VFS: Vốn ngoại vào TTCK Việt Nam sẽ đảo chiều trong quý III

Anh Phan - 15/07/2023 09:54 (GMT+7)

(VNF) - Trong báo cáo phân tích vừa công bố, Công ty Cổ phần Chứng khoán Nhất Việt (VFS) đánh giá nửa đầu năm 2023, đà giảm giá năng lượng trên thế giới đã hỗ trợ việc kiểm soát lạm phát của Việt Nam. Theo đó, áp lực tỷ giá và thanh khoản hệ thống không còn căng thẳng.

VNF
VFS: Vốn ngoại vào TTCK Việt Nam sẽ đảo chiều trong quý III

Tuy nhiên, trong khoảng thời gian này, nền kinh tế nhìn chung vẫn suy yếu khi sản xuất thu hẹp, xuất nhập khẩu suy yếu. Trước những diễn biến này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) liên tục giảm lãi suất điều hành nhằm hạ nhiệt lãi suất cho vay, hỗ trợ nền kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn.

“Trong bối cảnh nhu cầu yếu, tăng trưởng cung tiền thấp (dự báo 10%), vòng quay tiền chậm, tỷ giá ổn định, chúng tôi dự báo lạm phát Việt Nam trong năm 2023 sẽ ở mức 3,5 – 4%, đạt mục tiêu dưới 4,5% của Chính phủ đề ra”, báo cáo của VFS nhấn mạnh.

Công ty chứng khoán này cũng chỉ ra việc Fed sẽ tiếp tục giữ lãi suất cao trong nửa cuối năm 2023, trong khi NHNN thực hiện giảm lãi suất, sẽ phần nào gây áp lực lên tỷ giá USD/VND do chênh lệch lãi suất âm giữa đồng USD và VND làm tăng nhu cầu đối với đồng USD. Dù vậy VFS cho rằng áp lực là không lớn do chu kỳ tăng lãi suất của Fed đi vào giai đoạn cuối nên không thể thúc đẩy giá trị đồng USD tăng mạnh; nguồn cung ngoại tệ của Việt Nam dự báo vẫn mạnh đến từ xuất nhập khẩu, ước tính thặng dư khoảng 22 tỷ USD cả năm 2023 và tỷ lệ dự trữ ngoại hối đang tăng trở lại, NHNN đã mua 6 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm.

Nhấn mạnh đầu tư công sẽ là động lực tăng trưởng chính, VFS cho hay tốc độ giải ngân đầu tư công đã có sự cải thiện đáng kể trong tháng 5 khi tăng 28% so với tháng trước. Trong bối cảnh xuất khẩu gặp khó khăn, tăng trưởng tín dụng thấp, đầu tư công được đánh giá sẽ được đẩy mạnh hơn nữa về cuối năm, vốn là mùa cao điểm trong việc giải ngân các dự án xây dựng giúp thúc đẩy nền kinh tế.

Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang thực hiện dự thảo sửa nghị định 40 về đầu tư công theo hướng phân chia thẩm quyền và hướng dẫn cụ thể nhiệm vụ cụ thể từng cấp để giúp việc giải ngân đầu tư công được triển khai nhanh chóng hơn.

Theo đó, VFS ước tính giải ngân đầu tư công năm 2023 sẽ đạt khoảng 600 nghìn tỷ, tăng 30,1% so với cùng kỳ và hoàn thành 85% kế hoạch được giao.

Bên cạnh đó, động thái giảm thuế VAT 2% từ 1/7/2023 đến 31/12/2023 của Chính phủ sẽ góp phần thúc đẩy tiêu dùng trong nước trong bối cảnh khách quốc tế đến Việt Nam đang có sự gia tăng mạnh mẽ. Ngoài thúc đẩy nhu cầu, giảm thuế VAT cũng góp phần làm giảm áp lực lạm phát trong nửa cuối năm 2023.

Phân tích thêm, VFS cho hay mặc dù tăng trưởng chậm trong quý I/2023, nhưng nền kinh tế vấn cho thấy một số điểm tích cực giúp tăng trưởng hồi phục trở lại mức cao hơn trong nửa cuối năm như: tiêu dùng và dịch vụ bán lẻ duy trì tăng trưởng tốt tốt nhờ lượng khách quốc tế tăng cao; giải ngân đầu tư công có sự cải thiện đáng kể trong tháng 5, kỳ vọng cả năm đạt 85% kế hoạch chính phủ giao; mặt bằng lãi suất huy động đã giảm tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay trong quý III, từ đó thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và hỗ trợ doanh nghiệp.

“Kinh tế Việt Nam có độ mở cao, do đó sự suy giảm của các nền kinh tế lớn như Mỹ, Châu Âu và Trung Quốc sẽ khiến hoạt động xuất khẩu tiếp tục gặp khó khăn. Chúng tôi dự báo Việt Nam có thể đạt tốc độ tăng trưởng GDP 6% năm 2023, thấp hơn so với mục tiêu 6,5% của Quốc hội”, VFS nhấn mạnh đồng thời khẳng định thị trường chứng khoán vẫn là kênh hấp dẫn dòng tiền nhà đầu tư cá nhân nửa cuối năm 2023.

Theo đó, với việc lãi suất giảm thúc đẩy dòng tiền chảy từ gửi tiết kiệm sang các kênh đầu tư khác nhằm tìm kiếm tỷ suất lợi nhuận cao hơn, thì chứng khoán được dự báo sẽ tiếp tục thu hút dòng tiền nửa cuối năm 2023.

Các yếu tố thúc đẩy sự phát triển của thị trường sẽ bao gồm việc thị trường bất động sản khó khăn do vướng thủ tục pháp lý, tín dụng tăng trưởng chậm và áp lực đáo hạn trái phiếu tăng cao; giá vàng liên tục đi ngang trong nửa đầu năm và đang chịu áp lực giảm theo giá vàng thế giới, do đó sức hấp dẫn không lớn, đặc biệt trong bối cảnh lạm phát tại Việt Nam thấp và lạm phát thế giới đang có xu hướng giảm

Theo VFS, khối ngoại đẩy mạnh bán ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong quý II/2023, nguyên nhân do Fed giữ lãi suất ở mức cao trong khi NHNN liên tục hạ lãi suất làm gia tăng lo ngại rủi ro tỷ giá.

Dù vậy ở thời điểm hiện tại, VFS đánh giá rằng rủi ro tỷ giá là không lớn khi mà chu kỳ tăng lãi suất của Fed đã di vào giai đoạn cuối và nguồn cung ngoại tệ của Việt Nam đang rất tốt. Đồng thời, kinh tế Việt Nam dù vẫn khó khăn nhưng dự báo dần hồi phục về cuối năm, do đó đơn vị này kỳ vọng dòng vốn ngoại sẽ có sự đảo chiều trong quý III/2023.

Cùng chuyên mục
Tin khác