Bất động sản

TP. HCM: Củ Chi kiến nghị dừng dự án Sài Gòn Safari

(VNF) - Huyện Củ Chi kiến nghị TP. HCM chấp thuận chủ trương cho điều chỉnh quy hoạch khu công viên Sài Gòn Safari 456,85 ha sang chức năng khu công nghiệp kỹ thuật cao để tạo điều kiện cho huyện thu hút đầu tư, phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn huyện.

TP. HCM: Củ Chi kiến nghị dừng dự án Sài Gòn Safari

Dự án Sài Gòn Safari được cấp phép từ năm 2004, đến nay vẫn chưa triển khai được.

Dự án Thảo Cầm Viên mới (Sài Gòn Safari) được quy hoạch từ năm 2004 có tổng vốn đầu tư 500 triệu USD nhưng vẫn “bất động” cho đến nay.

Để tránh lãng phí tài nguyên đất, ảnh hưởng quyền lợi của người dân, dự án này đang được kiến nghị chuyển đổi quy hoạch để phát triển khu công nghệ cao.

Đại diện UBND huyện Củ Chi thông tin tại buổi giám sát của Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. HCM về việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với công tác quy hoạch trên địa bàn huyện Củ Chi từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành vào ngày 17/12.

Tại buổi giám sát, đại diện huyện Củ Chi cũng nêu ra một số bất cập như sự chưa đồng bộ giữa Luật Quy hoạch với một số Luật khác, như Luật Đất đai… Từ đó dẫn đến việc điều chỉnh quy hoạch, triển khai thực hiện các đồ án quy hoạch còn chậm, quy hoạch chồng lấn gây khó khăn…

Từ thực tiễn trên, Củ Chi đã kiến nghị Đoàn đại biểu Quốc hội cần có cơ chế chính sách về nhà, đất cho người dân bị ảnh hưởng bởi quy hoạch các chức năng công trình công cộng, cây xanh, giao thông, giáo dục… để giải quyết nhu cầu bức xúc của người dân về nhà ở trong lúc chờ quy hoạch.

Sau khi đồ án quy hoạch được duyệt phải xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện quy hoạch trong từng giai đoạn 5 năm, 10 năm nếu quá thời gian quy định mà không thực hiện thì xóa quy hoạch. Đơn giản hóa các thủ tục đầu tư có cơ chế để thu hút nhà đầu tư, tạo quỹ đất sạch để thu hút nhà đầu tư…

Dự án Sài Gòn Safari cách trung tâm TP.HCM khoảng 50km, có quy mô khoảng hơn 450ha thuộc các xã An Nhơn Tây, Phú Mỹ Hưng (huyện Củ Chi). Dự án này được cấp phép từ năm 2004 và do Công ty TNHH MTV Thảo Cầm Viên làm chủ đầu tư.

Để thực hiện dự án này, thành phố sẽ phải thu hồi đất của 705 hộ dân, trong đó có 443 hộ bị giải tỏa trắng, 262 hộ bị ảnh hưởng đất nông nghiệp.

Tổng kinh phí đầu tư dự án lên đến 500 triệu USD, dự án Sài Gòn Safari sau khi hoàng thành sẽ là khu du lịch sinh thái có tầm cỡ quốc gia và khu vực Đông Nam Á; nơi trưng bày, lưu giữ, nghiên cứu, bảo tồn, nhân giống các loài động thực vật quý hiếm của thế giới và Việt Nam, đáp ứng nhu cầu hoạt động giải trí, tham quan, dịch vụ.

Dự án còn có các công trình dịch vụ khác phục vụ du khách như biểu diễn thú ban ngày, ban đêm, khu dã ngoại, resort, khu vui chơi giải trí cho thiếu nhi...

Thế nhưng, kể từ ngày được phê duyệt đầu tư, Sài Gòn Safari vẫn nằm bất động. Trong khi đó, công tác đền bù giải phóng mặt bằng của dự án ì ạch và liên tục vấp phải khiếu nại của người dân. Năm 2007 công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đã đạt 96% nhưng dự án vẫn dậm chân tại chỗ.

Năm 2016, siêu dự án này có cơ hội được đổi vận khi một doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực bất động sản được giao để nghiên cứu đầu tư. Tuy nhiên, đến năm 2019 doanh nghiệp này đã xin rút lui khỏi dự án.

Tháng 6/2019, hàng loạt sai phạm trong quá trình triển khai dự án Sài Gòn Safari đã được nêu ra trong báo cáo kết luận của Thanh tra Chính phủ.

Cụ thể, dự án có quy mô lớn, diện tích đất phải thu hồi hơn 450ha nhưng UBND TP.HCM đã chưa thực hiện đúng trình tự pháp luật. Trong đó nêu rõ, thành phố đã giao dự án cho Công ty TNHH MTV Thảo Cầm Viên làm chủ đầu tư nhưng doanh nghiệp này không đủ năng lực thực hiện.

Đối với việc thu hồi đất và phương án hỗ trợ, đền bù cho người dân có một số quy định không phù hợp với các quy định của pháp luật về đất đai, việc áp giá đền bù chưa phù hợp với quy định. Đây là nguyên nhân khiến người dân chưa đồng thuận, phát sinh khiếu nại kéo dài.

Thanh tra Chính phủ kết luận, dự án không có phương án đền bù theo quy định, áp giá đền bù chưa phù hợp đã làm phát sinh chi phí hơn 104 tỷ đồng.

Tin mới lên