Tài chính quốc tế

Trung Quốc đưa 200 tàu áp sát đảo Thị Tứ, Philippines trao công hàm phản đối

(VNF) - Theo Tư lệnh quân đội Philippines Benjamin Madrigal Jr., tính từ đầu năm tới nay có khoảng 200 tàu và thuyền Trung Quốc xuất hiện quanh đảo Thị Tứ và Chính phủ Philippines đã trao công hàm ngoại giao phản đối động thái này của Trung Quốc.

Trung Quốc đưa 200 tàu áp sát đảo Thị Tứ, Philippines trao công hàm phản đối

Ảnh vệ tinh ngày 20/12/2018 cho thấy đội tàu Trung Quốc tiến gần đảo Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa.

Hãng tin Bloomberg hôm nay (1/4) dẫn lời ông Madrigal Jr. cho biết các binh sĩ của nước này sẽ tiếp tục tiến hành hoạt động tuần tra tại khu vực đảo Thị Tứ.

Người phát ngôn của lực lượng vũ trang Philippines Edgard Arevalo cảnh báo rất khó để xác định chính xác có bao nhiêu tàu hiện diện xung quanh đảo Thị Tứ tại từng thời điểm cụ thể vì các tàu Trung Quốc liên tục “đến và đi” khỏi khu vực này.

“Thông tin mà chúng tôi nhận được là nhiều khả năng họ muốn thiết lập sự hiện diện tại khu vực này”, ông Arevalo cho biết thêm.

Reuters dẫn lời phát ngôn viên của tổng thống Salvador Panelo ngày 1/4 cho biết Chính phủ Philippines đã trao công hàm ngoại giao phản đối Trung Quốc vì sự hiện diện của hàng trăm tàu nước này gần đảo Thị Tứ trên Biển Đông.

Về phần mình, Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Zhao Jianhua nói với các phóng viên rằng cả ngư dân Philippines và Trung Quốc đều hiện diện tại khu vực tranh chấp. Ông cũng bác bỏ các tin tức nói rằng các ngư dân Trung Quốc có mang theo vũ khí.

Theo lời ông Jianhua, Bắc Kinh và Manila đang xử lý các vấn đề liên quan tới hàng hải thông qua các kênh ngoại giao.

Đảo Thị Tứ có diện tích lớn thứ nhì trong số hàng trăm đảo và bãi san hô ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Philippines và Trung Quốc cũng đòi chủ quyền đối với Thị Tứ và Philippines đang kiểm soát đảo này.

Theo Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI), một đơn vị thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Mỹ, hiện có khoảng hơn 100 dân thường và một số binh sĩ sinh sống trên đảo Thị Tứ.

Việt Nam nhiều lần khẳng định mọi hoạt động tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà không có sự cho phép của Việt Nam là bất hợp pháp và vi phạm chủ quyền.

Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình ở hai quần đảo, phù hợp với luật pháp quốc tế. Trong khi tìm kiếm giải pháp cho tranh chấp, Việt Nam đề nghị các bên cần kiềm chế, không có các hành động làm phức tạp thêm tình hình hay mở rộng tranh chấp.

Xem thêm  >> Quyết tâm mua S-400 của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ nhận ‘đòn đau’ từ Mỹ

Tin mới lên