơ chế bảo vệ và quy định, có nghĩa là vẫn có rất ít cơ hội để các cá nhân quyết định một lượng lớn tiền điện tử trong danh mục đầu tư của họ, đến mức có thể gây ảnh hưởng đến các thị trường khác”.

Tin mới lên