TP.HCM: Đầu tư 1.800 tỷ làm 2km đường ven sông Sài Gòn
(VNF) - Dự án đường ven sông Sài Gòn và ngầm hóa đường Tôn Đức Thắng (quận 1) được kỳ vọng là động lực phát triển kinh tế sông khu vực trung tâm TP.HCM
- Kinh tế sông Sài Gòn: Đâu là điểm đến đầu tư lý tưởng? 03/03/2024 01:47
Sở GTVT TP.HCM đã đề xuất UBND TP làm đường ven sông Sài Gòn là dự án trọng điểm ưu tiên thực hiện giai đoạn 2024 - 2030, tổng mức đầu tư dự kiến 1.800 tỷ đồng
Theo thiết kế, đoạn đường dài gần 2km, rộng từ 31-33m, kết nối từ đường Tôn Đức Thắng, quận 1 tới khu Tân Cảng, quận Bình Thạnh. Khi hình thành, tuyến mở ra hướng đi mới từ cầu Sài Gòn vào khu trung tâm, tạo thêm không gian cho người dân tiếp cận dòng sông thay vì nhiều đoạn ven bờ tại đây đang là đường "nội bộ".
Ngoài ra, Sở Giao thông Vận tải TP cũng đề xuất ngầm hoá đường Tôn Đức Thắng ven sông Sài Gòn. Dự án dài gần 1 km từ cầu Ba Son đến cầu Khánh Hội có tổng mức đầu tư 2.100 tỷ đồng, thực hiện trước năm 2030.
Được biết trước đó, UBND TP cũng đã phê duyệt Ðề án phát triển kè sông và kinh tế dịch vụ ven sông TP.HCM giai đoạn 2020 - 2045. Cụ thể, khu vực bờ đông từ cầu Sài Gòn đến cầu đảo Kim Cương và bờ tây từ cầu Sài Gòn đến cầu Tân Thuận sẽ được ưu tiên thực hiện trước.
Theo Liên danh tư vấn Đề án, Viện Quy hoạch vùng Paris (IPR) và Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global), tiềm năng kinh tế dọc hành lang sông Sài Gòn bao gồm kinh tế dịch vụ, có các hoạt động như: du lịch sông nước, văn hóa và giải trí, kinh tế đêm; logistics; kinh tế xanh và số; phát triển hạ tầng giao thông; bất động sản. Đánh giá đúng tầm quan trọng của dòng sông với sự phát triển của TP chính là một trong những chìa khóa mở ra các cơ hội phát triển cho đô thị này trong 30 năm tới.
"Lấy không gian ven sông Sài Gòn làm mặt tiền cho đô thị, từ khu vực trung tâm truyền thống ở ven sông, phát triển dải đô thị hai bên sông như "trái tim mở rộng" - vùng trung tâm quan trọng và có giá trị nhất của TP; đưa không gian này trở thành điểm đến quý giá không thể thiếu của mọi người dân và du khách", đại diện Liên danh tư vấn đánh giá.
Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM, Ðề án được thực hiện theo lộ trình: Trong giai đoạn 2022 đến 2025, TP triển khai chương trình hành động cải tạo, chỉnh trang hành lang sông Sài Gòn - khu vực trung tâm thành phố gắn với các đề án phát triển kinh tế, dịch vụ; ban hành và triển khai quy chế, quy định, hướng dẫn quản lý phát triển hành lang sông nước; trong giai đoạn từ năm 2025-2045, dự án được đầu tư thực hiện cơ sở hạ tầng xanh tích hợp hoạt động du lịch-kinh tế-dịch vụ giải trí. Song song với đó, TP sẽ hoàn thiện pháp lý về quy hoạch khu vực dọc sông Sài Gòn.
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM nhận định, sông Sài Gòn thực sự có tiềm năng vô cùng to lớn trong việc phát triển kinh tế- xã hội không chỉ của TP.HCM mà còn cả của một vùng rộng lớn khu vực Đông Nam Bộ. Bản thân lãnh đạo TP cũng khẳng định mong muốn khai thác tiềm năng kinh tế và bảo tồn nét đẹp của con sông này.
“Mục tiêu của việc phát triển sông Sài Gòn là định hướng lấy không gian ven sông Sài Gòn làm “mặt tiền” cho đô thị, phát triển dải đô thị 02 bên sông, tổ chức các dải công viên công cộng ven sông nhằm đảm bảo khả năng tiếp cận và sử dụng các tiện ích, dịch vụ ven sông. Làm sao để dòng sông thực sự đóng góp cho sự phát triển của TP.HCM”, ông Phan Văn Mãi chia sẻ.
Sông Sài Gòn là trung tâm của quy hoạch TP.HCM thời kỳ mới
- TP.HCM hỗ trợ 100% lãi suất cho dự án đầu tư tới 200 tỷ đồng 05/08/2024 03:45
- Giá đất mới ở TP.HCM: Mới bằng 70% thị trường, sẽ tiếp tục điều chỉnh 04/08/2024 11:30
- Đầu tư gần 20.000 tỷ làm cao tốc TP.HCM - Mộc Bài 03/08/2024 09:45
'Ngắm' khu đất xây tổ hợp thương mại, văn phòng của TAH Invest tại Tây Hồ Tây
(VNF) - Dự án tổ hợp thương mại và dịch vụ kết hợp văn phòng được triển khai trên lô đất B2-CC4 thuộc Khu đô thị Tây Hồ Tây dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2027.