Trung Quốc: Các thành phố 'tranh giành dân', nới lỏng yêu cầu cư trú
(VNF) - Một "cuộc chiến" giành người dân đã nổ ra giữa các thành phố của Trung Quốc, khi các thành phố lớn thay phiên nhau nới lỏng các yêu cầu về cư trú trong bối cảnh tỷ lệ sinh thấp và cuộc khủng hoảng thị trường bất động sản đang diễn ra.
Loạt thành phố nới lỏng quy định cư trú
Theo một đề xuất lấy ý kiến công chúng gần đây, Thành Đô, một thành phố lớn ở phía tây nam Trung Quốc với dân số 17 triệu người - gấp đôi dân số New York, sẽ cho phép người di cư thay đổi tình trạng cư trú miễn là họ mua nhà trong thành phố.
Để theo đuổi mục tiêu mở rộng dân số, chính phủ sẽ cấp hộ khẩu cho người mua nhà và quyền tiếp cận với các dịch vụ công cộng tại địa phương.
Không chỉ Thành Đô, dựa trên các chỉ thị được công bố gần đây, nhiều tỉnh, thành phố như Hàng Châu và Tô Châu ở miền đông Trung Quốc, cũng đã mở rộng quyền cư trú cho những người mua bất động sản.
Các thành phố Thẩm Dương và Thanh Đảo ở phía bắc Trung Quốc thậm chí còn nới lỏng quy định hơn, cấp quyền cư trú cho những người thuê nhà tại thành phố.
Ngay cả tại các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Thiên Tân, Quảng Châu và Thâm Quyến, việc cấp hộ khẩu và quyền cư trú cũng đã được nới lỏng đáng kể.
Trước đây, việc có hộ khẩu tại các thành phố lớn là niềm mơ ước của nhiều người, do chính quyền Bắc Kinh áp dụng những chính sách kiểm soát dân cư rất sát sao và nghiêm ngặt.
Tuy nhiên, tỷ lệ sinh giảm và cuộc khủng hoảng bất động sản trong vài năm gần đây đã khiến cục diện thay đổi, "thổi lửa" cho cuộc chiến tranh giành nhân tài giữa các địa phương.
Cuộc chiến giành nhân tài
Ông Lu Mingtao, phó giáo sư kinh tế tại Đại học Kinh tế và Kinh doanh Thủ đô ở Bắc Kinh, cho biết: “Cuộc cạnh tranh hiện tại là sự tiếp nối của cuộc chiến giành nhân tài bắt đầu từ năm 2017, do các thành phố phải duy trì một quy mô dân số nhất định để hỗ trợ các ngành công nghiệp hiện đại như tài chính và văn hóa”.
Ông Lu nói thêm rằng tỷ lệ sinh giảm và lượng tồn kho bất động sản tăng cao đang làm gia tăng nhu cầu về dòng người đổ về khi chính quyền địa phương đang phải tìm cách thúc đẩy hoạt động kinh tế tại địa phương.
Ông Lu cho biết cuộc cạnh tranh thu hút nhân tài bắt đầu từ 7 năm trước, khi các thành phố như Vũ Hán và Thành Đô thực hiện các chính sách thu hút sinh viên tốt nghiệp đại học.
Hiện nay, cuộc chiến giành nhân tài lại bùng nổ khi các địa phương tìm kiếm khả năng kinh tế khả thi trước sự thay đổi về nhân khẩu học.
Dân số Trung Quốc đã giảm lần đầu tiên sau 6 thập kỷ vào năm 2022 và tiếp tục giảm vào năm ngoái, làm nổi bật mối lo ngại về triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Nước này báo cáo dân số là 1,409 tỷ vào cuối năm ngoái - giảm 2,08 triệu so với năm 2022.
Ông Lu cho biết dân số đông không chỉ cần thiết để phát triển các ngành đổi mới mà còn rất quan trọng đối với chính quyền địa phương khi Trung Quốc thúc đẩy cải cách thuế, trong đó "thuế thu nhập cá nhân và doanh nghiệp, cùng với thuế tiêu dùng, có khả năng là nguồn sống chính của chính quyền địa phương".
Với cơ cấu dân số của đất nước đang giảm dần, chính quyền trung ương Trung Quốc đang chuyển sang một cách tiếp cận mới là khuyến khích nhiều nông dân chuyển đến thành phố bằng cách hứa hẹn trao cho họ quyền công dân đô thị bình đẳng nhằm kích thích tiêu dùng và duy trì sức sống của đô thị.
Trong kế hoạch đô thị hóa được ban hành vào tháng 7, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia đã cam kết xóa bỏ các hạn chế cư trú tại các thành phố có dân số dưới 3 triệu người và nới lỏng các yêu cầu ở những thành phố có dân số từ 3 đến 5 triệu người.
Đối với các thành phố lớn hơn, kế hoạch này nhằm mục đích tinh chỉnh tiêu chí cư trú dựa trên điểm, tập trung vào các khoản thanh toán bảo hiểm xã hội và thời gian cư trú, đồng thời khuyến khích xóa bỏ hạn ngạch cư trú hàng năm.
Hơn hai phần ba dân số Trung Quốc sống ở các thành phố vào cuối năm ngoái, nhưng trong số đó có hàng trăm triệu người di cư không có tình trạng cư trú tại các thành phố đó.
Trung Quốc củng cố vị thế thống trị thị trường kim loại quý
- Thi công chức Trung Quốc: 10.000 người ứng tuyển 1 vị trí 27/10/2024 01:37
- Lợi nhuận của Mercedes giảm một nửa khi Trung Quốc ‘lánh xa’ hàng xa xỉ 26/10/2024 08:45
- Hoàn tiền không trả hàng: 'Bóp nghẹt' thương mại điện tử Trung Quốc 25/10/2024 10:15
Hơn 15.000 ngôi nhà ở Quảng Bình ngập do mưa lũ
(VNF) - Nước lũ dâng cao đang làm nhiều khu vực ở tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị bị chia cắt, buộc hàng nghìn hộ dân phải kê cao đồ đạc và di dời người cùng tài sản.