TS Đinh Thế Hiển: Phản đối thuế tài sản vì không yên tâm với chi ngân sách là ngụy biện

Bá Lâm - 17/04/2018 12:45 (GMT+7)

(VNF) - "Nếu khoản thuế nào đó cần trì hoãn nộp thì đó phải là khoản thuế phí thu trên đa số người dân có thu nhập trung bình và nghèo chứ không phải là thuế thu trên người có tài sản khá giả trở lên", đó là nhận định của chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển xoay quanh việc đánh thuế tài sản đang gây tranh cãi hiện nay.

VNF
TS Đinh Thế Hiển

Phản đối thuế tài sản là... ngụy biện

Hiện có nhiều ý kiến trái chiều phản đối việc áp thuế tài sản, trong đó, nhiều ý kiến cho rằng đánh thuế tài sản là... tận thu. Theo ông Hiển: "Những người nói thuế tài sản 'tận thu' chính là đang 'đi ngược tiến trình phát triển' của xã hội, không tìm hiểu kỹ loại thuế này có ý nghĩa và vai trò như thế nào đối với sự phát triển của đất nước".

Ông Hiển nhấn mạnh trong bối cảnh ngân sách đang thiếu (vì những yếu kém từ trước đó) thì cần phải chấp nhận tăng thu trong một giai đoạn nhất định để vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, phần "tăng thu" cần được tính toán hợp lý bằng việc thu từ những người có tài sản cao hơn mức trung bình, chứ không phải thu cào bằng qua các thuế phí thông thường.

"Phần tăng thu thuế thêm của những người có thu nhập trung bình sẽ rất nhỏ nhưng đối với những người có nhà to, biệt thự biển lớn giá vài chục tỷ thì sẽ là nguồn thu đáng kể cho ngân sách", ông Hiển cho hay.

Đối với quan điểm cho rằng ngân sách thiếu hụt như hiện nay là do sự chi tiêu lãng phí cùng bộ máy quản lý cồng kềnh của các cơ quan Nhà nước, vì vậy không thể để người dân gánh lấy... "hậu quả" này, ông Hiển cho rằng, phải tách bạch hai vấn đề: Thuế thu có hợp lý hay không và chi ngân sách từ tiền thuế có minh bạch không?

Cụ thể, theo ông Hiển, nếu nói rằng thu thuế tài sản nhưng khi đưa vào ngân sách Nhà nước lại tiêu xài hoang phí nên người dân không nộp thuế là đúng, thì các thuế trước đó như phí môi trường, thuế thu nhập cá nhân (TNCN) cũng không nộp vì cùng bản chất? Nếu ngân sách sử dụng sai, người dân hãy phản đối về phần chi sai đó chứ không nên vì thế mà không nộp thuế tài sản. Trong khi đây vốn là sắc thuế thu trên những người có tài sản cao hơn mức trung bình...

"Nếu vì không yên tâm với việc chi ngân sách mà người dân không nộp 'loại thuế thu của người giàu' thì theo tôi đó là... ngụy biện. Và nếu vậy, trước hết phải hoãn thuế thu trên người lao động, thuế TNCN và thay vào bằng thuế tài sản. Chưa kể, thuế tài sản là sắc thuế phổ biến nhất ở các quốc gia, là nguồn thuế quan trọng để chính quyền đầu tư phát triển hạ tầng và an sinh xã hội. Hơn thế nữa, sắc thuế này còn giúp hạn chế đầu cơ bất động sản và tạo công bằng cho những người sở hữu giá trị tài sản khác nhau", ông Hiển thông tin thêm.

Cần điều chỉnh phương thức tính thuế cho hợp lý

Mặc dù sắc thuế này được người dân các nước phát triển xem là nghĩa vụ cần thiết và hợp lý; thì tại Việt Nam, khi có thông tin đóng thuế nhà ở đã tạo rất nhiều ý kiến không đồng tình; trong đó chủ yếu là người dân cho rằng việc giảm trừ giá trị tính thuế nhà 700 triệu đồng là quá thấp. Theo chuyên gia kinh tế này, vấn đề ở đây là cần tách ra hai nhận định, sự cần thiết của thuế tài sản và cách thu như thế nào để hợp lý.

Theo ông Hiển, về sự cần thiết thì đã đến lúc chúng ta áp dụng thuế tài sản để đảm bảo sự công bằng trong việc có nguồn thu cho phát triển. Người có nhà to, giá trị cao tất nhiên sẽ phải nộp thuế nhiều hơn, những người có nhà dưới chuẩn sẽ không phải nộp thuế. Tuy nhiên về phương pháp thu thuế thì phương pháp của Bộ Tài Chính còn mang tính đơn giản. Nó có thể giúp cho việc thu thuế thuận lợi, dễ tính; nhưng nó còn mang tính cào bằng, chưa tính đến "yếu tố Việt Nam", và chưa thể hiện rõ nét về tính phân phối lại của sắc thuế tài sản, cụ thể là nhà và đất.

Trước vấn đề này, ông Hiển đưa ra các giải pháp sau: "Trước hết, không thể lấy giá trị nhà miễn thuế cho cho mọi địa phương, vì căn nhà ở đô thị lớn sẽ có giá trị cao hơn rất nhiều so với đô thị nhỏ và thị trấn… Việc thu thuế nhà, đất cần tính đến điều này để những người nghèo thành thị sẽ giảm nộp thuế. Cụ thể nên đưa ra hệ số đối với đô thị lớn, để tăng giá trị miễn giảm. Thí dụ TP.HCM và Hà Nội có hệ số 3, tức giá trị miễn thuế 2 tỷ - 3 tỷ đồng; các đô thị khác sẽ có hệ số thấp hơn…

Thứ hai, việc tính thuế nên miễn phần diện tích đất chịu thuế cho người dân; điều này phù hợp với tâm lý người Việt vẫn coi nhà đất là quyền của họ. Thí dụ, với các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM thì miễn thuế phần đất trên mỗi đầu người là 5m2 - 10m2 ; các đô thị loại 2, thị xã, thị trấn… thì tăng diện tích nên cho phù hợp với điều kiện sống mỗi khu vực. Với các tính này, cũng giải quyết được vấn đề nhiều người sống chung trong một căn nhà, họ sẽ được miễn nhiều hơn.

Thứ ba, cần điều chỉnh tỷ lệ thu thuế theo hướng gia tăng. Tức là thay vì tính đều 0,4%; thì tỷ lệ thu sẽ đi từ 0,1% - 0,8%. Theo đó, diện tích (giá trị) vượt mức 1 sẽ tính 0,1%; cứ tiếp tục từng mức cho đến các diện tích (giá trị) vượt khung thì thu 0,8%. Điều này tạo sự công bằng cho người có nhà, đất ít sẽ nộp thuế rất ít so với người có diện tịch (giá trị) nhà, đất lớn. Đây cũng là phương thức của phân phối lại của sắc thuế.

Ngoài ra, khi tiến hành thu thuế, thì sẽ cho lộ trình 3 năm, với tỷ lệ tăng từng bước để người dân quen và có chuẩn bị tài chính phù hợp.

"Tóm lại, thuế tài sản là sắc thuế cần thiết đối với quốc gia, và sẽ được sử dụng lại cho điều kiện sống của người dân. Nhưng để việc thu thuế tạo sự đồng tình, cũng như giảm nộp cho những người thu nhập thấp, thì việc thu thuế cần điều chỉnh thêm để người dân đồng tình", ông Hiển chốt lại.

Cùng chuyên mục
Tin khác