Thị trường

Tính toán mới của Gemadept: Hệ sinh thái tích hợp cảng và logistics

(VNF) - Phó tổng giám đốc Gemadept (HoSE: GMD) Đỗ Công Khanh cho biết công ty đang tập trung hoàn tất các thủ tục cần thiết để có thể khởi công giai đoạn II dự án siêu cảng nước sâu Gemalink ngay trong năm 2022, song song với việc triển khai giai đoạn II dự án cảng Nam Đình Vũ.

Tính toán mới của Gemadept: Hệ sinh thái tích hợp cảng và logistics

Thắng lợi trong năm dịch

2021 là một năm đầy khó khăn đối với nền kinh tế nói chung, song có những ngành lại hái được “quả ngọt” trong gian khó, ví như khai thác cảng và logistics. Tại Việt Nam, Gemadept là doanh nghiệp đầu ngành về khai thác cảng và logistics với hệ thống 8 cảng trải dài từ Nam ra Bắc, lớn nhất là Gemalink, siêu cảng nước sâu ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, kết quả của việc hợp tác với CMA CGM.

Năm 2021, tổng sản lượng khai thác cảng của Gemadept đạt khoảng 2,7 triệu TEU, tăng tới 153% so với năm trước, trong đó: khối cảng miền Bắc tăng 16%, khối cảng miền Trung tăng 13% và đặc biệt cảng Gemalink, tuy mới đi vào hoạt động từ giữa tháng 1/2021 nhưng đã góp phần nâng cao gấp đôi sản lượng khối cảng miền Nam, đóng góp hơn 15% thị phần khu vực Cái Mép.

Logistics - cánh tay vươn dài của chuỗi cảng Gemadept, năm qua cũng đạt được tăng trưởng ấn tượng, hai con số, duy trì vị thế tốp đầu nhà vận tải biển nội địa và tốp 2 thị phần vận tải đường sông trên tuyến huyết mạch Việt Nam – Campuchia và dẫn đầu tuyến nội vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Chia sẻ với Tạp chí Đầu tư Tài chính, ông Đỗ Công Khanh, Phó tổng giám đốc Gemadept, cho biết năm 2021, ngược lại với bối cảnh chung, khi các công ty thu hẹp quy mô, giảm tỷ trọng đầu tư, Gemadept đã tăng cường mua sắm, mở rộng cơ sở.

“Chúng tôi đã mở rộng cầu cảng, đầu tư đội tàu sông, trang thiết bị làm hàng hiện đại như QC, eRTG cho các cảng hiện hữu như Nam Đình Vũ, Nam Hải Đình Vũ, Bình Dương, nâng cấp hệ thống kho bãi, đầu tư thêm đội tàu sông… nhằm gia tăng công suất khai thác, đáp ứng kịp thời nhu cầu của thị trường, đồng thời đẩy nhanh tốc chuyển đổi số, đưa công nghệ vào toàn bộ quá trình từ quản trị đến khai thác, thông qua các ứng dụng như Smart Port, River Gate, Catos, ERP… nhằm cải thiện năng suất, hiệu quả kinh doanh, nâng cao trải nghiệm và tiện ích của khách hàng”.

Những bước đi này đã mang lại cho Gemadept “quả ngọt”. Quý IV/2021, doanh thu thuần hợp nhất của công ty đạt 1.038 tỷ đồng, tăng 47% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 231 tỷ đồng, tăng gấp 2,7 lần. Kết quả này đã đưa tổng doanh thu thuần hợp nhất cả năm 2021 cán mốc 3.206 tỷ đồng, tăng 23% so với năm trước; lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 806 tỷ đồng, tăng 57%. Năm 2021, dòng tiền kinh doanh của Gemadept dương 1.005 tỷ đồng, lưu chuyển tiền thuần dương 211 tỷ đồng, đưa lượng tiền và tương đương tiền cuối kỳ tăng 49% so với đầu năm, đạt 637 tỷ đồng.

Những dự định mới

Sự thành công của mảng khai thác cảng và logistics đã tạo đà cho những kế hoạch tăng trưởng trong năm 2022 của Gemadept. Trong số 8 cảng hiện hữu, Gemalink là dự án quy mô hàng đầu cả nước. Siêu cảng nước sâu này tuy mới 1 năm tuổi nhưng đã cho thấy năng lực và chất lượng dịch vụ rất tốt.

“Mô hình cảng hướng tới sẽ là một cảng xanh – thông minh – hiện đại hàng đầu. Chúng tôi đang hoàn tất các thủ tục để có thể khởi công giai đoạn II của Gemalink ngay trong năm 2022. Mục tiêu là đưa giai đoạn II của dự án vào khai thác ngay từ cuối năm 2023, nâng tổng năng lực của Gemalink lên đến gần 3 triệu TEU thông qua, đáp ứng nhu cầu tăng cao của thị trường, đặc biệt dưới những tác động tích cực của các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, RCEP, xu hướng gia tăng cỡ tàu của các hãng vận tải và xu hướng tái định vị chuỗi cung ứng trên toàn cầu mà Việt Nam là một trong những điểm đến hấp dẫn”, ông Đỗ Công Khanh nói.

Hồi cuối năm 2021, KBS thông tin Gemadept có kế hoạch bán một phần Gemalink cho đối tác. Nói về thông tin này, ông Khanh cho hay việc chuyển nhượng một phần vốn góp trong liên doanh cho đối tác thứ ba (là một hãng tàu) đã có trong kế hoạch ban đầu của liên doanh nhằm đa dạng hóa, tối đa hóa nguồn hàng và nâng cao năng lực tài chính cho cảng.

“Với lợi thế của cảng Gemalink và nhu cầu thu xếp cầu bến nên các hãng tàu hàng đầu thế giới quan tâm đặc biệt đến dự án, đây là cơ hội rất tốt để chúng tôi lựa chọn được đối tác tốt nhất, phù hợp nhất”, ông Khanh nói và cho biết công ty sẽ thực hiện công bố theo quy định khi đạt được thỏa thuận chuyển nhượng.

Ngoài Gemalink ở miền Nam, một dự án cảng ở phía Bắc cũng được Gemadept chú trọng đặc biệt trong năm 2022 là giai đoạn II cụm cảng Nam Đình Vũ. Việc triển khai xây dựng giai đoạn II đã được khởi động từ cuối tháng 12/2021 nhằm hướng tới mục tiêu đầu năm 2023 đi vào vận hành.

Bên cạnh đó, Gemadept đang tiếp tục đầu tư mở rộng, nâng cao năng suất khai thác của cảng Bình Dương. Đồng thời, theo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, cảng Phước Long ICD sẽ tiếp tục hoạt động, cùng với cảng Bình Dương đóng vai trò vệ tinh kết nối đến cảng Gemalink và cụm cảng Cái Mép. Cũng liên quan đến cảng Phước Long ICD, mới đây, Gemadept tiếp tục tìm kiếm cơ hội để phát triển các hệ thống cảng sông các khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam để làm vệ tinh cho cảng Gemalink mở đường cho việc cung cấp chuỗi sinh thái cảng và logistics rộng khắp của Gemadept.

Tiềm năng của bất động sản và trồng rừng

Về lĩnh vực bất động sản, Gemadept hiện có hai dự án đáng chú ý. Một là dự án Saigon Gem, nằm trên “khu đất vàng” quận 1, TP. HCM với diện tích 3.640m2. Đây là khu phức hợp cao cấp gồm trung tâm thương mại và văn phòng làm việc hạng A. Dự án đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đang trong quá trình hoàn tất các thủ tục pháp lý để có thể triển khai xây dựng.

Hai là dự án rộng 6.715m2 nằm trên đại lộ Lane Xang tại Viêng Chăn (Lào). Dự án được thiết kế 7 tầng nổi, 1 tầng hầm, tổng diện tích sàn 21.329m2, hiện đang trong quá trình thi công phần móng và hầm. Chủ trương thoái vốn 2 dự án này đã có từ 2019. Ông Đỗ Công Khanh cho biết Gemadept hiện vẫn đang tìm kiếm đối tác, nhà đầu tư tiềm năng, để có thể thoái vốn vào thời điểm và điều kiện thuận lợi, tập trung tối đa nguồn lực cho hoạt động cốt lõi, dự kiến việc chuyển nhượng có thể được thực hiện ngay trong năm 2022.

Đối với mảng cao su, theo ông Khanh, những năm qua, Gemadept hạn chế tối đa việc trồng mới, chỉ tập trung duy trì tốt vườn cây đã trồng trước đó. “Thời gian gần đây, thị trường cao su đã ghi nhận những chuyển biến tích cực. Với lợi thế của dự án, chúng tôi sẽ đẩy nhanh hơn nữa tiến độ làm việc với đối tác và hi vọng trong năm nay có thể công bố thông tin chính thức về đối tác của dự án này”, ông Khanh nhấn mạnh.

Nhìn về tương lai, Phó tổng giám đốc Gemadept cho hay công ty đã đặt mục tiêu tiếp tục đầu tư, mở rộng hệ sinh thái tích hợp cảng và logistics, hướng tới mục tiêu đến năm 2025 sẽ tăng trưởng gấp ba về sản lượng và lợi nhuận trước thuế. Bên cạnh đó, công ty tiếp tục tìm kiếm cơ hội đầu tư phát triển lĩnh vực đồng tâm bao gồm cảng sông, ICD, bến thủy, trung tâm logistics, cảng hàng hóa hàng không, các khu công nghiệp... đẩy mạnh tăng trưởng theo định hướng xanh, phát triển bền vững.

Từ khoá: Gemadept, GMD, Đỗ Công Khanh,
Tin mới lên