Tài chính quốc tế

Trung Quốc: Loạt ‘ông lớn’ công nghệ quyên góp hàng tỷ USD sau tuyên bố của ông Tập Cận Bình

(VNF) - Các tập đoàn công nghệ lớn của Trung Quốc chi không tiếc tay cho các hoạt động từ thiện và các dự án xã hội sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề cập tới “sự thịnh vượng chung” và “tái phân bổ của cải trong đất nước”.

Trung Quốc: Loạt ‘ông lớn’ công nghệ quyên góp hàng tỷ USD sau tuyên bố của ông Tập Cận Bình

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Nô nức làm từ thiện

Tập đoàn thương mại điện tử Pinduoduo vừa cam kết tài trợ toàn bộ số lợi nhận 372 triệu USD mà họ kiếm được trong quý II/2021 để đóng góp cho sự phát triển của ngành nông nghiệp và các khu vực nông thôn của Trung Quốc.

Đại diện của Pinduoduo cho biết công ty sẽ tiếp tục quyên góp ít nhất là đến khi số tiền đạt 10 tỷ NDT (1,5 tỷ USD) cho các lĩnh vực này.

Đây là một quyết định lớn đối với Pinduoduo, công ty niêm yết trên sàn Nasdaq ở Mỹ, bởi quý 2 là quý báo lãi đầu tiên của công ty với tư cách một doanh nghiệp đại chúng.

Thông báo của Pinduoduo được đưa ra trong bối cảnh loạt tỷ phú và tập đoàn lớn của Trung Quốc liên tục chi ra số tiền khủng để làm từ thiện và các dự án xã hội.

Trước đó, gã khổng lồ công nghệ Tencent Holdings cho biết họ đã tạo ra một quỹ trị giá 50 tỷ NDT (khoảng 7,7 tỷ USD) để đáp lại lời kêu gọi của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về mục tiêu "thịnh vượng chung".

Theo tuyên bố của Tencent, khoản quỹ này nhằm giúp tăng thu nhập cho những người thu nhập thấp, cải thiện việc chăm sóc sức khỏe, giúp phát triển kinh tế vùng nông thôn và hỗ trợ giáo dục cơ bản. Công ty hy vọng khoản quỹ này sẽ thúc đẩy "sự đổi mới trong các giá trị xã hội bền vững".

Như vậy, trong vòng 4 tháng qua, Tencent đã chi ra tổng cộng 100 tỷ NDT (hơn 15 tỷ USD) cho các hoạt động công ích. Trước đó, Tencent đã đầu tư 50 tỷ NDT vào giai đoạn đầu của chiến lược mới “Sáng tạo giá trị xã hội bền vững”, nhằm tìm cách giải quyết các vấn đề xã hội thông qua công nghệ và kinh doanh.

Mới đây, một chi nhánh của Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc ở tỉnh Chiết Giang cũng cam kết cung cấp 150 tỷ NDT (khoảng 13 tỷ USD) trong vòng 5 năm cho các doanh nghiệp địa phương, để hỗ trợ sáng tạo khoa học, thúc đẩy nâng cấp đô thị, phục vụ trấn hưng nông thôn, phát triển tài năng..., nhằm chung tay thúc đẩy “xây dựng khu thí điểm tiên phong về thịnh vượng chung”.

Trong thông báo hồi đầu tháng 8, tập đoàn thương mại điện tử Alibaba cũng nhấn mạnh việc thúc đẩy trấn hưng nông thôn, thịnh vượng chung và bền vững xanh sẽ là cốt lõi của hoạt động công ích và trách nhiệm xã hội của mình thời gian tới.

Trung Quốc nhắm tới mục tiêu “thịnh vượng chung”

Theo ông Brock Silvers, Giám đốc đầu tư tại Kaiyuan Capital (có trụ sở ở Hong Kong), có thể không phải ngẫu nhiên khi các tỷ phú công nghệ và các tập đoàn lớn của Trung Quốc hoạt động từ thiện tích cực thời gian gần đây.

Ông Silvers phỏng đoán rằng những động thái này có thể liên quan mật thiết đến chiến dịch siết chặt kiểm soát ngành Internet của Bắc Kinh.

Mới đây, phát biểu trước Uỷ ban trung ương về tài chính và kinh tế của Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 17/8, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định: “Thịnh vượng chung là thịnh vượng của toàn thể nhân dân, không phải sự thịnh vượng của số ít cá nhân”.

Đồng thời, nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng đưa ra lời kêu gọi “điều chỉnh hợp lý các khoản thu nhập quá cao” và “khuyến khích các nhóm thu nhập cao và doanh nghiệp gần gũi hơn với cộng đồng, đền đáp nhiều hơn cho xã hội”.

Ông Tập thậm chí còn viện dẫn nhu cầu “thịnh vượng chung” của người dân Trung Quốc là yếu tố then chốt để Đảng duy trì quyền lực và đưa đất nước trở thành một quốc gia phát triển giàu mạnh toàn diện vào năm 2049, kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước Trung Quốc mới, bởi đây chính là một phần quan trọng trong mục tiêu 100 năm lần thứ hai của Trung Quốc.

Như vậy, có thể hiểu chính phủ Trung Quốc sắp tới sẽ có những động thái mạnh tay hơn với những người sở hữu tài sản khổng lồ ở nước này như buộc họ phải trả thuế nhiều hơn, giúp giải quyết sự bất bình đẳng về thu nhập…

Khái niệm “thịnh vượng chung” thường được hiểu là tài sản được chia sẻ công bằng cho người dân. Đảm bảo sự “thịnh vượng chung” đã thành chủ đề chính trong các cuộc tranh luận chính trị ở Trung Quốc trong những tháng gần đây.

Nỗ lực tạo ra "thịnh vượng chung" có thể đồng thời tạo ra áp lực lên giới siêu giàu và các doanh nghiệp Trung Quốc.

Theo các nhà phân tích, ý tưởng này hàm chứa trong các quy định mới nhất về loạt biện pháp quản lý các công ty công nghệ, tài chính và giáo dục…

Xem thêm >> ADB tài trợ Việt Nam 60 triệu USD cải thiện cơ sở hạ tầng cho vùng khó khăn

Tin mới lên