TP. HCM lên kế hoạch cải tạo, chỉnh trang chợ Bến Thành

Trần Lê - 14/02/2022 17:43 (GMT+7)

(VNF) - Văn phòng UBND TP. HCM vừa có thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó chủ tịch Thường trực Lê Hòa Bình về công tác cải tạo, chỉnh trang chợ Bến Thành.

VNF
Lịch sử chợ Bến Thành gắn liền với lịch sử phát triển TP. HCM.

Theo đó, UBND TP. HCM cơ bản thống nhất với ý tưởng cải tạo, chỉnh trang chợ Bến Thành theo đề xuất của Công ty TA Landscape (đơn vị tư vấn thiết kế).

Chính quyền thành phố giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TP. HCM phối hợp với đơn vị tư vấn thiết kế; thiết kế triển khai ý tưởng chi tiết hơn, báo cáo UBND TP. HCM trước ngày 28/2, kinh phí thiết kế thực hiện từ nguồn xã hội hóa.

Thành phố cũng giao UBND Q.1 phối hợp với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TP. HCM, đơn vị tư vấn triển khai thực hiện phương án thiết kế chi tiết, thống kê cụ thể có bao nhiêu gian hàng và tiểu thương kinh doanh trong chợ, các nội dung đề xuất thay mới, sửa chữa, cải tạo chỉnh trang hoặc trùng tu (nền chợ, hệ thống cấp thoát nước, cấp điện, chiếu sáng, phòng cháy chữa cháy, kiểm định hệ thống kết cấu chịu lực của mái và hệ thống tường bao, điều chỉnh chiều cao mái để thông thoáng và lấy sáng, lợp mái ngói thay thế mái tôn giả ngói hiện trạng, quảng cáo điện tử, trùng tu 4 cổng chính...), vẽ thiết kế chi tiết các gian hàng (sẽ thực hiện sau khi hoàn thành công tác cải tạo chỉnh trang chợ, tiểu thương tự bỏ kinh phí làm theo thiết kế để đảm bảo đồng bộ), dự toán chi phí thực hiện.

Trong quá trình thực hiện, cần lấy ý kiến của Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Xây dựng, Sở Công thương và Trung tâm Bảo tồn di tích (Sở Văn hóa - Thể thao) để hoàn thiện phương án, gửi Sở Xây dựng trước ngày 28.2 để tổng hợp báo cáo trình Thường trực UBND thành phố xem xét.

TP. HCM giao Sở Xây dựng thẩm định về công tác kiểm định kết cấu, chất lượng hiện trạng công trình và hồ sơ thiết kế cải tạo chỉnh trang chợ Bến Thành, tổng hợp báo cáo đề xuất, trình Thường trực UBND thành phố xem xét thông qua phương án thiết kế chi tiết trước ngày 8/3.

Chợ Bến Thành từ lâu đã được xem là biểu tượng của TP. HCM. Trước khi Pháp đánh chiếm Gia Định, khu vực xung quanh thành Gia Định (bấy giờ là thành Phụng) mới chỉ có 100 ngàn dân và chợ Bến Thành là nơi đông đúc nhất. Vào tháng 2/1859, Pháp chiếm thành Gia Định và 2 ngày sau, các binh lính người Việt đã tổ chức hỏa công thiêu rụi cả thành phố, chợ Bến Thành cũng bị thiêu hủy.

Năm 1860, người Pháp đã cho xây cất lại chợ Bến Thành ở địa điểm cũ, bằng cột gạch, sườn gỗ, và lợp lá.

Tháng 7/1870, chợ bị cháy mất một gian, phải xây cất lại bằng cột gạch, sườn sắt, lợp bằng ngói, tất cả có năm gian: gian thực phẩm, gian hàng cá, gian hàng thịt, gian hàng ăn uống và gian hàng tạp hóa. Trong năm gian hàng này, chỉ có gian hàng thịt được lợp bằng tôn, nền lót đá xanh.

Năm 1887, người Pháp cho lấp con kênh và sáp nhập hai con đường lại làm một thành đại lộ Charner. Dân bản xứ gọi nôm là đường Kinh Lấp (nay là đường Nguyễn Huệ). Khu chợ càng trở nên đông đúc với các cửa hiệu phần nhiều là của người Hoa, người Ấn Độ và người Pháp.

Khoảng giữa năm 1911, ngôi chợ trở nên cũ kỹ và lâm vào tình trạng có thể bị sụp đổ. Để tránh tai họa, người ta phải phá chợ, chỉ còn gian hàng thịt, vì mái tôn nhẹ, nên chưa bị phá. Đồng thời, người Pháp cũng lựa chọn một địa điểm để xây cất một khu chợ mới lớn hơn để phục vụ nhu cầu buôn bán sầm uất ngày càng phát triển.

Ngôi chợ mới khởi công xây dựng từ năm 1912 đến cuối tháng 3 năm 1914 thì hoàn tất. 

Năm 1952, nhà thầu tu sửa chợ Bến Thành. Tại 4 cửa chợ gắn phù điêu mang biểu tượng: cá đuối với nải chuối (cửa tây), con vịt xiêm với nải chuối (cửa bắc), bò với heo (cửa đông), đầu bò với cá chép (cửa nam).

Cho đến trước năm 1975 tên gọi chợ Bến Thành này thường chỉ hiện diện trong sách vở, còn người dân thì thường gọi là chợ Sài Gòn hay chợ Mới, để phân biệt chợ Cũ tại điểm cũ, vốn chỉ còn lại gian hàng thịt.

Ngày 1/7- 15/8 năm 1985, chợ Bến Thành được cải tạo và sửa chữa lớn.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Đột nhập Làng Đại học Đà Nẵng quy hoạch 'treo' suốt 27 năm

Đột nhập Làng Đại học Đà Nẵng quy hoạch 'treo' suốt 27 năm

(VNF) - Dự án ở địa phần Đà Nẵng đến nay đã được giải phóng mặt bằng trên một diện tích lớn và vẫn còn một số hộ dân. Những căn hộ dời đi mặt bằng đã được đập để bàn giao mặt bằng sạch.