Tài chính quốc tế

Trung Quốc: ‘Nợ ngầm’ phình to tới 8.200 tỷ USD, cao hơn 50% GDP

(VNF) - Theo báo cáo của Goldman Sachs, tổng nợ từ các công ty tài chính của chính quyền địa phương (LGFV) của Trung Quốc đã tăng từ 16.000 tỷ NDT (2.470 tỷ USD) năm 2013 lên khoảng 53.000 tỷ NDT (8.200 tỷ USD) vào cuối năm 2020.

Trung Quốc: ‘Nợ ngầm’ phình to tới 8.200 tỷ USD, cao hơn 50% GDP

Trung Quốc: ‘Nợ ngầm’ phình to tới 8.200 tỷ USD, cao hơn 50% GDP.

Khoản nợ này lớn hơn tổng số nợ chính phủ được Trung Quốc công bố chính thức và tương đương với 52% GDP của Trung Quốc.

Tính toán của Goldman Sachs dựa trên hơn 2.000 báo cáo của các LGFV về những khoản nợ chịu lãi suất, bao gồm trái phiếu và các khoản vay ngân hàng.

LGFV thường thuộc sở hữu hoàn toàn bởi chính quyền địa phương và được thành lập nhằm tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng công cộng. Trái phiếu do các công ty như vậy phát hành là công cụ mà các quốc gia có thể sử dụng để vay tiền mà không cần thể hiện trên bảng cân đối kế toán, nhưng các thị trường tài chính xem khoản nợ đó như một nghĩa vụ của chính phủ.

Tại Trung Quốc, 40% các khoản vay từ LGFV tập trung đầu tư cho xây dựng, vận tải, các tập đoàn công nghiệp quy mô…

Theo báo cáo, trong năm 2020, tiền thu được từ khoảng 60% lượng trái phiếu do chính quyền địa phương phát hành là để thanh toán các trái phiếu đáo hạn trong giai đoạn 2020-2021 chứ không phải cho các khoản đầu tư mới vào nền kinh tế. Đứng đầu là tỉnh Giang Tô, với khoản nợ 8.000 tỷ NDT (1.230 tỷ USD).

Tính theo tỉ lệ nợ trên tổng GDP, Thiên Tân, Bắc Kinh, Tứ Xuyên, Quý Châu, Cam Túc là những tỉnh, thành phố có mức nợ LGFV cao nhất cả nước.

Tại Trung Quốc, thu nhập chính của các chính quyền địa phương là bán đất. Tuy nhiên, doanh số bán nhà đã chậm lại do cuộc khủng hoảng nợ của “ông lớn” bất động sản Trung Quốc China Evergrande.

Hồi đầu năm, Chính phủ Trung Quốc triển khai chủ trương giảm nợ LGFV khi sự phục hồi của nền kinh tế đã tạo điều kiện để tập trung vào việc giải quyết các rủi ro tài chính. Nhưng ở thời điểm hiện tại, trong bối cảnh sự tăng trưởng đang đối mặt với nhiều trở ngại, bao gồm tiêu dùng nội địa giảm, thị trường nhà đất suy yếu... Điều này sẽ buộc chính phủ phải tính toán lại biện pháp mạnh tay trong kiểm soát nợ.

Thêm vào đó, tình trạng thiếu điện do chính sách “xanh” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dẫn đến giảm sản lượng tại các trung tâm công nghiệp. Tình trạng thiếu than cũng ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh.

Để bù đắp phần thiếu hụt do doanh thu bán đất thu hẹp, các chuyên gia Goldman Sachs khuyến nghị chính quyền Trung Quốc tăng hạn ngạch trái phiếu từ mức 3.650 tỷ NDT (565 tỷ USD) của năm nay lên thêm hơn 500 tỷ NDT (77 tỷ USD) cho năm 2022.

Xem thêm >> JPMorgan Chase tuyên bố đã chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống chính phủ Mỹ vỡ nợ

Tin mới lên