Tiêu điểm

TP. HCM: Chuyển công an điều tra vụ góp vốn chui gần 600 tỷ đồng vào Saigon Co.op

(VNF) - Chủ tịch UBND quận 8 và quận 11 đã chuyển cơ quan điều tra làm rõ việc góp vốn chui vào Liên hiệp hợp tác xã thương mại TP. HCM (Saigon Co.op) năm 2020 của hợp tác xã tiêu dùng phường 14, quận 8 và của hợp tác xã thương mại và dịch vụ quận 11.

TP. HCM: Chuyển công an điều tra vụ góp vốn chui gần 600 tỷ đồng vào Saigon Co.op

Liên hiệp hợp tác xã thương mại TP. HCM (Saigon Co.op) là chủ sở hữu hệ thống siêu thị lớn nhất Việt Nam Co.opmart

Trong tổng số gần 3.600 tỷ đồng vốn góp chui vào Saigon Co.op năm 2020, hợp tác xã tiêu dùng phường 14, quận 8 góp 283 tỷ đồng và hợp tác xã thương mại và dịch vụ quận 11 góp 306 tỷ đồng. Hai vụ việc được chuyển cơ quan điều tra.

Theo kết luận thanh tra, tháng 1/2020, hợp tác xã tiêu dùng phường 14 góp 1 lần hơn 283 tỷ đồng vào Saigon Co.op. Trong số đó, có 6 cá nhân không phải là thành viên của Saigon Co.op thông qua hợp tác xã tiêu dùng phường 14 góp hơn 3,6 tỷ đồng. Còn lại 280 tỷ đồng do Công ty Anh Tú Thy, cũng không phải là thành viên Saigon Co.op, thông qua thỏa thuận hợp tác góp vốn đầu tư với hợp tác xã tiêu dùng phường 14 để góp vốn.

Dù toàn bộ số tiền trên không phải là vốn của thành viên hợp tác xã tiêu dùng phường 14, nhưng ông Đào Ngọc Duyên, đại diện theo pháp luật của hợp tác xã, đã lập khống hồ sơ, tài liệu và nhận số tiền này để góp vào Saigon Co.op. Đoàn thanh tra đã mời 6 cá nhân, ông Nguyễn Tiến Vũ và giám đốc Công ty Anh Tú Thy để làm rõ nhưng tất cả đều không đến.

Hoạt động kinh doanh của hợp tác xã tiêu dùng trong năm 2018 và 2019 hiệu quả chưa cao (gần 17 triệu và 2,6 tỷ đồng), lợi nhuận sau thuế giảm, nhưng trong năm 2020 đã góp hơn 283 tỷ vào Saigon Co.op.

Hợp tác xã tiêu dùng huy động vốn nhưng không xây dựng phương án, không thông qua HĐQT và đại hội thành viên hợp tác xã; huy động vốn không phục vụ cho sản xuất, kinh doanh, không đúng phương thức huy động theo quy chế quản lý tài chính và điều lệ hợp tác xã là vi phạm quy định Luật Hợp tác xã và Thông tư 83/2015 của Bộ Tài chính.

Ông Đào Ngọc Duyên (chủ tịch HĐQT kiêm giám đốc hợp tác xã tiêu dùng) bị cho là đã lập khống toàn bộ hồ sơ tài liệu nhằm hợp thức hoá việc huy động vốn của các tổ chức, cá nhân bên ngoài đầu tư vốn vào Saigon Co.op. Điều này là vi phạm nguyên tắc, tổ chức hoạt động theo Luật Hợp tác xã.

Kết luận thanh tra của Thanh tra quận 11 cũng phát hiện đầu năm 2020, hợp tác xã thương mại và dịch vụ quận 11 đã để cho ông Liêu Việt Phú thông qua đơn vị này góp vốn 300 tỷ đồng vào Saigon Co.op nhằm lấy lãi. Ngoài ra còn có nhà đầu tư khác chuyển 6 tỷ đồng cho 6 thành viên của hợp tác xã thương mại và dịch vụ quận 11 để góp vào Saigon Co.op.

Trước đó, tháng 1/2020, với vai trò chủ tịch HĐQT Saigon Co.op, ông Diệp Dũng đã chỉ đạo, tổ chức tăng vốn điều lệ cho Saigon Co.op từ 3.180 tỷ đồng lên 6.797 tỷ đồng (tăng thêm hơn 3.600 tỷ đồng).

Trong 26 hợp tác xã thành viên của Saigon Co.op, có 20 hợp tác xã thành viên tham gia trong đợt tăng vốn điều lệ bất thường này.

Nhiều cá nhân, tổ chức lợi dụng để góp vốn chui vào Sai gon Co.op thông qua các hợp tác xã thành viên.

Theo kết luận của Thanh tra TP. HCM, việc tăng vốn này là không đúng quy định pháp luật, có dấu hiệu bị thâu tóm, chiếm đoạt vốn, xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản chung và tài sản nhà nước, ảnh hưởng đến an ninh kinh tế của TP. HCM nói riêng và cả nước nói chung và nguy cơ sẽ bị chi phối bởi các tổ chức, cá nhân bên ngoài và không giữ được nguyên tắc tổ chức, hoạt động.

Tháng 12/2020, Cơ quan An ninh điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam ông Diệp Dũng để điều tra về tội “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ” liên quan đến việc tăng vốn điều lệ Saigon Co.op.

Tin mới lên